A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những điểm mới tại Kỳ họp lần thứ 4, Quốc hội khóa XV

QPTĐ-Trao đổi với báo giới về kỳ họp lần thứ 4, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn Phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết:

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV khai mạc ngày 20-10. Kỳ họp diễn ra ngay sau thành công tốt đẹp của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII mang đến những động lực thúc đẩy, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong bối cảnh mới. Hội nghị Trung ương 6 đã thảo luận, cho ý kiến về các báo cáo, đề án liên quan đến một số vấn đề lớn, rất cơ bản và quan trọng, trong đó có nội dung về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2022, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023 và Kế hoạch tài chính-ngân sách Nhà nước 3 năm 2023-2025. Đây cũng là những nội dung sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp này. Do đó, mục tiêu hướng tới là kỳ họp Quốc hội sẽ tiếp tục lan tỏa tinh thần, thành công của Hội nghị để có những quyết sách đúng đắn nhất về cả lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường thông tin về Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét, thông qua 07 dự án Luật, 03 dự thảo Nghị quyết, gồm: Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến 07 dự án Luật, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự.

Đây đều là các dự án luật quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến quốc kế dân sinh, góp phần xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. 

Khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
                                                                                  Ảnh: Nhân dân

Một trong những điểm mới tại kỳ họp này là trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua luật, nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có chỉ đạo các cơ quan sớm dự kiến những nội dung cần biểu quyết, khẩn trương hoàn thiện dự thảo luật, nghị quyết trình Quốc hội thông qua và in, gửi tới các vị đại biểu Quốc hội chậm nhất 24 giờ trước phiên biểu quyết thông qua luật, nghị quyết đó để bảo đảm thời gian cho các vị đại biểu Quốc hội nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi biểu quyết thông qua. Đây là một trong những nội dung được sửa đổi, bổ sung trong Nội quy kỳ họp Quốc hội cũng sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này.

Không chỉ các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội mà các báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước năm 2022; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023; các báo cáo công tác của các cơ quan; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV... đều được các cơ quan của Quốc hội thẩm tra một cách kỹ lưỡng, toàn diện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến làm cơ sở để hoàn thiện các nội dung.

Hiền Mĩ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ