A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những điểm sáng phát triển kinh tế vườn trong bức tranh nông nghiệp Thủ đô

QPTĐ-Thời gian qua, ngành nông nghiệp Hà Nội tiếp tục duy trì được nhiều mô hình sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao. Đến nay, toàn Thành phố có 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản.

Những năm gần đây, kinh tế vườn đã trở thành trụ cột và có vị trí quan trọng trong phát triển nông nghiệp Hà Nội. Kinh tế vườn đã mang lại hiệu quả rất lớn đối với người nông dân. Đặc biệt, mô hình kinh tế vườn đã đóng góp vào mục tiêu xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội mà điểm nhấn là Chương trình xây dựng nông thôn mới. Điều đó được thể hiện sinh động tại các huyện Sóc Sơn, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Đông Anh. Mục tiêu chủ yếu của phát triển nông nghiệp Thủ đô là tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Thực hiện mục tiêu đó, ngành nông nghiệp Hà Nội tiếp tục duy trì được nhiều mô hình sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao. Đến nay, toàn Thành phố có 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản.

Hiệu quả từ trồng bưởi diễn ở  xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng.

Định hướng phát triển nông nghiệp đặc thù trước mắt và lâu dài là phải đổi mới cơ cấu ngành với đặc thù của mình. Đó là nền nông nghiệp xanh, môi trường sinh thái sạch và chuỗi giá trị hàng hóa chất lượng cao. Tỷ trọng nông nghiệp sẽ giảm dần nhưng giá trị phải tăng và ổn định bền vững. Phát triển kinh tế vườn để có nguồn thu nhập về kinh tế nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó, làm kinh tế vườn ở Hà Nội còn phải tính đến cảnh quan môi trường, nhằm tạo ra các vùng sinh thái xanh để phát triển dịch vụ du lịch. Những năm qua, trên địa bàn Thành phố xuất hiện nhiều mô hình vườn sinh thái gắn với khai thác dịch vụ du lịch có hiệu quả ở Sóc Sơn, Ba Vì, Phúc Thọ, Chương Mỹ, Quốc Oai, Ứng Hòa.

Phát triển nông nghiệp bền vững là mục tiêu trọng tâm của nông nghiệp Thủ đô. Tại các huyện, thị xã, nơi nào phát triển tốt mô hình kinh tế vườn trong các hộ gia đình thì nơi đó tạo được sự ổn định bền vững về kinh tế, đảm bảo được không gian xanh về môi trường, chất lượng cuộc sống được nâng lên rõ rệt. Đô thị phát triển không đồng nghĩa với việc từ bỏ xây dựng các mô hình vườn sinh thái trong nội thị. Thực tế rất nhiều quận như Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Hoàng Mai, Long Biên, Hà Đông… còn có nhiều mô hình vườn có giá trị cả về kinh tế, cảnh quan. Đây là kết quả của sự tiếp cận nhanh chóng, nhạy bén để hình thành các mô hình vườn sinh thái thích ứng khi đô thị phát triển.

Theo thống kê 5 năm của Hội Làm vườn Hà Nội (2015-2020), Thành phố đã có nhiều chính sách triển khai các chương trình, kế hoạch, nghị quyết; các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ nông dân, xây dựng hạ tầng nông thôn nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả đầu tư. Đáng chú ý, việc xây dựng và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ. Cụ thể, toàn ngành đã hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, trong đó, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản ước đạt 280 triệu đồng/ha/năm, tổng sản phẩm nông nghiệp tăng  3-3,5%; giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản hàng năm đạt trên 300 triệu đồng/ha. Đặc biệt, công tác triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã có tiến bộ rõ rệt. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực… Qua đó, góp phần bảo đảm an sinh, an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trong lĩnh vực nông nghiệp.

Nhiều huyện như Ba Vì, Sóc Sơn, Quốc Oai, Chương Mỹ, Thạch Thất, Ứng Hòa thu nhập từ trang trại chiếm tỷ lệ không nhỏ trong nguồn thu hàng năm.  Vườn cây đã góp phần phủ nhanh đồi gò, khai thác hiệu quả những vùng đất khó khăn để người dân vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Đơn cử như các xã Bắc Sơn, Nam Sơn (Sóc Sơn), Tản Lĩnh, Ba Trại (Ba Vì), Vĩnh Ngọc (Đông Anh), Thủy Xuân Tiên (Chương Mỹ)..., nhiều hội viên nhờ phát triển sản xuất từ VAC mà có thu nhập khá, đời sống ổn định. Riêng Hội Làm vườn huyện Sóc Sơn có 16,3ha bưởi sạch đạt tiêu chuẩn VietGAP; một trang trại lợn quy mô 200 con nái, 1.000 lợn thịt đạt tiêu chuẩn VietGAP...”, Chủ tịch Hội Làm vườn Hà Nội Đỗ Như Sưởng nhấn mạnh.

Nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với tình hình thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vị thế trên thị trường. Điển hình như: Mô hình sản xuất giống và hoa lan Hồ điệp của HTX Đan Hoài (huyện Đan Phượng); HTX sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (huyện Đan Phượng); mô hình chăn nuôi của Công ty CP giống gia cầm Ngọc Mừng, huyện Đông Anh; mô hình sản xuất nấm của Nhà máy sản xuất nấm kim châm công nghệ Nhật Bản của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Kimoko Thanh Cao (huyện Mỹ Đức).

Mô hình trồng hoa mai trắng ở xã Tản Lĩnh, Ba Vì cho thu nhập hiệu quả.

Hội Làm vườn Hà Nội phối hợp với các nhà khoa học cùng hội viên xây dựng các mô hình liên kết hay tư vấn, chuyển giao kỹ thuật công nghệ cao như: Trồng dưa lê, dưa lưới, dưa vàng trong nhà màng, nhà lưới và kết nối, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm ngay trên địa bàn Thành phố. Tại huyện Ứng Hòa, trang trại của hội viên Nguyễn Phúc Bách, trang trại Minh Châu có quy mô tới  8.000m2;  huyện Hoài Đức có nông trại nhà màng Màu Văn Cường rộng 6.000m2;  huyện Chương Mỹ  có khu nhà màng, nhà lưới rộng  8.000m2 của HTX Trúc Sơn; huyện Đông Anh có HTX Bắc Hồng có khu nhà lưới rộng  3.000m2… Các  mô hình này đã đưa vào hoạt động từ năm 2018-2019, hàng  năm có thể trồng 3 vụ dưa lưới, dưa vàng, dưa lê, và 1 vụ dưa chuột baby hoặc cà chua…, mang lại hiệu quả kinh tế cao, chất lượng sản phẩm đảm bảo an toàn. Tính bình quân lợi nhuận thu được từ trồng những giống cây có giá trị cao trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao có thể đạt  1,5 - 2 tỷ đồng/ha/năm.

Trong tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp Thủ đô theo hướng đổi mới, hội nhập, các mô hình kinh tế trang trại, nhà vườn có thêm cơ hội phát triển. Nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch làng nghề mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân và thay đổi diện mạo nông thôn.

Song Hà

 

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ