A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Chính phủ số

 

QPTĐ-Ngày 25/2/2021, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Lễ Khai trương hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân. Thiết kế chi tiết của hai hệ thống được phê duyệt với nguyên tắc chung là bảo đảm hiện đại, đồng bộ, bảo mật cao, tránh lãng phí. Hệ thống căn cước công dân theo mô hình kế thừa đảm bảo tận dụng tối đa hiệu quả từ hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, rà soát, tận dụng dùng chung cơ sở hạ tầng, thiết bị mạng, bảo mật, hệ thống truyền dẫn của Bộ Công an. 

Lễ khai trương hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất cấp và quản lý căn cước công dân của Bộ Công an. (Ảnh: Internet)

Thành phần cốt lõi của Chính phủ điện tử

Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng Chính phủ điện tử. Khi hai hệ thống này chính thức đi vào hoạt động góp phần đổi mới công tác quản lý con người, quản lý Nhà nước về an ninh trật tự theo hướng hiện đại; đồng thời, sẽ hỗ trợ đắc lực cho nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định rằng, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân đi vào hoạt động sẽ là đầu mối cung cấp các thông tin cơ bản, có đầy đủ tính pháp lý về công dân. Thay vì người dân, doanh nghiệp phải khai báo, nộp, chứng thực các giấy tờ khi thực hiện các giao dịch với cơ quan Nhà nước thì các thông tin đó sẽ được trích xuất tự động khi thực hiện các giao dịch hoặc các cơ quan Nhà nước tra cứu, khai thác từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, từ đó, giúp giảm bớt thời gian chuẩn bị hồ sơ, giảm chi phí giấy tờ, thời gian xác minh, đi lại cho công dân. Dự tính tổng chi phí người dân, doanh nghiệp tiết kiệm được hàng năm khi tích hợp, thực hiện tám thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công quốc gia lên tới gần 5.000 tỷ/năm. 

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, Lực lượng công an được Đảng và Nhà nước giao thực hiện nhiệm vụ chưa có tiền lệ từ trước đến nay, chiến dịch xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân tạo tiền đề xây dựng Chính phủ điện tử, xã hội số, kinh tế số.

Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân được thực hiện theo Luật Căn cước công dân, đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020. 

Dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2015 với tổng số vốn hơn 3.000 tỷ đồng. Dự án này thu thập, cập nhật các thông tin cơ bản của công dân, tạo lập nên một hệ cơ sở dữ liệu về dân cư tập trung, thống nhất trên toàn quốc để dùng chung cho các bộ, ngành và chính quyền các cấp. Qua đó cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin về dân cư (số liệu, cơ cấu, phân bổ và các biến động...) phục vụ quản lý Nhà nước, hoạch định chính sách. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng là căn cứ để các cơ quan quản lý Nhà nước nghiên cứu, đề xuất lộ trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân; hướng tới bỏ quản lý sổ hộ khẩu giấy, chuyển sang quản lý cư trú điện tử. Dự án sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân được Thủ tướng phê duyệt tháng 9/2020 với tổng mức 2.800 tỷ đồng, gồm các hạng mục xây dựng trung tâm thu nhận dữ liệu, sản xuất thẻ căn cước gắn chip điện tử; hệ thống hạ tầng, thiết bị cho công an trên toàn quốc.

Thẻ gắn chíp có nhiều điểm mới so với căn cước cũ, gồm việc bổ sung chíp điện tử, mã QR code phục vụ tích hợp các thông tin dữ liệu cá nhân, ngân hàng, bảo hiểm xã hội, bằng lái xe... Với công nghệ mới, khi người dân đi làm thủ tục hành chính sẽ không cần mang theo giấy xác nhận chứng minh thư cũ. Từ đầu năm 2021 đến nay, ngành Công an đã thu thập được gần 600.000 hồ sơ và bắt đầu sản xuất, in thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử cho người dân. Dự kiến đến 1/7/2021, có tới 50 triệu người dân trên toàn quốc sẽ được cấp thẻ căn cước gắn chíp.

Những nhiệm vụ tiếp theo

Để triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an huy động gần 45.000 cán bộ, chiến sĩ tham gia thu thập, cập nhật, bổ sung thông tin dân cư; đào tạo gần 24.000 cán bộ tại địa phương sử dụng hệ thống. Đến thời điểm hiện tại, ngành Công an cơ bản hoàn thành việc thu thập thông tin dân cư trên toàn quốc, bảo đảm chính xác, cập nhật thường xuyên theo nguyên tắc đúng, đủ, sạch và dữ liệu sống. 

Thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục hoàn thiện hai hệ thống, bảo đảm dữ liệu công dân chính xác và thường xuyên được bổ sung, cập nhật; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan bảo đảm an ninh, an toàn dữ liệu; sẵn sàng chuẩn bị các điều kiện kết nối với các bộ, ngành, địa phương để xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, hướng tới xây dựng kinh tế số, xã hội số.

Đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia và cổng dịch vụ công của Bộ Công an để phục vụ người dân, doanh nghiệp; đồng thời, khẩn trương trình Chính phủ Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong quý 2/2021. Các bộ, ngành và UBND các địa phương tiếp tục cùng Bộ Công an trong quá trình xây dựng hai dự án, bảo đảm đồng bộ, kết nối trong xây dựng Chính phủ điện tử.

Thủ tướng đề nghị, Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Ban Cơ yếu Chính phủ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ Bộ Công an trong quá trình xây dựng hai dự án trên. Đảm bảo nguyên tắc hiện đại đồng bộ, bảo mật cao và chống lãng phí xuyên suốt trong quá trình thực hiện dự án.

Đồng thời, các bộ, ban, ngành khẩn trương nghiên cứu, đề xuất các ứng dụng để tích hợp trong chíp điện tử trên thẻ căn cước công dân để quản lý ngành, lĩnh vực được phân công; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các giao dịch dân sự, kinh tế.

Song Hà
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ