A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xây dựng Hà Nội trở thành thành phố thông minh, hiện đại

 

QPTĐ-Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII xác định: Đến năm 2025, xây dựng, phát triển Hà Nội giàu đẹp, văn minh, hiện đại, tiêu biểu cho cả nước, xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị-hành chính quốc gia; trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế; động lực phát triển kinh tế-xã hội của vùng và cả nước. Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị thông minh, thành phố đổi mới sáng tạo.

Phát triển Hà Nội theo hướng đô thị thông minh, hiện đại.

Định hình thành phố thông minh

Thành phố thông minh (Smart City) là thành phố được xây dựng trên nền tảng công nghệ thông tin giúp kết nối và tạo nên một hệ thống hữu cơ tổng thể được kết nối từ nhiều hệ thống thành phần với hệ thống trí tuệ nhân tạo. Toàn bộ hệ thống này khi vận hành trong đô thị sẽ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố, giảm tiêu thụ năng lượng và giúp quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Việt Nam xác định phát triển đô thị thông minh, bền vững là một hướng đi có tính đột phá, góp phần nâng cao tính cạnh tranh quốc gia. Vì vậy, trong những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy xây dựng và phát triển các thành phố thông minh, đô thị thông minh. Trong đó, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, cần Thơ được xác định là hạt nhân, hình thành mạng lưới liên kết các đô thị thông minh. 

Trên cơ sở định hướng của Trung ương, từ năm 2016, Hà Nội đã tích cực triển khai các hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, duy trì mục tiêu thiết lập một hệ thống công nghệ thông tin theo hướng tổng thể, đồng bộ, thống nhất sử dụng chung trên địa bàn toàn Thành phố. Hà Nội tập trung xây dựng và phát triển nền tảng của Chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số; phát triển thương mại điện tử tạo tiền đề cho hình thành kinh tế số trong tương lai. Cơ sở hạ tầng viễn thông được xây dựng và phát triển hiện đại, an toàn, dung lượng lớn, tốc độ cao, vùng phủ dịch vụ rộng trên phạm vi toàn Thành phố, trong đó tập trung đẩy mạnh phát triển mạng thông tin di động thế hệ thứ 4 (4G) và thứ 5 (5G).

Hà Nội đã có bước đột phá căn bản về công nghệ thông tin, bảo đảm triển khai ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng tổng thể, đồng bộ và sử dụng chung trên một hệ thống, gắn với mô hình chính quyền đô thị. Lần đầu tiên, Thành phố triển khai thành công các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và phần mềm một cửa điện tử dùng chung trên phạm vi 3 cấp chính quyền, với 1.671 thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ 100%; hoàn thành tích hợp, kết nối 249/249 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trên tất cả các lĩnh vực đã góp phần tạo ra một phương thức giao dịch hiện đại, minh bạch; tiết kiệm chi phí, thời gian trong việc thực hiện các thủ tục hành chính; tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; là công cụ, đòn bẩy quyết định thúc đẩy công tác cải cách hành chính của Thành phố.

Cùng với đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, Hà Nội cũng tích cực ứng dụng khoa học, công nghệ nhằm giải quyết một số vấn đề cấp bách của đô thị, tạo nên các thành tố để xây dựng thành phố thông minh, trong đó dành ưu tiên cho xây dựng các hệ thống thông minh trong một số lĩnh vực “nóng” như giao thông, du lịch, y tế, môi trường…

Phát triển đô thị và kinh tế đô thị

Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, Thành ủy đã ban hành Chương trình 03 về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”. Mục tiêu của Chương trình là: Phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại; bảo đảm mối liên kết hài hòa giữa đô thị và nông thôn. Nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉnh trang, phát triển, hiện đại hóa đô thị gắn với phát triển kinh tế đô thị theo hướng bền vững. Ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, xây dựng các công trình tiêu biểu, không gian kiến trúc cảnh quan đặc sắc, mang đặc trưng của Thủ đô. Bảo đảm tính bền vững của quá trình đô thị hóa, giải quyết được những vấn đề thách thức đặt ra trong quá trình phát triển đô thị.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Chương trình nêu rõ 6 giải pháp trọng tâm. Trước hết là xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, như: Kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhà ở, Nghị định của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; xây dựng Đề án khung cơ chế chính sách đặc thù để thúc đẩy tiến độ cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ; xây dựng Đề án phát triển kinh tế đô thị; ban hành quy định về phát triển kinh tế ban đêm... Khai thác, phát huy tốt các tiềm năng, nguồn lực, chú trọng đầu tư phát triển chiều sâu; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, nâng cao hiệu quả đầu tư. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, chỉnh trang, phát triển đô thị và đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng triển khai các dự án. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và kiện toàn bộ máy; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng nhiệm vụ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm và hành động cụ thể của mỗi cá nhân, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện các nội dung của chương trình. Tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ trong chỉnh trang, phát triển đô thị và kinh tế đô thị.

Với hàng loạt mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và những giải pháp đồng bộ, căn cơ, cùng với lộ trình triển khai cụ thể gắn với trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương, Hà Nội sẽ phát triển nhanh, bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại.

Đức Minh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ