A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài 

Những ngày cuối tháng 9, trùng dịp Tết Trung thu, Hà Nội vẫn trong tâm thế nghiêm chỉnh thực hiện lệnh giãn cách xã hội, ứng phó với dịch bệnh Covid-19. 

Năm nay, tiết trời miền Bắc có đổi thay, thuận mưa. Trời Thu Hà Nội chỉ bừng nắng vào lúc gần trưa.

Đền Bà Kiệu, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, Tháp Bút sừng sững đứng đó, bên Hồ Gươm uy nghiêm, trầm mặc. Nước Hồ Gươm, hồ Lục Thủy vẫn xanh trong, sóng gợn lăn tăn, in bóng Tháp Rùa lung linh trong sắc vàng nắng Thu Hà Nội. Một làn gió thổi nhẹ ào qua trên tán lá, như đám trẻ nô đùa chạy đuổi bắt, khiến hàng cây cổ thụ đứng nghiêm, sừng sững bên đại lộ Đinh Tiên Hoàng rùng mình, trút lá vàng bay bay, như thông điệp gửi về từ quá khứ. 

Đường phố nội thành Thủ đô vắng vẻ khác thường. Hà Nội đang thực hiện mục tiêu kép, kỳ vọng xứng đáng là trái tim của cả nước trong mùa đại dịch thế kỷ. 

Thăng Long-Hà Nội cổ kính, linh thiêng và hào hoa, luôn sống động trong tâm thức và hành động của hàng triệu, chục triệu người con, đang thiết thực kỷ niệm những ngày lễ lớn-Mùa Thu Cách mạng, trong tình trạng bình thường mới. 

Kế bên đền Bà Kiệu, Tượng đài Cảm tử-nơi ghi dấu ấn những chiến công thần thánh, biểu tượng về sự hy sinh vô bờ bến của các chiến sĩ và nhân dân Hà Nội trong trận quyết chiến lịch sử 75 năm về trước, 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô cuối năm 1946. 

Tượng đài Cảm tử sừng sững, uy nghiêm đứng đó, hướng ra Hồ Gươm đón gió nồm Nam lộng thổi, đó là hình ảnh sống động của ba chàng trai, cô gái Thủ đô hiên ngang trong tư thế sẵn sàng quyết chiến. Đó là hình tượng anh Vệ quốc quân ôm bom “ba càng” tự chế và anh chiến sĩ tự vệ tay xách súng, tay cầm lựu đạn trong tư thế xung phong, đứng bên là cô gái nữ sinh Hà thành vận trang phục áo dài truyền thống phục vụ chiến đấu. Dưới chân Tượng đài, sáng chói hàng chữ vàng đắp nổi từ ngày đầu xây dựng công trình: “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”. 

Cảm tử vì Tổ quốc là mệnh lệnh thiêng liêng từ trái tim của những người con đất Việt mang dòng máu Lạc Hồng khi đất nước lâm nguy, đang cần họ hiến dâng xương máu, giữ lấy từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Đó là ý chí quật cường, là tinh thần quả cảm của quân, dân Hà Nội, hưởng ứng Lời kêu gọi của Chính phủ nước Việt Nam độc lập, tiêu thổ kháng chiến, xung trận giết giặc Pháp, thực hiện Toàn quốc kháng chiến (12/1946). Đó là bản chất truyền thống, là hồn cốt của lực lượng vũ trang Thủ đô “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. 

Hà Nội đang sống lại không khí mùa Thu lịch sử, Cách mạng Tháng Tám thành công, Quốc khánh 2/9. Hà Nội sục sôi khí thế cách mạng của những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến, hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. 

Các chàng trai, cô gái Hà Nội sẵn sàng xếp bút nghiên, để lại phía sau bao ước nguyện, hoài bão dở dang của tuổi trẻ gia nhập Vệ quốc đoàn, xung phong vào Tự vệ Thành phố, chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Đó chính là những chiến sĩ gang thép đầu tiên của lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội, những chiến sĩ quyết tử của Trung đoàn Thủ đô Anh hùng. Họ đã anh dũng chiến đấu trên các đường phố, giam chân giặc Pháp hai tháng trời, tạo điều kiện cho Trung ương và Chính phủ trở về Chiến khu Việt Bắc an toàn, tiếp tục lãnh đạo cuộc kháng chiến kiến quốc. 

“Hà Nội cháy, khói lửa ngập trời/ Hà Nội ầm ầm rung, Hà Nội vùng đứng lên/ Sông Hồng reo, Hà Nội vùng đứng lên”. Tiếng loa thông tin truyền thông đầu phố vang lên giọng ca nam hào sảng, đầy khí phách giai điệu hùng hồn ca khúc “Người Hà Nội” của nhà thơ Nguyễn Đình Thi sáng tác từ những ngày đầu năm 1947. Hồi đó, Hà Nội sục sôi khí thế quyết chiến, thề sinh tử với kẻ thù xâm lược.

Nhưng Trung đoàn Thủ đô-những dũng sĩ quả cảm của Hà Nội năm ấy, không chỉ dám chấp nhận hi sinh vì lý tưởng, họ còn biết bảo toàn lực lượng để kháng chiến trường kỳ, lập nên kỳ tích: “Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.

Và ngày khải hoàn đã đến. “Năm cửa ô cờ hoa đón chào đoàn quân tiến về” tiếp quản Thủ đô. Hà Nội tràn ngập sắc hoa trong ngày 10/10/1954. Nụ cười và nước mắt tuôn trào trong ngày chiến thắng. Trung đoàn Thủ đô trở về với Thủ đô hòa bình trong đội hình Đại đoàn Quân Tiên phong Anh hùng. 

“Trên đường ta về lại Thủ đô
Cờ đỏ bay quanh tóc bạc Bác Hồ”. 

“Đây Hồ Gươm Hồng Hà, Hồ Tây/ Đây lắng hồn núi sông ngàn năm/ Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội/ Hà Nội mến yêu”. “Hà Nội đẹp sao!/ Ôi nước Hồ Gươm xanh thắm lòng/ Bóng Tháp Rùa thân mật êm ấm lòng/ Hồng Hà tràn đầy, Hồng Hà cuốn/ Ngàn nguồn sống tràn dầy dâng”. Lời bài ca “Người Hà Nội” mang sức sống hồn thiêng sông núi, vẫn mãi mãi vang vọng, thiết tha.

Hòa bình lập lại ở miền Bắc, Hà Nội vẫn phải căng mình vừa sản xuất, vừa chiến đấu. Quân dân Hà Nội và cả nước phấn đấu “Làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, chia sẻ sức người, sức của cho tiền tuyến, góp phần đánh Mỹ. 

Không chỉ là hậu phương vững chắc cho miền Nam, lực lượng vũ trang Thủ đô lại tiếp tục lập nên kỳ tích mới: Chiến thắng Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không. Không quân Việt Nam và các đơn vị tên lửa Thủ đô đã vít cổ các pháo đài bay B-52, biểu tượng sức mạnh của Không lực Hoa Kỳ, trở thành những bó đuốc trên bầu trời Hà Nội.

“Lịch sử muốn bay cúi đầu tội lỗi
Dưới gươm thiêng hùng khí Thủ đô
Cả bốn biển hoan hô Hà Nội
Pháo đài bay rụng đỏ mặt hồ” (Tố Hữu).

Trong chuyến thăm Hà Nội, đến Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam và Bảo tàng Chiến thắng B.52, các nhà báo phương Tây khá thú vị, bình phẩm hai tấm ảnh: “Sự trừng phạt đích đáng” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Văn và “Hoa Ngọc Hà” (nghệ sĩ Văn Bảo). Đó là tấm ảnh cô dân quân vùng biển, vai khoác súng, kéo xác máy bay Mỹ và ảnh cô gái làng hoa Ngọc Hà múc nước hồ Hữu Tiệp tưới cho gánh hoa tươi, giữa hồ là đống xác máy bay B.52 Mỹ. Tấm ảnh thời sự, nghệ thuật, đã nói lên tất cả! Họ chăm chú xem, gật gù, đại ý nói: “Chúng tôi đã hiểu vì sao Việt Nam chiến thắng. Các bạn đã thắng Mỹ không chỉ bằng trí thông minh, lòng dũng cảm mà còn bằng cả chiều sâu văn hóa”. Có lẽ họ đã đúng khi phần nào đã cảm nhận, đã chạm đến nền văn hóa Thăng Long-Hà Nội ngàn năm văn hiến!

“Ngọc Hà em! Lộng lẫy hoa tươi
Xin thơm khắp miền Nam, miền Bắc
Chắc Bác Hồ vui, xin kính dâng Người
Và tặng cả anh em cùng ta đánh giặc”. 

Đó là ý chí, tâm hồn Việt Nam. Người Hà Nội kết tinh nét đẹp oai hùng, sang trọng và hào hoa đó!

Mùa Xuân năm 1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng, non sông thu về một mối. Cùng với cả nước, quân và dân Hà Nội chung sức, đồng lòng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Sau mấy chục năm gian khổ, bền gan kháng chiến, chống giặc ngoại xâm, chúng ta đã giành được độc lập, tự do cho dân tộc.

Nhưng niềm vui Bắc-Nam thống nhất chưa thật trọn vẹn. Lửa chiến tranh lại bùng cháy ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc. Những chiến sĩ Thủ đô lại xung trận: “Lớp cha trước, lớp con sau/ Đã thành đồng chí chung câu quân hành”. 

Và chúng ta đã chiến thắng! 

“Chúng muốn đốt ta thành tro bụi
Ta hóa vàng nhân phẩm, lương tâm
Chúng muốn ta bán mình ô nhục
Ta làm sen thơm ngát giữa đầm”. 

Quân tội ta, “Bộ đội Cụ Hồ” luôn có mặt ở bất cứ nơi nào khi đất nước cần, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Đó cũng chính là nhiệm vụ của lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội: Đội quân chiến đấu-Đội quân công tác. 

Hơn lúc nào hết, thời chiến cũng như thời bình, Người chiến sĩ Thủ đô luôn nêu cao cảnh giác, chắc tay súng, giữ gìn sự bình yên của đất trời Thủ đô yêu dấu. Trong tâm khảm của người chiến sĩ Thủ đô, Tổ quốc là trên hết, bởi chính họ là biểu tượng của tấm lòng trung trinh, sẵn sàng nhận nhiệm vụ và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Ngời sáng trong họ là phẩm chất: Trung thành, trí tuệ, sáng tạo, văn minh.

Vườn hoa Lý Thái Tổ bên Hồ Gươm vẫn yên ả, thanh bình, không có cảnh nhộn nhịp như những ngày đại lễ thường nhật. Một tốp các bạn trẻ dâng hoa, dâng hương Tượng đài vua Lý-vị vua anh minh, Người ban “Chiếu dời đô”, khai sáng vùng đất Thăng Long-Hà Nội. 

Đó là các chiến sĩ trẻ Thủ đô, các thiếu nữ Thành đoàn Hà Nội đang chuẩn bị cho chuyến đi công tác dài ngày vào vùng tâm dịch Covid-19. Họ là các chiến sĩ đơn vị chính quy, các tình nguyện viên phục vụ ở các khu cách ly, bệnh viện vì sự an toàn, sức khỏe, tính mạng của người dân. Tổ quốc đang gọi tên các bạn trẻ! 

“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. 

Người Hà Nội mang dấu thơm văn hiến từ thuở hồng hoang ông cha ta dựng xây thôn ấp, mở mang bờ cõi, xưng đế xưng vương đến định đô. Dẫu rằng, dù ngắn nhất cũng là hàng ngàn năm nền văn hóa Việt mang dấu ấn đất kinh kỳ: Tràng An-Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội. 

Người Hà Nội, Người chiến sĩ Thủ đô Hà Nội mang đậm nét đặc trưng văn hóa Thăng Long-Hà Nội, bản lĩnh, trí tuệ, hào hoa! 

Hà Nội. Mùa Thu 2021

Tùy bút của Kiều Hà Ngọc


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ