A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kinh tế Hà Nội phục hồi tích cực

QPTĐ-Tháng 2/2022 cả nước đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần, cũng là tháng bắt đầu triển khai thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội. Trong bức tranh chung của nền kinh tế đất nước đã có những tín hiệu phục hồi tích cực sau đại dịch, trong đó có nền kinh tế Thủ đô. 

Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến giao ban công tác tháng 3/2022 của UBND thành phố Hà Nội, đánh giá kết quả phát triển kinh tế-xã hội những tháng đầu năm 2022 và triển khai các nhiệm vụ thời gian tới, UBND Thành phố đã công bố những số liệu tích cực của sự phục hồi kinh tế Thủ đô.  

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Hà Nội 2 tháng đầu năm ước đạt 69,1 nghìn tỷ đồng, đạt 22,6% dự toán. Sản xuất công nghiệp ước tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2021. Hầu hết chỉ số sản xuất và tiêu dùng tháng 2 giảm so với tháng 1 do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài. Xuất, nhập khẩu hàng hóa phục hồi mạnh so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu lũy kế 2 tháng đầu năm đạt 2.671 triệu USD, tăng 30,9% so với cùng kỳ. Thu hút FDI đạt hơn 470 triệu USD. Có 3.633 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 62.227 tỷ đồng… So với cùng kỳ 2021, ngành Du lịch có lượng khách quốc tế tăng 25%, khách trong nước tăng 37%. Về Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022, toàn Thành phố giải ngân được hơn 2.638 tỷ đồng, đạt 5,1% kế hoạch. CPI bình quân 2 tháng đầu năm tăng 1,68% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 0,67%...

Chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến nói trên, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh nhận định, với  những cố gắng, nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị từ Thành phố tới cơ sở, bức tranh kinh tế-xã hội Thủ đô đã khởi sắc, có rất nhiều tín hiệu phục hồi kinh tế tích cực, hầu hết chỉ tiêu vượt cao so với cùng kỳ, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tăng đột biến  trong thời gian gần đây, gây nhiều khó khăn, thách thức cho phục hồi kinh tế-xã hội. Hà Nội đã chủ động thích ứng linh hoạt từ Thành phố đến cơ sở, kiểm soát một cách chủ động dịch Covid-19, tập trung chăm sóc, quản lý được đối tượng nguy cơ cao, nêu cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị giữ vững nguyên tắc “5K + vắc-xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân”, không lơ là, chủ quan, đồng thời với nhiệm vụ thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế. 

Trong tháng 3, UBND Thành phố tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ. Nhằm thúc đẩy tăng trưởng, UBND Thành phố tập trung triển khai các giải pháp kiểm soát lạm phát; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các công trình trọng điểm trên địa bàn thành phố, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Triển khai việc giảm thuế giá trị gia tăng; huy động các nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; nâng cao chất lượng tín dụng, giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp, người dân. Hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động sau Tết, hỗ trợ người lao động quay trở lại nơi làm việc thông qua tăng cường các hoạt động giới thiệu việc làm, kết nối cung-cầu lao động. Thúc đẩy các hoạt động sản xuất công nghiệp; bảo đảm cung cầu hàng hóa trên thị trường, không để thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung.

Cần có quyết tâm cao nhất, chung sức, đồng lòng, thích ứng linh hoạt nhất để phục hồi và phát triển kinh tế Thủ đô mạnh mẽ ngay từ quý I và cả năm 2022- Đó là tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội  ngay từ những tháng đầu, quý đầu của năm 2022. 

Hữu Văn 
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ