Tổng Bí thư Trần Phú- Người cộng sản kiên trung, mẫu mực
QPTĐ-Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng - đồng chí Trần Phú là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cộng sản mẫu mực, kiên cường, người con ưu tú của Đảng và dân tộc. Cuộc đời đồng chí chỉ trong 27 năm, với hơn 8 năm hoạt động cách mạng, gần một năm trên cương vị Tổng Bí thư, nhưng đồng chí đã để lại cho Đảng, cho các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân một tấm gương sáng ngời về trí tuệ, đạo đức và bản lĩnh kiên cường của người cộng sản mẫu mực, một nhà lý luận xuất sắc của Đảng, suốt đời đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người.
Luôn khát khao cống hiến và tràn đầy nhiệt huyết cách mạng
Đồng chí Trần Phú sinh ngày 01/5/1904 tại thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên; nguyên quán xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, hơn 4 tuổi mồ côi cha, 6 tuổi mồ côi mẹ, tuổi thơ Trần Phú đã tận mắt chứng kiến những nỗi thống khổ, bất công của các tầng lớp nhân dân lao động dưới ách áp bức, bóc lột của chính quyền thực dân, phong kiến. Nên ngay từ năm 1918 - 1922 khi đang theo học tại Trường Quốc học Huế, Trần Phú đã kết thân với nhiều bạn bè đồng hương, có cùng chí hướng như Hà Huy Tập, Hà Huy Lương, Trần Văn Tăng, Trận Mộng Bạch, Ngô Đức Diễn… rồi lập ra nhóm “Thanh niên tu tiến hội”, được cổ vũ bởi tấm gương cựu học sinh Quốc học Huế Nguyễn Tất Thành (khi đó được biết đến với tên gọi Nguyễn Ái Quốc) đang hoạt động cách mạng đầy tiếng vang ở nước ngoài. Tháng 6/1922, đỗ đầu kỳ thi Thành chung ở Trường Quốc học Huế, được bổ nhiệm làm giáo viên Trường Tiểu học Cao Xuân Dục ở Vinh. Giữa năm 1925, Trần Phú gia nhập Hội Phục Việt (sau đổi tên thành Hội Hưng Nam và Tân Việt Cách mạng Đảng), tổ chức của những trí thức yêu nước. Tháng 6/1926, Hội Phục Việt cử đồng chí Trần Phú và một số hội viên sang Quảng Châu (Trung Quốc), đồng chí tham gia lớp huấn luyện chính trị khóa 2 do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giảng dạy và được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Kết thúc khóa học, tháng 10/1926, Trần Phú được kết nạp vào Thanh niên Cộng sản Đoàn, được Tổng bộ Thanh niên phân công về Trung kỳ xây dựng và phát triển cơ sở Hội.
Đầu tháng 1/1927, đồng chí Trần Phú trở lại Quảng Châu. Tại đây, đồng chí được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cử sang Liên Xô học tại Trường đại học Phương Đông. Đầu tháng 11/1929, sau khi tốt nghiệp Đại học Phương Đông, đồng chí nhận chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, bí mật lên tàu đi Lêningrát (nay là Xanh Pêtécbua) bắt đầu hành trình về nước hoạt động. Ngày 8/2/1930, đồng chí về đến Sài Gòn. Ít ngày sau đồng chí sang Hồng Kông và gặp được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Người đã giới thiệu đồng chí Trần Phú về tham gia hoạt động trong Ban Chấp uỷ lâm thời (Ban Chấp hành Trung ương lâm thời). Tháng 4/1930, Đồng chí về đến Hải Phòng. Tháng 7/1930, Đồng chí được bổ sung vào Ban Chấp uỷ lâm thời và được giao nhiệm vụ dự thảo Luận cương chính trị của Đảng. Tháng 10/1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc) Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận và nhất trí thông qua Luận cương chính trị do đồng chí Trần Phú dự thảo. Xác định rõ tính chất cuộc cách mạng ở Đông Dương là cách mạng tư sản dân quyền. Cách mạng tư sản dân quyền là thời kỳ dự bị tiến lên làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, không qua thời kỳ phát triển tư bản. Nhiệm vụ của cách mạng Đông Dương là đánh đổ chủ nghĩa đế quốc Pháp, giành độc lập dân tộc, đánh đổ giai cấp địa chủ phong kiến, đem lại ruộng đất cho nông dân. Hai nhiệm vụ ấy khăng khít với nhau không thể tách rời. Hội nghị đã quyết định đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Tại Hội nghị này, đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí đã trực tiếp chủ trì: Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng tháng 12/1930, Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng tháng 1/1931 và Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ hai tại Sài Gòn tháng 3/1931. Dưới sự chủ trì của đồng chí, các quyết nghị của Trung ương giai đoạn này đã góp phần đưa phong trào cách mạng Đông Dương phát triển lên tầm cao mới.
Ngày 18/4/1931, đồng chí bị địch bắt tại số nhà 66, đường Sămpanhơ (nay là đường Lý Chính Thắng, Thành phố Hồ Chí Minh) và đưa về giam giữ ở Khám Lớn Sài Gòn. Trước những đòn tra tấn dã man và chế độ hà khắc của nhà tù đế quốc, ngày 6/9/1931, đồng chí đã trút hơi thở cuối cùng tại Nhà thương Chợ Quán, Sài Gòn. Ngày 12/1/1999, Đảng và Nhà nước tổ chức trọng thể Lễ truy điệu đồng chí Trần Phú tại Thành phố Hồ Chí Minh và di dời hài cốt của đồng chí về an táng tại núi Quần Hội, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
Người đóng góp to lớn trong công tác xây dựng Đảng
Trong hoàn cảnh bị địch khủng bố rất ác liệt, đồng chí Trần Phú trên cương vị Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đã cùng Ban Chấp hành Trung ương lãnh đạo, trực tiếp soạn thảo và hoàn thiện các văn kiện, triển khai thực hiện việc phát triển các tổ chức đảng, các tổ chức chính trị, đoàn thể, hội quần chúng nhằm tập hợp, đoàn kết thống nhất mọi lực lượng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Hàng loạt văn kiện quan trọng được thông qua liên quan trực tiếp đến công tác tổ chức đảng, công tác dân vận, công tác mặt trận, đặt nền móng cho việc thành lập Hội Phản đế đồng minh, thành lập các tổ chức: Công hội, Nông hội, Thanh niên, Phụ nữ, Hội Cứu tế đỏ. Để xây dựng khối đoàn kết nhất trí trên cơ sở cương lĩnh, đường lối của Đảng, Tổng Bí thư Trần Phú rất quan tâm đến vấn đề đấu tranh tư tưởng trong nội bộ Đảng, khắc phục những nhận thức lệch lạc, cơ hội, bè phái, chỉ ra những vấn đề nảy sinh từ chủ nghĩa cơ hội và khuynh hướng hòa hoãn trong Đảng. Tiêu biểu là Án Nghị quyết của Trung ương toàn thể Hội nghị lần thứ hai nêu rõ hạn chế: “nền tư tưởng trong Đảng còn rất nhiều di tích tiểu tư sản, đầu cơ, biệt phái”; chưa nhận thức đúng vai trò lịch sử của giai cấp vô sản và vai trò lãnh đạo của Đảng: “còn hiểu rằng Đảng Cộng sản là đảng của quần chúng lao khổ mà không biết rằng Đảng Cộng sản chỉ là đảng của vô sản giai cấp mà thôi mà chức trách của Đảng Cộng sản là làm hướng đạo cho vô sản giai cấp làm cách mạng vô sản”. Nghị quyết cũng nêu rõ: “Tuy Đảng chỉ huy cho nông dân cho hết thảy quần chúng lao khổ làm cách mạng tư sản dân quyền nhưng Đảng vẫn là đảng của vô sản giai cấp, nghĩa là đứng về lợi ích cách mạng vô sản mà chỉ huy, lấy chính sách vô sản mà chỉ huy chứ không phải là vì Đảng đại biểu lợi ích cho tiểu tư sản quần chúng, đại biểu cho xu hướng tư hữu chế độ”. Cùng với đó, nhiệm vụ xây dựng và phát huy vai trò của chi bộ đảng được đồng chí Trần Phú và Ban Chấp hành Trung ương rất chú trọng: “Chi bộ là cơ sở của Đảng. Nếu chi bộ mà không biết làm việc thì Đảng không phát triển được; cho nên chi bộ cần phải tổ chức sanh hoạt cho náo nhiệt và cho có kế hoạch. Ảnh hưởng của Đảng trong quần chúng mạnh hay yếu, trình độ chánh trị và hoạt động của đảng viên cao hay thấp cũng theo trình độ sanh hoạt của chi bộ cao hay thấp”. Do đó, việc phát triển tổ chức đảng và đảng viên đã có một bước tiến mới, số chi bộ và số đảng viên xuất thân từ công nhân tại các cơ sở công nghiệp, đồn điền và các địa phương ở các vùng nông thôn đã tăng lên đáng kể. Nếu như lúc Đảng mới thành lập, toàn Đảng có khoảng 30 chi bộ với 200 đảng viên thì đến trước Hội nghị Trung ương lần thứ 2 (tháng 3/1931), số đảng viên trong toàn Đảng đã lên tới 2.400, hoạt động trong 250 chi bộ.
Đánh giá đóng góp to lớn của đồng chí Trần Phú trong công tác xây dựng Đảng, Ban Chấp hành Trung ương đã khẳng định: “Trên cương vị Tổng Bí thư đầu tiên, Trần Phú đã có những đóng góp to lớn trong việc xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đồng chí tranh thủ mọi điều kiện để trang bị lý luận Mác - Lênin cho cán bộ, đảng viên, kiên quyết đấu tranh khắc phục những biểu hiện ấu trĩ tả khuynh, hữu khuynh trong Đảng. Đồng chí dành nhiều công sức để xây dựng và củng cố tổ chức, kiện toàn các cơ quan từ Trung ương đến các xứ ủy và các đảng bộ, nhất là ở những vùng quan trọng, bị địch đàn áp”. Dưới chỉ đạo sát sao của đồng chí Trần Phú và Ban Thường vụ Trung ương Đảng, khí thế phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân trong cả nước bùng lên mạnh mẽ. Bộ Tham mưu tối cao của Đảng, do Tổng Bí thư Trần Phú đứng đầu, đã thực hiện sứ mệnh lịch sử, dấy lên cao trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh.
Trân trọng và tôn vinh những cống hiến lớn lao của đồng chí Trần Phú, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Đồng chí Trần Phú là một người con ưu tú của Đảng và của nhân dân, đã oanh liệt hy sinh cho cách mạng”; “Các đồng chí ta như đồng chí Trần Phú, đồng chí Ngô Gia Tự, đồng chí Lê Hồng Phong, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, đồng chí Hà Huy Tập, đồng chí Nguyễn Văn Cừ, đồng chí Hoàng Văn Thụ, và trăm nghìn đồng chí khác đã đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết, lên trước hết. Các đồng chí đó đã tin tưởng sâu sắc, chắc chắn vào lực lượng vĩ đại và tương lai vẻ vang của giai cấp và của dân tộc. Các đồng chí ấy đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc. Các đồng chí ấy đã đem xương máu mình vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay”.
Hơn 90 năm qua, tư tưởng của Tổng Bí thư Trần Phú về con đường cách mạng Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị. Nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Đảng ngày càng sáng rõ. Các văn kiện Đại hội của Đảng tiếp tục khẳng định con đường cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; khẳng định vai trò lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản; lực lượng của cách mạng là giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và toàn thể nhân dân lao động; cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là một bộ phận của phong trào cách mạng xã hội chủ nghĩa thế giới, “Đảng lấy chủ nghĩa Mác -Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”. Đảng ta là “đội tiên phong của giai cấp công nhân, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc”. Những tư tưởng về xây dựng Đảng mà đồng chí Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đề xuất và lãnh đạo thực hiện vào những năm 30 của thế kỷ XX được Đảng bổ sung, hoàn thiện. Công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng được tăng cường. Công tác tổ chức bộ máy của Đảng có bước chuyển biến mạnh mẽ. Các quy định, nguyên tắc, cơ chế vận hành tổ chức bộ máy ngày càng hoàn thiện. Các văn kiện về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ liên tục được bổ sung. Các nguyên tắc xây dựng Đảng được giữ vững. Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được chỉ đạo. Công tác giáo dục đạo đức cách mạng, thực hiện sâu rộng, có hiệu quả việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị được đẩy mạnh. Tính tiền phong, gương mẫu, đi đầu của mỗi cán bộ lãnh đạo được đề cao; kiên quyết đấu tranh chống tư tưởng cơ hội, dao động, hữu khuynh, xa rời lý tưởng cộng sản, xa rời mục tiêu xã hội chủ nghĩa, đi ngược lại lợi ích của giai cấp, lợi ích của dân tộc; kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với các thế lực thù địch phản động, chống phá Đảng, chống phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa, sự nghiệp đổi mới đất nước; kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, xa rời quần chúng nhân dân của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong Đảng.
Nguyễn Văn Tuân