A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Anh Hải mê sáng kiến

 

Nhanh nhẹn, sôi nổi và thân thiện, đó là cảm nhận đầu tiên của  tôi khi gặp Trung tá CN Trương Phúc Hải, nhân viên Ban Cơ yếu Sư đoàn Bộ binh 301, người vừa có sáng kiến đạt giải Ba tại “Hội thi sáng kiến cải tiến kỹ thuật, mô hình học cụ huấn luyện năm 2017 cấp Sư đoàn. Anh được nhiều đồng đội nhắc đến như một “Cây sáng kiến” trong đơn vị và mỗi đề tài, sáng kiến, ý tưởng mới của anh đều hướng đến nâng cao chất lượng học tập, huấn luyện của bộ đội, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của đơn vị.

 

 

Thiết bị tạo giả âm thanh của Trung tá CN Trương Phúc Hải đạt giải Ba trong Hội thi sáng kiến cải tiến kỹ thuật,

mô hình học cụ huấn luyện năm 2017 Sư đoàn Bộ binh 301.

 

Còn nhớ, năm 2010 anh Hải được  điều động ra Trường Sa làm nhiệm vụ  tại đảo Trường Sa Đông. Thời gian này, anh đã để lại dấu ấn của mình nơi đảo xa với một sáng kiến có ý nghĩa thiết thực nhằm nâng cao chất lượng bữa ăn hằng ngày cho bộ đội, đó là mô hình: “vườn chuồng khép kín”. Anh cho biết: “Rau xanh ở Trường Sa được coi là “đặc sản” quý hiếm, không phải cứ trồng là sống. Tôi xây dựng mô hình “vườn chuồng khép kín” để tạo nguồn phân chăm sóc cho rau xanh. Điều kiện thời tiết, khí hậu trên đảo vốn vô cùng khắc nghiệt, ít mưa, các loại phân gà, phân vịt thường có nhiều mầm bệnh tổn hại đến cây trồng. Do đó, trước khi đưa vào sử dụng cần rải lớp cát biển dưới nền phân. Vị mặn sẽ triệt tiêu mầm bệnh tạo thành dinh dưỡng tốt cho cây. Thời điểm đó với vườn rau trên đảo Trường Sa Đông chỉ hơn 30m2, nhưng được tận dụng và trồng với đủ thứ như rau mùng tơi, cải cúc, cải xanh, rau muống đến giàn mướp, bầu bí…Ngoài ra, ở các góc sân, sau lưng nhà bộ đội, bệnh xá, có khoảng trống nào là tôi “nghiên cứu” trồng cây leo, giàn rau phù hợp”. Mỗi năm, đảo Trường Sa Đông thu hoạch từ tăng gia đạt sản lượng trên 1 tấn rau xanh các loại.

 

Được biết, anh Hải còn đầu tư thời gian, tìm hiểu tài liệu để có phương pháp ấp trứng vịt, gà đạt chất lượng cao, cung cấp giống tốt cho các  đơn vị trên đảo và các đảo khác; triển khai chiết hàng nghìn cành Bàng vuông để phục vụ cho Quân chủng Hải quân làm quà tặng cho các đoàn khách từ đất liền ra thăm đảo. Với gần 800 ngày liên tục làm nhiệm vụ tại huyện đảo Trường Sa, anh đã thực hiện hàng vạn bức điện mật từ đảo xa với đất liền bảo đảm không sai sót, bí mật an toàn phục vụ lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân. Thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Trung tá CN Trương Phúc Hải được lãnh đạo huyện đảo Trường Sa ghi nhận, tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” năm 2011.

 

Hết thời gian làm nhiệm vụ ngoài đảo, giữa năm 2012 anh được về đất liền tiếp tục công tác tại Sư đoàn. Tại đây, anh tiếp tục niềm đam mê sáng kiến để tạo ra những “sản phẩm” mới được lãnh đạo, chỉ huy các cấp đánh giá cao. Điển hình nhất, phải kể đến sáng kiến “Bình chữa cháy phục vụ huấn luyện, luyện tập chữa cháy” đạt giải Nhất  Hội thi sáng kiến cải tiến kỹ thuật, mô hình học cụ huấn luyện Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội năm 2015. Anh  đã dùng bình chữa cháy đã qua sử dụng (hoặc thu mua vỏ bình trên thị trường) rồi khoan một lỗ để lắp van bơm khí vào bình. Khi sử dụng chỉ cần cho nước có dung dịch pha hóa chất tạo bọt khí, dùng bơm bơm khí vào bình theo tỷ lệ có sẵn thay thế khí đẩy CO2 và Ni-tơ. Hiệu quả của chiếc bình này vừa tiết kiệm kinh phí, vừa an toàn khi sử dụng và khắc phục được việc luyện tập “chay” tại các cơ quan, đơn vị.

 

Trước đây, nếu dùng bình chữa cháy thông thường loại 4kg để huấn luyện, luyện tập thì chi phí khoảng 250.000 đồng/bình/lần huấn luyện và nguy cơ mất an toàn cao. Bình chữa cháy do anh Hải sáng chế chi phí chỉ khoảng 80 nghìn đồng/bình/lần huấn luyện nhưng vẫn bảo đảm sát thực tế và an toàn tuyệt đối. Năm 2016, sáng kiến này đã được đưa vào huấn luyện, luyện tập, hội thao tại Chi nhánh Viettel Hà Nội cho gần 2.000 cán bộ, nhân viên, người lao động; giành giải Ba khi tham gia Hội thi sáng kiến cải tiến kỹ thuật Bộ Quốc phòng. Hiện nay, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học-Công nghệ) tiếp nhận thẩm định để cấp bằng sở hữu độc quyền vào năm 2017.

 

Trở lại với sáng kiến năm 2017, đó là “Thiết bị tạo giả âm thanh, điều khiển từ xa phục vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu” đạt giải Ba. Anh Hải đã dùng các linh kiện điện tử như: Modul thu, phát RF, modul giao tiếp thẻ nhớ, giải mã âm thanh, modul xử lý trung tâm rồi tích hợp chúng lại với nhau tạo ra một thiết bị điều khiển từ xa để phát âm thanh, thay dùng dây dẫn. Âm thanh tiếng máy bay, tiếng súng nổ, bài tuyên truyền đặc biệt, các tình huống trong các bài huấn luyện, luyện tập sẵn sàng chiến đấu được ghi lại vào USB hoặc thẻ nhớ. Người sử dụng, chỉ việc cắm USB vào thiết bị, bấm nút chọn bài trên bàn điều khiển, lập tức loa phát ra âm thanh tạo giả, trong vòng bán kính 200m vẫn nghe rõ. Trung tá CN Trương Phúc Hải tâm sự: “Mỗi khi có ý tưởng, tôi luôn chủ động đề xuất với lãnh đạo, chỉ huy đơn vị và tham khảo ý kiến đóng góp của đồng đội, cán bộ có kinh nghiệm để quyết tâm hoàn hiện cho bằng được”.

 

Có thể thấy, trong vườn hoa thi đua của LLVT Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Trung tá CN Trương Phúc Hải xứng đáng là một bông hoa đẹp, là tấm gương điển hình trong thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, Nét đẹp “Người chiến sĩ Thủ đô”.

 

Hữu Thu


Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ