A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tầm nhìn Hà Nội

 

QPTĐ-Thành phố Hà Nội chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số nhưng Hà Nội đóng góp trên 16% GDP, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước. Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành nhưng Thành phố vẫn hoàn thành đạt và vượt 16/22 chỉ tiêu kinh tế-xã hội; tăng trưởng kinh tế  đạt 3,98%, gấp 1,4 lần cả nước; thu ngân sách đạt 280.500 tỷ đồng, bằng 100,6% dự toán và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019. Đáng chú ý, trong khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Hà Nội vẫn tăng 4,45% so với năm trước; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng tăng 4,3% và chiếm trên 90% trong cơ cấu ngành công nghiệp; xuất khẩu cũng tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2019...

Ảnh minh họa (Internet)

Đó là những nét phác thảo về kinh tế Thủ đô trong năm 2020. Kết quả đạt được từ trong khó khăn, trong đó, có những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua như thu ngân sách, khi cả sản xuất, kinh doanh đều “nơm nớp” vì Covid-19. 

Trước tác động mạnh mẽ của “bão Covid-19”, nhiều nơi phải điều chỉnh, cắt giảm các chỉ tiêu kinh tế, xã hội nhưng Hà Nội vẫn không điều chỉnh các chỉ tiêu mà đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành, đạt các chỉ tiêu trong năm 2020 và giai đoạn 5 năm 2016-2020. Quý 4-2020, Hà Nội được dự báo  mức tăng trưởng GRDP năm 2020 là 3,5% nhưng Thành phố quyết tâm đạt mức tăng trưởng cao nhất để đạt mức tăng trưởng 4-5% trong năm 2020, gấp 1,5 lần so với cả nước.

Để đạt được kết quả đó, trước hết  cần phải có sự chỉ đạo thiết thực, kiên quyết. Ngay khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Thành ủy đã kịp thời ban hành Chỉ thị số 31 vừa tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống có hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn Thủ đô, vừa duy trì và phục hồi phát triển kinh tế-xã hội. Phương pháp chỉ đạo, điều hành có sự đổi mới mạnh mẽ theo hướng sâu sát, cụ thể là rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả. Năm 2020, Thành phố đã giải quyết dứt điểm, tạo chuyển biến tích cực đối với nhiều việc khó tồn đọng kéo dài nhiều năm như đã hoàn thành xử lý vi phạm tại dự án số 8B Lê Trực, vấn đề rác thải kéo dài nhiều năm  tại Khu Liên hiệp Xử lý chất thải Sóc Sơn… Thành ủy đã chỉ đạo  giải quyết quyết liệt theo phương châm “4 tại chỗ”, phát huy trách nhiệm chính quyền cơ sở. Phải thật sự có bản lĩnh và kinh nghiệm, có niềm tin ở năng lực tổ chức thực hiện mới có thể đưa ra những quyết định và chỉ đạo quả quyết như vậy.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII đã nêu rõ, một trong những mục tiêu đặt ra là đến năm 2025, phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa Thủ đô. Còn đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “Xanh-thông minh-hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế.

Trong ý kiến phát biểu tại Tọa đàm cấp cao “Tham vấn về sáng kiến: Hà Nội-Thành phố sáng tạo” do UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tổ chức, đồng chí  Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, tiếp nối truyền thống văn hiến, anh hùng, vì hòa bình, phát huy mạnh mẽ tiềm năng, nguồn lực sáng tạo, Hà Nội tin rằng, nếu biết phát huy tối đa khả năng sáng tạo trong môi trường kết nối quốc tế, thành phố sẽ thêm một lần nữa hiện thực hóa tầm nhìn và khát vọng sáng tạo mang tên Thăng Long từ ngàn năm trước, xứng đáng là Thủ đô, trái tim của cả nước.

Hữu Văn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ