A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái”

 

Anh bạn đi du học Trường Lomonosop rồi ở lại Nga làm ăn đã hơn ba chục năm có lẻ, về dự Chương trình Xuân Quê hương- 2016. Mới ngồi chưa ấm chỗ trong xe taxi đón ở sân bay quốc tế Nội Bài đã ngỏ lời rủ rê: “Mai chúng ta đi vãng cảnh chùa Hương nhá?” Tôi hỏi: “Moskva không có chùa sao?” “Có chứ, Nga nhiều chùa đẹp và sang trọng.

 

 

Có chùa thờ Phật Tổ do người Việt, người Ấn Độ, người Trung Quốc xây dựng mang dáng dấp của mỗi dân tộc. Nhưng chẳng đâu đẹp đẽ, ấm áp bằng chùa Việt trên đất Việt”. “Ông có thiên vị không đấy?” “Tin hay không thì tùy. Ông đi xa quê, khắc biết”. Tôi chẳng tranh luận làm gì, bởi anh em lâu ngày mới gặp nhau, mà xét ra mình cũng ít đi nước ngoài, biết đâu anh đúng. Hơn nữa, tôi chẳng lạ gì anh bạn vàng này. Anh có tính tranh luận hay cãi vã đến đỏ cổ, đố chịu nhường nhịn ai bao giờ!

 

Chùa Hương chưa vào mùa xuân hội nhưng khách thập phương về chiêm bái khá đông. Phật tử, du khách trẩy hội quanh năm nhưng đông nhất là vào 3 tháng mùa xuân, khai hội vào mồng 6 tháng Giêng. Đầu năm, du xuân lễ Phật cầu an, cầu tài cầu lộc là mục đích của người hành hương thì cuối năm đi lễ tạ- tạ ơn Thần sơn lâm, Phật Tổ ban phúc cho sức khỏe dồi dào, thuận hòa đường làm ăn, công danh thăng tiến. Phật tử gọi là đi trả lễ. Tháng Chạp tấp nập du khách về với chốn sơn lâm đông đúc cũng là phải lẽ.

 

Năm nay, Ban Tổ chức Lễ Hội chùa Hương triển khai công tác phục vụ sớm. Bước vào tháng 1-2016 mọi công việc dường như đã “êm thuyền mát mái” rồi. Nói một câu gọn gàng vậy nhưng chẻ đầu công việc ra thì nhiều lắm, kể hết cũng dài lắm.

 

Nào là quảng bá, tuyên tuyền du lịch văn hóa tâm linh, đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở giao thông và văn hóa giao thông, phương án trật tự bến bãi, an ninh trật tự an toàn cho người và phương tiện, dịch vụ văn hóa và thương mại, ăn uống, nghỉ ngơi, giá cả và vệ sinh an toàn thực phẩm, chống bắt ép, chặt chém khách hàng. Mỗi vụ xuân hội có hàng triệu du khách tham quan, có ngày tập trung đến 4-5 vạn người, tổ chức không tốt dễ bị chê trách, khiếm khuyết với khách thập phương- Trưởng ban Quản lý Di tích thắng cảnh Hương Sơn Nguyễn Chí Thanh tâm sự.

 

Nói đến Hương Sơn là cả một quần thể khu di tích và danh lam thắng cảnh nổi tiếng bao gồm một hệ thống núi non, sông suối, chùa chiền, hang động, hàng trăm công trình thiên tạo và nhân tạo đẹp đẽ, hoành tráng do thiên phú, nhân phú mà có. Đến đất Hương Sơn, gặp ngay suối Yến thơ mộng đã có hàng ngàn con đò dọc hai bên bờ suối sẵn sàng đón khách.

 

Nước suối trong xanh ngăn ngắt, làn rong rêu lập lờ dưới đáy, nhìn rõ luăng quăng lũ cá tôm bơi lội. “Kể từ lúc bước chân lên đò Đục/ Ngước mắt trông đà mãn mục vân sơn”. “Gọi là bến Đục nhưng mà suối trong”. “Quái nhỉ! Nước sông trong suốt đó/ Người rằng, bến Đục khéo vu vơ”. “Non xanh phơi tấm thân thanh tịnh/ Suối chảy nghe ra tiếng kệ kinh”. Đấy, các tao nhân mặc khách, thi sĩ Nho gia vãng cảnh chùa Hương làm thơ để lại cho hậu thế, mô tả bến Đục, suối Yến thơ mộng, hay làm vậy!

 

Chùa Hương được các vị Hòa  thượng lập am cỏ thờ Phật từ thế kỷ XV, đời vua Lê Thánh Tông (1460-1497). Theo truyền thuyết, các hang động trong vùng núi này được khám phá cách đây hơn 2.000 năm. Hương Sơn là lấy theo tên một ngọn núi phía Bắc Tuyết Sơn thuộc dãy Himalaya- Ấn Độ, nơi Đức Phật Tổ xuất gia khổ luyện, tu hành đắc đạo, rồi đem trí tuệ siêu việt cùng bình nước cam lồ và cành dương liễu đi giáo hóa chúng sinh.

 

Trải qua thời gian hàng ngàn năm “đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt”, các hang động cổ kính rêu phong, đường kê đá đã mòn dấu chân người được bổ sung bằng lối đi đá xanh bản địa lát phẳng phiu, êm đềm dẫn du khách đến các di tích danh thắng. Hàng chục ngôi chùa cổ kính dựa lưng vào triền núi, um tùm bao phủ dưới tán cây cổ thụ.

 

Mái đao chùa cong vút tinh tế như đuôi chim phượng vẫy trên nền lá xanh, thấp thoáng trong rừng mơ. Đâu đó, văng vẳng tiếng tụng kinh gõ mõ. Chùa cổ mờ ảo, chìm trong khói sương, phảng phất mùi hương trầm thơm ngát. Thật là, “chùa xưa ở lẫn trong cây đá/ Sư cụ nằm chung với khói mây”. Đến Hương Tích sơn, du khách khó nguôi ngoai với cảnh đẹp tiên bồng của các địa danh: Ngũ Nhạc, Thiên Trù, Hinh Bồng, Đại Binh, Tiên Sơn, Giải Oan, Cửa Võng, Hương Tích. Nói đến chùa chiền, khu quần thể Hương Sơn đến hơn 100 nhưng riêng những công trình di tích, đền đài, chùa động nhánh chùa chính tuyến Hương Tích cũng đủ làm mê lòng du khách.

 

Động Hương Tích (dân gian gọi chùa trong) gắn với sự tích công chúa Diệu Thiện xuất gia tu hành, giáng thế nhập niết bàn Phật Bà Quan Thế Âm đắc đạo, mang hình ảnh người mẹ hiền Việt Nam cứu khổ cứu nạn cho muôn dân. “Rằng trong cõi nước Nam ta/ Chùa Hương có Đức Phật Bà Quan Âm”. Tấm bia đá khắc bút tích của Chúa Trịnh Sâm còn đó: “Nam thiên đệ nhất động” (Động đẹp nhất trời Nam) đã nói lên tất cả! Đúng là, “Hương Sơn cảnh Phật non tiên/ Rừng xanh núi biếc lâm tuyền thanh cao/ Thiên nhiên một thú động đào/ Càng nhìn càng đẹp, càng vào càng ưa”.

 

Thiên Trù (Bếp Trời, còn gọi là chùa ngoài) được xem như khu trung tâm văn hóa tâm linh và các hoạt động hành lễ của sơn môn Hương Tích. Các công trình được trùng tu phục dựng theo mô phỏng nguyên mẫu mang đậm màu sắc tôn giáo đạo Thiền hài hòa thiên nhiên nhưng không kém vẻ uy nghi, hiện đại- “Mái chùa che chở hồn dân tộc”. Thiên Trù hôm nay đã khác xưa với hàng chục công trình được tu bổ, tôn tạo: Đại hùng bảo điện, Tổ đường, Thiên Nam môn, Gác chuông, Tháp Thanh Tịnh, đường đá xanh đón khách đến Quan Âm kiều…

 

Công lao trùng tu phục dựng, trước hết phải kể đến Hòa thượng Thích Thanh Chân (sư tổ đời thứ 10), Hòa thượng Thích Viên Thành (sư tổ đời 11), nay là Tỷ khiêu của Phật tổ Như Lai và các bậc Sư tổ- Thượng tọa Thích Minh Hiền đang ngày đêm khéo khêu ngọn đèn Thiền kế tục anh minh, hoằng pháp chốn Tổ đường Hương Tích sơn.

 

Nhớ lại Lễ Xuân hội Bính Dần 1986, chúng tôi vào chùa lễ Phật được bái kiến Hòa thượng Thanh Chân, nghe Người sang sảng ngâm thơ Chu Mạnh Trinh: “Bầu trời cảnh Bụt/ Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay/ Kìa, non non, nước nước, mây mây/ Đệ nhất động, hỏi là đây có phải/ Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái/ Lững lờ khe Yến cá nghe kinh”.

 

Một ngày đi chùa Hương là ít, bởi Hương Tích sơn còn có các tuyến Thanh Sơn, Long Vân, Tuyết Sơn. Một ngày tháng Chạp, trời se lạnh, lắc rắc mưa phùn, thời tiết thật hợp duyên chiều lòng người hành hương về đất Phật Tùng lâm Hương Tích. Bất giác, tôi nhớ câu thơ của thi sĩ Tản Đà- Nguyễn Khắc Hiếu: “Chùa Hương trời điểm lại trời tô/ Một bức tranh tình trải mấy thu/ Xuân lại xuân đi không dấu vết/ Ai về ai nhớ vẫn thơm tho”.

 

Hương Sơn-Tháng Chạp Ất Mùi

Ghi chép của Kiều Nhật Minh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội