A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tinh giản biên chế - “Thà ít mà tốt”

QPTĐ-Tinh gọn bộ máy để tổ chức lại lực lượng, tạo ra động lực mới, nguồn lực mới đưa đất nước phát triển trở thành vấn đề bức thiết của đời sống xã hội. Đúng như Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng tinh gọn về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị...Không tinh gọn thì không thể phát triển được. Sau 7 năm thực hiện nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Việt Nam đạt được một số kết quả, bước đầu tạo chuyển biến tích cực. Cụ thể là, tổ chức bộ máy của Chính phủ, cơ quan hành chính Nhà nước đã tinh giản hơn so với năm 1986.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII khai mạc sáng 25/11/2024. 

(Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Ở cấp Trung ương, trước 1/8/2007, tổng số đầu mối các cơ quan thuộc Chính phủ đã giảm từ 76 xuống còn 38 (26 bộ, cơ quan ngang bộ và 12 cơ quan thuộc Chính phủ), hiện nay còn 22 đầu mối (gồm 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ). Ở cấp tỉnh từ 35-40 đầu mối nay còn 17-25 đầu mối cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân. Ở cấp huyện từ 20 -25 đầu mối, nay còn 8-12 đầu mối cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân.

Tuy nhiên, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy chưa đồng bộ, tổng thể; tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, quan hệ công tác giữa nhiều cơ quan, bộ phận còn trùng lắp, chồng chéo, chưa rõ ràng, phân cấp, phân quyền chưa đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa cao. Tinh giản biên chế mới tập trung giảm số lượng, chưa gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ. Vì vậy, yêu cầu tinh giản bộ máy hiện nay là vấn đề cấp thiết, là cuộc cách mạng. Thực tế hiện nay cho thấy, bộ máy hệ thống chính trị của nước ta rất cồng kềnh, là một trong những quốc gia có bộ máy hành chính cồng kềnh nhất thế giới, chính vì thế hằng năm, Nhà nước đã phải dành gần 70% ngân sách để “duy trì sự sống” và trả lương công chức. Đây là một điều đáng phải suy ngẫm.

Do đó, để thực hiện được tinh gọn tổ chức bộ máy hiện nay, phải đi đôi với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Công tác cán bộ cần được thực hiện khoa học, minh bạch, dựa trên kết quả làm việc cụ thể; không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong đánh giá cán bộ. Phải có cơ chế hữu hiệu sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín và sử dụng đối với người có năng lực nổi trội. Trong tác phẩm “thà ít mà tốt” của mình, Lênin đã khẳng định: “Theo ý tôi, phải vĩnh viễn vứt bỏ ngay tất cả những tiêu chuẩn chung về số lượng nhân viên của các cơ quan thuộc bộ ấy. Chúng ta phải lựa chọn đặc biệt cẩn thận những cán bộ của Bộ dân ủy thanh tra công nông, căn cứ vào một sự kiểm tra nghiêm ngặt nhất, chứ không khác được. Phải qua thi cử và uy tín của bản thân”. Lênin cũng chỉ ra rằng, nên tập trung chọn vào bộ máy Nhà nước những cán bộ có kinh nghiệm ở các cơ quan cũng như trong số những sinh viên các trường đại học Xô viết, lựa chọn cán bộ phải theo phương châm “Thà ít mà tốt” ít về số lượng nhưng chất lượng phải cao. Phải đổi mới thành phần của bộ máy ấy bằng những lực lượng ưu tú của Đảng trong giai cấp công nhân và giới tri thức”. Để thực hiện được yêu cầu này, đòi hỏi phải có sự đoàn kết, thống nhất, dũng cảm, sự hy sinh của từng cán bộ, đảng viên cùng với quyết tâm rất cao của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp.

VĂN TUÂN


Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội