A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dấu ấn chuyển đổi số Việt Nam năm 2020

 

QPTĐ-Năm 2020 đầy ắp những sự kiện trọng đại của Đảng, đất nước, với nỗ lực, quyết tâm lớn, cộng hưởng mạnh mẽ, nhân bội lòng yêu nước nồng nàn, Việt Nam trở thành hình mẫu về cách thức kiểm soát và phòng chống dịch Covid-19. Đồng thời, được đánh giá là một trong số mười quốc gia trên thế giới có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Năm 2020, chuyển đổi số diễn ra với tốc độ nhanh, tác động lớn lên cả ba trụ cột là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Việt Nam đã nhanh chóng nắm bắt thời cơ, thực hiện công cuộc chuyển đổi số nhanh, mạnh và toàn diện. Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định số 749 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới.

 Năm 2020, chuyển đổi số của Việt Nam diễn ra nhanh, mạnh, toàn diện

Chính phủ số với những đột phá quan trọng

Năm 2020, xây dựng Chính phủ số nhằm hiện thực hóa quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Những kết quả trong quá trình xây dựng Chính phủ số rất đáng được ghi nhận: Khai trương và đưa vào vận hành Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống e-Cabinet, Cổng Dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Đây thực sự là những dấu mốc trong năm 2020 về cải cách, đổi mới phương thức làm việc trong hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, là sự thay đổi phong cách làm việc theo hướng quản trị hiện đại.

Hệ thống e-Cabinet đổi mới phương thức làm việc của Chính phủ trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành. E-Cabinet hỗ trợ đắc lực cho các phiên họp Chính phủ khi có đầy đủ các chức năng như: Cập nhật, quản lý, lưu trữ hồ sơ, tài liệu phiên họp; quản lý phiên họp; phát biểu, thảo luận, tham gia ý kiến, chỉnh sửa dự thảo văn bản, biểu quyết điện tử của các Thành viên Chính phủ. 

Trong quá trình phát triển chính phủ số, dịch vụ công trực tuyến là một trong những tiêu chí quan trọng thể hiện tinh thần phục vụ của Chính phủ đối với doanh nghiệp, người dân và toàn xã hội. Cổng dịch vụ công ra đời thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy mạnh xây dựng chính phủ số theo hướng thực chất hơn, hiệu quả hơn. Việc tích hợp dịch vụ lên Cổng dịch vụ công quốc gia là công việc thường xuyên, liên tục, không có điểm dừng với mục tiêu xuyên suốt là lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức là thước đo chất lượng cung cấp dịch vụ công của các cơ quan hành chính Nhà nước, tổ chức cung cấp dịch vụ công. 

Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ vừa mới khai trương và đi vào hoạt động hiệu quả trong năm 2020 là kênh giao tiếp thúc đẩy mối quan hệ trong nội bộ các cơ quan hành chính Nhà nước. Về lợi ích của số hóa báo cáo giấy, tính toán của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính cho thấy, nếu điện tử hóa, hệ thống tự động tổng hợp, số ngày công tiết kiệm được 1 năm là trên 4.700 ngày công, chi phí tiết kiệm được cho việc thực hiện một báo cáo là trên 1 tỷ đồng.

Bước chuyển mình của kinh tế số và xã hội số

Phát triển kinh tế số sẽ sử dụng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra những mô hình kinh doanh mới. Sử dụng kinh tế số sẽ góp phần tăng năng suất lao động. Trong nền kinh tế số, các doanh nghiệp sẽ đổi mới quy trình sản xuất, kinh doanh sang mô hình theo hệ sinh thái, liên kết từ khâu sản xuất, thương mại đến sử dụng.

Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là lực lượng chủ lực phát triển các hạ tầng, nền tảng, dịch vụ, tư vấn, cung cấp giải pháp chuyển đổi số. Phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả. Hợp tác quốc tế là giải pháp quan trọng để thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt là thúc đẩy chuyển đổi số trong xã hội, từ đó, tạo lực kéo tiến trình chuyển đổi số trong cơ quan Nhà nước. Hiện nay, Việt Nam đang đứng ở vị trí 48/60 quốc gia có tốc độ chuyển đổi kinh tế số hóa nhanh trên thế giới, đồng thời đứng ở vị trí 22 về tốc độ phát triển số hóa. Những con số này đã chứng tỏ sự thay đổi lớn trong mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam, là bước ngoặt giúp kinh tế-xã hội Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới.

 Trong quá trình chuyển đổi số, thuận lợi của Việt Nam là có những doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin lớn, có hạ tầng rộng khắp toàn quốc, đặc biệt với sự phát triển mạng 5G tạo nền tảng thúc đẩy cho chuyển đổi số và nhân lực chất lượng cao để tạo ra những hạ tầng mang tính nền tảng cho quá trình chuyển đổi số trong những lĩnh vực cơ bản. Ngày 30/11/2020, tại sự kiện “5G Viettel xin chào Việt Nam”, Viettel công bố kinh doanh thử nghiệm 5G ở Hà Nội, đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc đưa 5G đến trực tiếp người dùng. Đây là cơ hội để thay đổi thứ hạng viễn thông Việt Nam và phát triển ngành Công nghiệp Công nghệ thông tin, cơ hội để ngành Thông tin và Truyền thông Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế của mình trong nền kinh tế số. Việc sản xuất thành công thiết bị đầu cuối 5G, Viettel đã lọt top 6 công ty viễn thông cung cấp được thiết bị 5G trên thế giới, bên cạnh Ericsson, Samsung, Huawei... Nhờ đó, Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia làm chủ công nghệ này cả về thiết bị phần cứng và phần mềm.

Chuyển đổi số cũng mang lại những lợi ích thiết thực đối với giáo dục: Trải nghiệm thực tế và học tập nhóm hiệu quả, chủ động trong công việc học tập, truy cập tài liệu học tập không giới hạn, nâng cao chất lượng giáo dục. Khi diễn biến dịch Covid-19 còn hết sức phức tạp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các địa phương tăng cường dạy trực tuyến trong thời gian học sinh, sinh viên nghỉ phòng Covid-19. Các nhà trường lựa chọn công cụ dạy học qua Internet phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế. Đây có thể là cơ hội để học sinh, giáo viên, ngành giáo dục cả nước làm quen với ứng dụng những công nghệ số hiện đại vào đổi mới các hình thức tổ chức dạy học. Đó chính là minh chứng đầu tiên về lợi ích của giáo dục số tới nền giáo dục của Việt Nam.

Chuyển đổi số cũng tạo ra nhiều sự lựa chọn hơn cho người học. Thay vì đến các trường công, họ có thể tham gia vào các khóa học trực tuyến E-learning với chi phí rẻ hơn nhiều lần. Thậm chí người học còn có thể tùy chọn những khóa học phù hợp với bản thân và những môn mà bản thân họ thực sự quan tâm. Điều này giúp cho việc học tập hiệu quả và chất lượng hơn.

Hiện nay, trên cả hai nền tảng phổ biến trên điện thoại thông minh là Androi và iOS, mỗi ngày có khoảng hơn 4.000 ứng dụng di động dành cho lĩnh vực giáo dục được viết ra, trong số đó khoảng hơn 2/3 là miễn phí. Như vậy, khả năng tích hợp các ứng dụng di động được cài đặt trên điện thoại vào trong các hoạt động tổ chức, triển khai dạy học trong và ngoài lớp học là vô cùng lớn. Bên cạnh đó, điện thoại còn có thể sử dụng như một thiết bị để giáo viên, học sinh sử dụng và sáng tạo không giới hạn như một chiếc kính hiển vi, camera chụp ảnh, máy quét kĩ thuật số, màn hình trải nghiệm thực tế ảo, các công cụ đo lường cá nhân hoặc như một thiết bị kết nối ngoại vi đa năng trong dạy học.

Việt Nam hiện đang sở hữu lợi thế về nguồn lực con người và sự quyết tâm của Đảng và Chính phủ. Bởi vậy, sẽ tạo ra làn sóng, động lực quốc gia về phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Đây là hướng đi đúng đắn nhằm xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh và hùng cường.

song hà


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ