A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

CUỘC THI VIẾT "NÉT ĐẸP NGƯỜI CHIẾN SĨ THỦ ĐÔ"

“Đồng đội ơi hãy trở về”

 

QPTĐ-Nhắc đến cái tên Đào Khiêm, CCB thôn Thống Nhất, xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội có lẽ không chỉ người dân trong thôn mà CCB ở nhiều địa phương đều biết. Bởi ông không chỉ là người lính trung kiên giữa trận mạc mà còn có nhiệt huyết cháy bỏng là đi tìm đồng đội từ đất mẹ xa xôi trở về quê hương.

Bác Đào Khiêm (người thứ 2 từ trái sang) cùng các đồng đội trao kỷ vật liệt sĩ cho người thân.  

Năm 1968, nghe theo tiếng gọi của non sông, chàng trai trẻ Đào Khiêm khi ấy 24 tuổi hăng hái lên đường nhập ngũ. Sau 3 tháng rèn luyện, tháng 5/1968, anh cùng đơn vị là Đoàn 3026 vào Nam chiến đấu. Sáu tháng hành quân bộ, Đoàn đã tập kết tại biên giới Việt Nam-Campuchia (khu vực huyện Đức Lập, tỉnh Đắc Lắc), được bổ sung vào Trung đoàn 250 trực thuộc Quân khu 5. Nhiệm vụ của Trung đoàn lúc này là vận chuyển vũ khí chi viện cho 4 tỉnh cực Nam Trung bộ gồm: Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, đồng thời bảo vệ nhân dân và các cơ quan đoàn thể vùng căn cứ của tỉnh Đắc Lắc. Bác Khiêm lúc ấy thuộc Đại đội 1, Tiểu đoàn 252, hoạt động tại địa bàn H10 (huyện Đắc Lắc). Điều kiện làm việc có nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng với phẩm chất của người lính “Bộ đội Cụ Hồ”, không chùn bước trước mọi khó khăn, gian khổ, nhiệm vụ nào, bác Đào Khiêm cùng đồng đội cũng vượt qua và hoàn thành tốt.

Cam go không sợ, ác liệt không sờn, ấy vậy nhưng người lính ấy lại day dứt khôn nguôi khi phải chứng kiến sự hy sinh, mất mát của động đội trên chiến trường. “Chiến trường ác liệt. Vừa mới đây thôi còn trò chuyện cùng nhau, kể cho nhau những câu chuyện, kỷ niệm nơi quê nhà nhưng chút thôi, đồng đội đã hy sinh. Có khi các đồng chí ấy hy sinh do bị địch phục kích trên đường vận chuyển vũ khí, lúc thì bị tập kích nơi trú quân, trường hợp khác lại trong các trận chống càn bảo vệ nhân dân và các cơ quan, đoàn thể vùng căn cứ cách mạng. Tuổi trẻ tòng quân ra trận. Chúng tôi ra đi không hẹn ngày về, không ngại hy sinh xương máu để đất nước trường tồn nhưng chứng kiến những giây phút ấy, thật sự rất đau xót!”, bác Khiêm dân dấn nước mắt.

Sau giải phóng miền Nam, bác Đào Khiêm chuyển ngành về Nông trường Quốc doanh Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. “Dời quân ngũ nhưng lòng tôi luôn nhớ tới đồng chí, đồng đội đã hy sinh cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước; nhớ về khoảnh khắc quy tập các liệt sỹ về căn cứ khi đơn vị chuyển quân về tỉnh Phú Yên nhận nhiệm vụ mới (năm 1974)”, bác Khiêm chia sẻ.

Canh cánh trong lòng về đồng đội, bác đã tìm hiểu và biết nhiều người vẫn chưa “được trở về” nên năm 1985, bác Khiêm bắt đầu viết thư cho xã Thâm Trạch (nay là xã Buôn Triết), trong đó phác họa rất chi tiết nơi chôn cất liệt sĩ để địa phương quy tập liệt sĩ về nghĩa trang địa phương. Nỗi lòng của người lính đã được thấu hiểu. Một ngày cuối năm 1986, bác nhận được thư hồi âm của chính quyền xã, báo tin đã tìm thấy và quy tập được 16 liệt sĩ về nghĩa trang xã nhà. Niềm vui đến với bác Khiêm như không gì đong đếm được, bác vui vì các đồng đội đã được “về với đồng đội”, nhưng vẫn còn canh cánh nỗi lòng vì một số đồng đội trong đó chưa biết nằm nơi đâu. 

Sau nhiều lần trao đổi thông tin qua lại với Hội CCB, Ban CHQS địa phương và Ban liên lạc Trung đoàn nhưng vẫn không có kết quả. Năm 2017, 2018, người lính ấy quyết định trở lại chiến trường Tây Nguyên năm xưa, cùng với cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Lak, tỉnh Đắc Lắc và dân quân hai xã 5K và Buôn Triết tìm kiếm những đồng đội còn nằm lại trong rừng sâu, mọi chi phí đều do cá nhân bác bỏ ra bằng chính những đồng lương hưu tích lũy. Bác Khiêm kể: “Sau bao nhiêu năm, trở lại chiến trường xưa, địa hình giờ đã thay đổi rất nhiều. Khu đóng quân, bệnh xá đơn vị cũ giờ vào mùa mưa thì ngập nước do địa phương làm đập thủy lợi gần đó, nhân dân phát dẫy, trồng cây, do vậy việc tìm kiếm theo đó cũng là một bài  toán rất khó. Tuy nhiên, với tình cảm sâu nặng, biết ơn của người còn sống với đồng đội đã hy sinh, chúng tôi quyết tâm phải đi bằng được, đó là lần ngược lại từ điểm cao 800-là nơi đồng đội hy sinh nhiều nhất để xác định hướng tới nơi chôn cất ban đầu. Sau nhiều ngày tìm kiếm khó khăn, vất vả, chúng tôi đã tìm được 15 phần mộ liệt sỹ”. 

Tuổi cao, sức yếu, có nhiều khi trái gió, trở trời đau nhức nhưng người lính ấy vẫn không thấy “tâm yên” khi chưa tìm được nhiều nhất có thể đồng đội của mình. Cứ thế người lính già lại lên đường trở lại chiến trường xưa, tranh thủ mọi nguồn thông tin từ cấp ủy, chính quyền đến người dân địa phương để có những tia hy vọng tích cực.

Trời đã không phụ lòng người, khi tháng 5-2020, bác lại nhận được tin từ UBND xã 5K, huyện Lak, tỉnh Đắc Lắc về các phần mộ liệt sỹ. Thời điểm đó, dịch bệnh Covid-19 trong nước vẫn còn phức tạp, song tình cảm thiêng liêng của người lính thôi thúc không cho bước chân bác chần chừ. Sau 3 ngày cùng dân quân xã 5K vào rừng tìm kiếm, đội của bác đã thấy 3 phần mộ liệt sỹ của Huyện đội H10 và 1 mũ cối, 1 nòng súng CKC dựng ở gốc cây cổ thụ. Sau đó 1 tuần, được cung cấp thông tin, bác lại cùng LLVT xã Buôn Triết tiếp tục xác minh và tìm được 7 liệt sỹ nơi rừng sâu.

Ở cái tuổi 80 lại tích cực lặn lội trong rừng sâu để tìm kiếm đồng đội đã hy sinh như bác Khiêm thì quả là không hề dễ dàng. “Có lẽ được đồng đội phù hộ nên mọi thứ khó khăn là thế nhưng tôi lại thấy khỏe và minh mẫn hơn. Với lại cứ nghĩ đến việc các đồng đội của mình vẫn nằm lạnh lẽo nơi rừng sâu, tôi lại thấy day dứt, thấy mình cần phải đi. Còn có sức khỏe, còn trí nhớ thì tôi sẽ không từ bỏ ước nguyện của mình. Tôi mong có thể tìm được nhiều đồng đội để các anh được trở về với gia đình, với quê hương”, bác Khiêm tâm sự. 

Trao đổi với anh Nguyễn Khắc Định cháu ruột của liệt sĩ Nguyễn Khắc Tuệ, quê Tiên Lữ, Hưng Yên được biết: Gia đình, dòng họ rất may mắn, vui mừng khi được bác Đào Khiêm thông báo và cho biết tin đã tìm được phần mộ của người thân và đã được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ của địa phương, gia đình đã tổ chức vào thắp hương, thăm nơi an nghỉ của người thân đã hy sinh vì Tổ quốc. 

Nhận xét về bác Đào Khiêm, Chủ tịch Hội CCB xã Sơn Đông cho biết: “Là một CCB ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng bác Đào Khiêm luôn là tấm gương cho con cháu, bà con lối xóm noi theo. Nghỉ hưu năm 1991, và cũng từ đó đến nay, bác tích cực tham gia công tác tại địa phương như: Cùng CCB phát triển kinh tế, làm giàu cho quê hương, tham gia vận động nhân dân địa phương thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; ngoài ra, còn không ngại gian khổ chỉ với một mong ước “Đồng đội ơi hãy trở về!”.

HỮU NAM


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ