A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Điểm sáng kinh tế Việt Nam

 

QPTĐ-Trong báo cáo cập nhật vĩ mô Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 16/9 đã nhận định, quá trình phục hồi kinh tế Việt Nam tăng tốc trong sáu tháng vừa qua. Tăng trưởng GDP được dự báo tăng mạnh từ 2,6% trong năm 2021 lên 7,5% trong năm 2022, lạm phát thì được dự báo tăng trung bình 3,8% năm nay. Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) cũng nâng mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên 7% trong năm 2022, cao hơn 1 điểm phần trăm so với mức dự báo của 3 tháng trước đó. WB cho rằng, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục hồi phục cho dù thế giới được cho là rơi vào suy thoái bởi làn sóng tăng lãi suất chưa từng có trong 50 năm qua, nhằm chống kiềm chế lạm phát.

Theo ước tính của WB, GDP toàn cầu trong năm 2023 chỉ tăng 0,5% nhưng GDP bình quân đầu người lại giảm 0,4%...

Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường, nhiều diễn biến mới, chưa từng có tiền lệ, rất khó dự báo, khó khăn, thách thức ngày càng gia tăng trên phạm vi toàn cầu, tiềm ẩn rủi ro cả về kinh tế-xã hội, an ninh chính trị của một số quốc gia và khu vực, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, kịp thời thực hiện đồng bộ các giải pháp: Kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Triển khai nhanh, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, gắn với việc đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình quan trọng quốc gia, nhất là các dự án phát triển hạ tầng.  Mở rộng, đa dạng hóa thị trường và các mặt hàng xuất khẩu; thúc đẩy phát triển bền vững thị trường nội địa. Tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương. Phát triển công nghiệp trở thành trụ cột của nền kinh tế, có khả năng tham gia sâu rộng và hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu; thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ và chế biến, chế tạo, tạo động lực cho phát triển kinh tế. Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả cao và thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh lương thực trong mọi tình huống; thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Về mục tiêu phấn đấu, hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 theo Nghị quyết số 32/2021/QH15 của Quốc hội, Chính phủ xác định năm 2022 phấn đấu vượt chỉ tiêu tăng trưởng 7,5%; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát năm 2022 tăng dưới 4%, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng để phấn đấu thực hiện mục tiêu tăng trưởng 05 năm (6,5-7%/năm), không làm suy yếu các động lực tăng trưởng, tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, chuyển đổi số…; phát triển xuất nhập khẩu, hướng đến cán cân thương mại hài hòa, bền vững.

Mới đây, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam 2022, với chủ đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững” Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, trong 8 tháng đầu năm 2022, kinh tế-xã hội Việt Nam tiếp tục phục hồi mạnh mẽ với nhiều điểm sáng: Dịch bệnh được kiểm soát; sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng tốt; hoạt động bán lẻ phục hồi mạnh; xuất nhập khẩu tăng trưởng tích cực, cán cân thương mại xuất siêu gần 4 tỷ USD; giải ngân FDI khả quan; thu ngân sách đạt khá nhờ kinh tế phục hồi; lạm phát thấp, lãi suất, tỷ giá chịu áp lực tăng song vẫn trong tầm kiểm soát; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân tiếp tục phục hồi.  Các tổ chức quốc tế như WB, IMF, ADB... dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam từ 6,7-7,5%, lạm phát dưới 4%...

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh, củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, tăng cường khả năng chống chịu và tự cường của nền kinh tế luôn là mục tiêu hàng đầu, nhất là do kinh tế nước ta có độ mở rất lớn và tình hình thế giới, khu vực luôn có biến động bất thường, khó dự báo. Bài học thực tiễn qua hơn 35 năm đổi mới, kể cả trong những giai đoạn khó khăn, thử thách khắc nghiệt như trong 2 năm qua cho thấy, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô như là yếu tố “bất biến” để ứng với “vạn biến” của tình hình kinh tế quốc tế.

Hữu Văn 
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ