A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

CUỘC THI VIẾT NÉT ĐẸP NGƯỜI CHIẾN SĨ THỦ ĐÔ

Cựu chiến binh nặng tình với học sinh vùng cao

 

QPTĐ-Với nhiều người, nghỉ hưu là được nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình, vui tuổi già, nhưng với cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Hồ Thanh Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Gia Lâm , Hà Nội thì đây là thời gian quý giá để ông sẻ chia, giúp đỡ để các em học sinh nghèo vùng sâu, vùng xa được cắp sách tới trường, chắp cánh những ước mơ.

Vợ chồng CCB Nguyễn Hồ Thanh Tùng đang chuẩn bị hành lý cho chuyến đi thiện nguyện.

 Mang niềm vui về nơi gian khó

CCB Nguyễn Hồ Thanh Tùng khá mệt sau chuyến hành trình hàng trăm ki-lô-mét vượt đèo, leo dốc thực hiện chuyến thiện nguyện tại xã Hồng Thái (Na Hang, Tuyên Quang). Vậy nhưng, khi nghe tôi hỏi về cảm xúc sau chuyến đi, ông như được tiếp năng lượng, hồ hởi hẳn: “Mình có anh bạn ở Tuyên Quang. Khi nghe mình chia sẻ muốn tặng một số cặp da, ba lô, sách bút cho các cháu học sinh vùng cao trước năm học mới, anh ấy đã giới thiệu lên xã Hồng Thái. Vậy là chúng mình hành quân đi luôn”. Xã Hồng Thái có đông bà con đồng bào dân tộc Dao, Cao Lan sinh sống. Đây là xã vùng cao và xa nhất của tỉnh, cách Thành phố Tuyên Quang khoảng 170km. Đoàn phải đi mất hơn 5 giờ đồng hồ đường đèo dốc, trơn trượt mới lên tới điểm trường THCS và tiểu học của xã, với tổng cộng hơn 250 học sinh.

Để có những món quà thật ý nghĩa, ông Tùng chủ động liên hệ với lãnh đạo xã và Ban Giám hiệu nhà trường; tham khảo nguyện vọng, sở thích của các cháu. Qua đó, ông biết các cháu học tiểu học thì rất thích cặp sách; còn các cháu học THCS lại thích ba lô để đeo cho tiện việc đi bộ đường đèo dốc. Từ đó, ông bàn bạc, thống nhất với nhà hảo tâm để thiết kế, sản xuất cho phù hợp. Với 257 cặp sách, ba lô, mặc dù giá trị vật chất không lớn nhưng chuyến thiện nguyện lên vùng cao nghèo khó của tỉnh Tuyên Quang góp phần nâng bước các em tới trường. Học sinh Triệu Thị Hằng, thôn Khuổi Phầy (thông xa nhất xã), học sinh lớp 4 khoe với chúng tôi: “Từ khi đi học đến bây giờ, con mới có chiếc cặp sách đẹp như vậy. Trước đó, sách vở của con được đựng trong chiếc túi bằng vải do mẹ làm. Vì thế, hôm nào mưa to là sách vở của con ướt hết”. Sau mỗi chuyến đi, được tận mắt chứng kiến nhiều cháu nhỏ vùng cao gầy gò ốm yếu, cơm ăn không đủ no, phải ăn ngô khoai, mèn mén thay cơm, thiếu sách bút đi học; đường đến trường chênh vênh bên sườn núi, để lại trong ông nhiều trăn trở và càng thôi thúc ông quyết tâm làm tốt hơn công tác thiện nguyện. Ông Tùng nhớ như in lần về thăm xã Cẩm Tú (Cẩm Thủy, Thanh Hoá) một xã vùng sâu khó khăn. Trời giá rét căm căm vậy mà các cháu học sinh đến Trường Tiểu học xã Cẩm Tú, quần áo mỏng manh, nhiều em chân không giày dép bước trên những con đường bùn đất lầy lội. Cảm thương với những khó khăn của thầy và trò nơi đây, ông Tùng trở về kêu gọi bà con, các nhà hảo tâm trên địa bàn huyện Gia Lâm, cùng sự đóng góp của gia đình; ủng hộ quần áo cũ, cặp sách, ba lô, bút viết, sách vở, mì ăn liền…, tổng trị giá hơn 30 triệu đồng tặng các cháu.

Được biết, từ năm 2011 đến nay, mỗi năm ông Tùng cùng Công ty HALANĐODA thực hiện từ 2 đến 3 chuyến thiện nguyện, với số tiền hàng tỷ đồng đến với các em học sinh vùng cao, nghèo khó của các tỉnh: Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai, Thanh Hóa…

Vợ chồng CCB Nguyễn Hồ Thanh Tùng tặng quà hỗ trợ cho học sinh tại Nà Hang

Gắn kết lòng nhân ái

“Cái duyên” đưa ông Tùng đến với hoạt động thiện nguyện từ khi ông còn là Chỉ huy trưởng, Ban CHQS huyện Gia Lâm. Trong một chuyến công tác của Đoàn cán bộ huyện đi thăm và tặng quà đơn vị kết nghĩa là huyện Si Ma Cai (Lào Cai), ông chứng kiến, chỉ qua một đêm sau trận lũ quét, đồng bào và các cháu nhỏ phải sống trong cảnh màn trời, chiếu đất, nhà cửa sập đổ, đường sá bị tàn phá, học sinh không có chỗ học. Trong suốt chuyến đi, trong đầu ông luôn trăn trở: “Các cháu học sinh vùng lũ bao giờ được trở lại trường?” và muốn làm ngay một việc gì đó để bù đắp, chia sẻ những vất vả mà người dân nơi đây đang phải gánh chịu. 

Sau chuyến công tác, trên cương vị Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, ông Tùng tiến hành vận động, kêu gọi một số cơ quan, doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn chung tay giúp đỡ các cháu học sinh vùng bị thiên tai bão lũ. Ban đầu có một số đơn vị tham gia ủng hộ nhưng sau thưa dần, lý do là doanh nghiệp đang gặp khó khăn, sẽ tham gia ở thời điểm thích hợp. Ông Tùng tâm niệm, việc làm tình nghĩa, nhân văn phải xuất phát từ tấm lòng thiện nguyện nên không thể ép buộc. Ông rất muốn đi vận động, kêu gọi các nhà hảo tâm không chỉ ở địa bàn huyện mà ở cả các địa phương khác và mong sao những tấm lòng thiện nguyện luôn kết nối, lan tỏa.

Người luôn đồng hành, sát cánh, lo toan trước mỗi chuyến thiện nguyện của ông Tùng chính là người vợ - bà Nguyễn Thị Nguyệt Hằng. Bà Hằng là giáo viên dạy trẻ em khiếm thị, Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội. Hằng ngày tiếp xúc, dạy dỗ các em khuyết tật thiếu may mắn, bà càng hiểu hơn ý nghĩa cao đẹp của công việc thiện nguyện. “Tấm lòng thiện nguyện không chỉ là sự sẻ chia lá lành đùm lá rách mà cao hơn là nghĩa tình, là tình thương yêu. Cho đi không phải để nhận lại, mà để tình thương yêu luôn lan tỏa”, bà chia sẻ. Bà rất vui và tích cực ủng hộ công việc thiện nguyện của chồng. Hằng ngày, sau những giờ làm việc ở cơ quan, ông Tùng và vợ lại đi vận động, kêu gọi cư dân các tòa nhà trong Khu đô thị Đặng Xá, Gia Lâm ủng hộ gạo, mì ăn liền; quần áo, giày dép cũ; rồi về phân loại theo lứa tuổi, theo từng bộ và thuê giặt sạch. Có người thấy bà Hằng cẩn thận giặt, là, bảo rằng: “Có quần áo mặc là tốt rồi, bày vẽ giặt là làm gì cho mất công”. Bà chỉ cười, bởi đối với bà món quà tặng phải xuất phát từ tấm lòng, từ trái tim...

Để thực hiện những chuyến đi từ thiện, vợ chồng CCB Nguyễn Hồ Thanh Tùng nhiều lúc như phải chạy đua với thời gian, cố gắng thu xếp công việc cơ quan, gia đình hợp lý. Một số địa bàn cần giúp đỡ ở quá xa, không đủ thời gian trực tiếp đến, ông Tùng liên hệ với địa phương rồi gửi quà để giúp đỡ bà con.

Hai năm trở lại đây, sức khỏe ông Tùng giảm sút do ảnh hưởng của những cơn đau, viêm cột sống, hay những lần ngồi trên ô tô nhiều tiếng liền trong các chuyến thiện nguyện, có chuyến tưởng chừng khó thực hiện được. Nhưng cứ nghĩ đến việc, ở đâu đó, nơi những bản làng xa xôi, vẫn còn những em học sinh cơm ăn không đủ no, áo mặc không đủ ấm, nhiều mảnh đời thiếu may mắn không được cắp sách tới trường, lại thôi thúc ông vượt qua những cơn đau, tiếp tục hành trình thiện nguyện.

 Càng tìm hiểu về ông Tùng, chúng tôi càng ngưỡng mộ và thán phục. Gắn bó cống hiến gần trọn cuộc đời trong môi trường quân ngũ, từng tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, ông trải qua nhiều cương vị công tác và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Năm 2013, ông được nghỉ hưu theo chế độ. Nhiều tổ chức chính trị-xã hội của địa phương mời ông tiếp tục cộng tác, nhưng ông đều khéo léo từ chối, bởi ông muốn dành thời gian cho công việc thiện nguyện. Với ông, việc làm thiện nguyện không vì mục đích nào khác, mà xuất phát từ trái tim yêu thương, tình cảm chân thành của người CCB- Bộ đội Cụ Hồ, nét đẹp “Người chiến sĩ Thủ đô” đối với các em học sinh nghèo khó vùng cao. Ông Phạm Như Phước, Bí thư chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố số 4, Khu đô thị Đặng Xá, Gia Lâm, nơi gia đình ông Tùng sinh sống cho biết: “CCB Nguyễn Hồ Thanh Tùng và gia đình luôn gương mẫu trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Nhiều năm qua, ông Tùng rất nhiệt tình, tích cực trong công tác thiện nguyện, giúp đỡ các học sinh nghèo và bà con đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn vươn lên trong cuộc sống; được cán bộ, nhân dân trong tổ dân phố rất quý mến, trân trọng”.

NGUYỄN VĂN TUÂN

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ