A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tấm ảnh đặc biệt Ngày Giải phóng Thủ đô

QPTĐ-Đã gần 70 năm trôi qua, những người chứng kiến đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô ngày 10-10-1954 giờ chỉ còn ít người. Người có vinh dự chớp được khoảnh khắc đó qua ống kính máy ảnh thì lại càng trân quý. Một trong số những người may mắn đó là ông Lê Sửu ở phố Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm. Những phút giây lịch sử ngày ấy vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí ông.

Vợ chồng ông Lê Sửu kể lại khoảnh khắc chụp bức ảnh “Phố Hàng Đào trong ngày tiếp quản”.

 

Khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc đời

Một ngày Thu Hà Nội, trên con phố Hàng Đào phồn hoa, tấp nập người qua lại, chúng tôi được vợ chồng ông Lê Sửu đón vào nhà. Trong căn nhà nhỏ số 80 Hàng Đào, những bức tranh đen trắng cổ xưa về phong cảnh, ảnh gia đình được ông bà treo ngay ngắn khắp tường nhà. Đặc biệt, bức ảnh đoàn quân tiến vào giải phóng Thủ đô được ông Sửu treo ở vị trí trang trọng nhất. Cẩn thận, nâng niu bức ảnh, mắt ánh lên niềm tự hào, giọng nghẹn ngào, ông xúc động chia sẻ với chúng tôi về khoảnh khắc lịch sử không thể nào quên trong ngày bộ đội tiến vào giải phóng Thủ đô và bức ảnh “Phố Hàng Đào trong ngày tiếp quản”.

Năm đó, ông Sửu là cậu thanh niên 17 tuổi, có sở thích chụp ảnh. Hồi đó, gia đình ông thuộc diện khá giả, cha ông là chủ hiệu tạp hoá Đức Hoà, rất có uy tín. Vì là con nhà khá giả nên việc sở hữu máy ảnh với ông không quá khó khăn. Yêu thích chụp ảnh là thế, nhưng ông Sửu tự nhận không có nhiều kỹ năng chụp ảnh. Những bức ảng ông chụp đều là ngẫu nhiên, mang hướng sở thích cá nhân. Ông chưa bao giờ nghĩ sẽ lưu lại để giữ làm tư liệu về sau. Nhưng ông không ngờ rằng, bức ảnh của mình chụp vào ngày 10/10/1954 lại là một bức ảnh lịch sử, một kỷ vật quý giá của gia đình.

“Trước ngày đoàn quân trở về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, người dân trong khu phố chúng tôi háo hức, tâm trạng hồi hộp, thấp thỏm chờ ngày đoàn quân chở về Hà Nội. Ai cũng thao thức, giăng đèn, treo cờ, làm vòng hoa để chuẩn bị chào đón bộ đội. Sáng 10/10, khi thấy bộ đội bắt đầu tiến vào tiếp quản Hà Nội, niềm vui như vỡ òa. Tôi cầm máy ảnh chụp khoảnh khắc đầu tiên khi bộ đội tiến vào Hàng Đào. Mọi người ai ai cũng hò reo, vỗ tay, hân hoan vui sướng khi nhìn thấy các anh bộ đội trở về. Cảm xúc như vỡ oà, khi chứng kiến khoảnh khắc ấy, khoảnh khắc người dân chúng tôi chờ đợi sau bao nhiêu năm bị kìm hãm dưới gót giày của địch, nay Hà Nội đã hoàn toàn giải phóng, hoàn toàn tự do”-ông Sửu chia sẻ.

Trước nhà bà Hoàng Lan Hương (vợ ông Sửu) trong ngày giải phóng Thủ đô.

 

Hồi tưởng lại thời khắc lịch sử năm 1954 ấy, bà Hoàng Lan Hương (vợ ông Sửu) nghẹn ngào cho biết, khi ấy bà vẫn còn là học sinh tiểu học. Dù còn nhỏ nhưng cô bé Hương thời đó đã cùng các chị em trong khu phố tỉ mẩn tự tay làm những đoá hoa, lá cờ, những dây “xúc xích” bằng giấy đủ loại sắc màu để náo nức đón chờ ngày Thủ đô chiến thắng. Sáng sớm ngày 10-10-1954, khi đoàn quân bước những bước đầu tiên tiến vào phố Hàng Đào, mọi người đều chạy ra ngoài, đứng hai bên đường chào đón đoàn quân giải phóng. “Lúc đó, người dân đứng vây kín hai bên đường phố hò reo, vẫy cờ hoa, tung nón. Có người còn vươn tay với lấy tay các anh bộ đội nắm chặt, không rời. Không khí náo nhiệt, hân hoan, vui sướng và xúc động lắm. Bởi vì sau bao nhiêu năm tháng đấu tranh gian khổ của quân và dân ta, cuối cùng cũng đến ngày Thủ đô giành được độc lập”-bà Hương chia sẻ.

Kỷ vật vô giá của gia đình

Cầm tấm ảnh “Phố Hàng Đào trong ngày tiếp quản”, ngắm nhìn một lúc lâu, ánh mắt ông Sửu dừng lại nơi góc phải tấm ảnh. Trong hình là một cậu bé khoảng 6-7 tuổi, tay cầm lá cờ đỏ sao vàng. Gương mặt bầu bĩnh, ngây thơ, khá bảnh trai của cậu bé thu hút sự chú ý của chúng tôi. Như đọc được suy nghĩ của chúng tôi, ông Sửu nghẹn ngào kể lại: “Khi chụp, tôi chỉ muốn có hình ảnh của đoàn quân giải phóng. Việc chú em tôi xuất hiện trong bức ảnh cũng là sự tình cờ. Năm 18 tuổi, em trai tôi nhập ngũ, lên đường vào miền Nam chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc. Thật không may, chú em tôi đã hy sinh tại Quảng Trị, đến nay gia đình vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Tôi cũng không ngờ rằng, bức ảnh em tôi vẫy cờ trước cửa nhà mình ở 80 Hàng Đào lại chính là khoảnh khắc lịch sử của gia đình và cũng là khoảnh khắc lịch sử của Hà Nội. Bức ảnh “Phố Hàng Đào trong ngày tiếp quản” không chỉ đơn thuần là tư liệu quý ghi lại khoảnh khắc thiêng liêng của đất trời Thủ đô Hà Nội ngày giải phóng mà nó còn là kỷ vật quý giá gợi nhớ về em trai ông Sửu, nhớ về sự hi sinh anh dũng, không tiếc thân mình bảo vệ Tổ quốc của biết bao người dân Việt Nam.

Gần 70 năm trôi qua, chứng kiến những đổi thay của Thủ đô Hà Nội, ký ức về ngày giải phóng Thủ đô lại sống dậy mạnh mẽ trong tâm trí của vợ chồng ông Lê Sửu. Ông Sửu hy vọng, bức ảnh không chỉ là kỷ vật gia đình mà còn là tư liệu để thế hệ trẻ sẽ luôn ghi nhớ, trân trọng và phát huy những giá trị lịch sử hào hùng của dân tộc, từ đó tiếp bước cha ông xây dựng và phát triển Thủ đô, đất nước ngày càng giàu mạnh.

              Thái An


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ