A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gỡ khó cho doanh nghiệp

 

QPTĐ-Theo kết quả khảo sát trên 10.000 doanh nghiệp toàn quốc, do Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng thế giới tại Việt Nam công bố trong thời gian mới đây, thì có tới 87,2% doanh nghiệp tại Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh Covid-19, trong đó có 72,3% doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Hầu hết các ngành nghề đều bị ảnh hưởng mạnh mẽ. Còn theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động đang tăng cao, ở mức cao nhất so với cùng kỳ trong 10 năm trở lại đây.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động đang tăng cao. (Ảnh: Internet)

Quý I năm 2021, cả nước đã có trên 40.300 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Tuy nhiên, cơ quan Thống kê cũng nhấn mạnh, hiện có tới 92% doanh nghiệp tư nhân và 96% doanh nghiệp FDI đã thực hiện các biện pháp dự trữ hàng hóa, áp dụng cách làm mới, đào tạo kỹ năng số cho người lao động, tìm giải pháp chuỗi cung ứng mới… giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh. 

Chính phủ vừa tổ chức Hội nghị Trực tuyến toàn quốc với đại diện doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Tại Hội nghị này, các doanh nghiệp nhận định, chúng ta đang ở giữa 2 cuộc chiến là cuộc chiến chống dịch để bảo vệ sinh mạng và cuộc chiến kinh tế để bảo vệ sinh kế của người dân. Đây là cuộc chiến song hành và đều rất khắc nghiệt, chống dịch như chống giặc và bảo vệ doanh nghiệp và bảo vệ đồng đội của doanh nghiệp. Doanh nghiệp đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương  quan tâm hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách để tiếp tục tạo điều kiện, cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh trên tinh thần an toàn trước dịch bệnh. Đồng thời, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để ngày càng mở rộng, thiết lập các “vùng xanh” để doanh nghiệp tận dụng cơ hội, duy trì và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Ý kiến khác đề nghị cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ, nhất là đối với các tỉnh phía Nam để kịp thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động, sớm ổn định cuộc sống. Cần có những giải pháp quyết liệt hơn trong hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa các cơ hội do các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà nước ta đã tham gia mang lại. Giải quyết ách tắc giao thông trong lưu chuyển hàng hóa, cũng như quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ tiêm và nâng tỷ lệ bao phủ vaccine chống dịch đối đối với công nhân, ngư dân, các doanh nghiệp chế biến…

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ, cảm thông những khó khăn chồng chất khó khăn của các doanh nghiệp trong thời gian vừa qua. Chính vì vậy, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã rất cố gắng tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ các doanh nghiệp về cơ chế chính sách để duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất. Tuy nhiên, trong thời gian tới, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức và cần có giải pháp tháo gỡ để phục hồi sản xuất. Thủ tướng cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay đòi hỏi tất cả chúng ta đặc biệt là đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp đã quyết tâm phải quyết tâm hơn nữa, đã cố gắng, cố gắng nhiều hơn nữa. Đây là thời điểm “lửa thử vàng-gian nan thử sức”, “chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo” để vượt qua khó khăn, dự báo, nắm bắt cơ hội để phát triển doanh nghiệp và góp phần phát triển đất nước với tầm nhìn xa, trông rộng gắn với dự báo tình hình trong thời gian tới. Yêu cầu và nhiệm vụ to lớn cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương hiện nay là cần có các biện pháp chống dịch quyết liệt, kịp thời và hiệu quả để trước hết là bảo vệ sức khỏe, tính mạng và ổn định đời sống của nhân dân. Đồng thời, cần giữ vững và phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nỗ lực cao nhất để không đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng. Tinh thần của Hội nghị là “Đánh giá-Giải pháp-Thiết thực -Hiệu quả, Chính phủ sẽ tiếp nhận toàn bộ ý kiến để có giải pháp chính sách phù hợp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, vượt qua đại dịch.

Hữu Văn
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ