A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mường Phăng in dấu chân Đại tướng

QPTĐ-Mới đây, cùng đoàn công tác Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đến tri ân các anh hùng, liệt sĩ, người có công với cách mạng tại tỉnh Điện Biên, chúng tôi có dịp được tham quan Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng- nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ Chỉ huy chiến dịch đã đưa ra những chỉ thị, mệnh lệnh tấn công có tính chất quyết định, làm nên Chiến thắng "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, khiến cho cả thế giới phải kinh ngạc trước một quân đội nhỏ bé nhưng anh hùng.

Đoàn công tác Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và Kiểm toán nhà nước tham quan sở chỉ huy Mường Phăng.

Vượt qua hàng trăm cây số, đi trên những con đường vòng vèo, uốn khúc quanh co, nhất là khi tới đèo Pha Đin, chúng tôi được nghe một thành viên trong đoàn cất lên tiếng "Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ, Đèo Lũng Lô anh hò, chị hát", câu ca ấy đã gắn bó với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta về một thời "hoa lửa Điện Biên". Sau gần một ngày vượt qua hàng trăm con dốc, đoàn chúng tôi cũng đến được vị trí làm việc trước đây của Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng. Theo hướng dẫn viên du lịch Lò Thị Thủy, người đã gắn bó với "Khu rừng Đại tướng" hơn 10 năm, chúng tôi lần lượt được tham quan vị trí làm việc của các bộ phận trong Sở chỉ huy. Chòi canh gác số 1, hầm thông tin liên lạc, lán ở và nơi làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lán ở và nơi làm việc của Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, đường hầm xuyên núi dài gần 100 mét nối liền lán của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, rồi tới hầm của Ban cố vấn Trung Quốc, nhà hội trường, hầm Ban Chính trị. Đến đâu, chúng tôi cũng được hướng dẫn viên giới thiệu rất tỉ mỉ. Mang trong mình giọng nói nhẹ nhàng, truyền cảm, mang nét đặc trưng của người bản địa, chúng tôi thấm hơn những gian nan, vất vả, cống hiến hy sinh của những người làm nên lịch sử. Những căn hầm, ngôi nhà bé nhỏ được lợp bằng cỏ gianh trong những ngày Đông Tây Bắc làm cho những người lính cảm thấy cái lạnh như thấu sương hay những lúc bị lên cơn sốt rét hành hạ, nhưng ý chí và quyết tâm của những người lính can trường ấy đã vượt qua tất cả để làm nên trang sử hào hùng.

Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm tại Sở chỉ huy chiến dịch.

Hàng trăm đôi mắt hướng về người hướng dẫn viên, chăm chú nghe chị giới thiệu từng hiện vật, từng vị trí làm việc của Bộ chỉ huy chiến dịch, lồng ghép trong đó là những câu chuyện đầy xúc động về ý chí, nghị lực phi thường của cán bộ, chiến sĩ trong 56 ngày đêm “mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non” và những quyết sách mang tính chiến lược để tiêu diệt “Pháo đài” bất khả xâm phạm của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ. Lúc đầu là phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh”, sau ta chuyển sang phương châm “đánh chắc, thắng chắc”, đây là một bài toán cực kỳ hóc búa. Theo đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ ra 3 khó khăn: Thứ nhất, quân Pháp có sự thay đổi từ 6 Tiểu đoàn lên 12 Tiểu đoàn được Mỹ viện trợ nhiều phương tiện vũ khí hiện đại; thứ 2, ta chỉ quen cách đánh du kích ban đêm; thứ 3, mặc dù có sự phối hợp giữa các lực lượng nhưng quân ta chưa qua diễn tập. Suốt nhiều đêm liền Đại tướng không làm sao chợp mắt được, có những đêm hai giờ sáng đầu Đại tướng nóng ran, hai thái dương mạch máu lên cơn co giật. Đại tướng sai y tá hái lá ngải cứu rừng vừa uống vừa đắp lên trán. Lúc này, Đại tướng lo mà anh em bộ đội cũng lo, bởi pháo đã đưa vào tận sào huyệt địch rồi, chỉ cần lệnh là nhả đạn. Nhưng bây giờ phải ngừng lại để chuyển hướng mới “kéo pháo ra” và đưa quân về địa điểm tập kết... Việc kéo pháo vào đã khó, tốn biết bao nhiêu công sức, thời gian, nhưng bây giờ kéo pháo ra lại càng vất vả hơn… Thế nhưng phương án đó cuối cùng đã thành công. Vừa tiêu diệt gọn được sinh lực địch và chúng ta đỡ hao tổn lực lượng. Câu chuyện về anh Tô Vĩnh Diện chèn lưng cứu pháo; anh Phan Đình Giót máu ở chân ướt đầm đìa vẫn cố bò được lên tận lỗ châu mai, chặn ngay họng súng quân thù… khiến cả đoàn chúng tôi ai nấy đều rưng rưng xúc động, cảm phục về tinh thần chiến đấu quên mình vì Tổ quốc của các anh.

Bằng cái tâm và sự kính trọng của mình, những câu chuyện về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, được hướng dẫn viên du lịch Lò Thị Thúy say sưa truyền tải đến các thành viên trong đoàn chúng tôi. Đó là năm 2004, khi Đại tướng về thăm lại Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, thời điểm đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp 93 tuổi và cũng là lần cuối về thăm lại Điện Biên (ý nguyện của người trong thời điểm kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ). Vấn đề đặt ra là làm sao đưa được Đại tướng vào hầm Sở Chỉ huy. Với sức khỏe tuổi 93, Đại tướng không thể đi bộ được. Nhiều phương án được đặt ra, như cõng hoặc khiêng võng nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều không đồng ý. Sau khi Đại tướng về nghỉ ngơi, thư ký của bác là Đại tá Nguyễn Huyên gọi điện cho Thiếu tướng Lưu Trọng Lư- lúc đó là Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh nói rằng, không thuyết phục được anh Văn ngồi võng khiêng nên phải tìm cách khác. Đúng 15 giờ chiều hôm ấy, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên mở cuộc họp, giao trực tiếp cho Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh chỉ huy mở đường để xe đưa Đại tướng vào đến hầm Sở Chỉ huy.

Các đại biểu tham quan phòng làm việc của Bộ chỉ huy chiến dịch.

Ngay sau đó, các công tác triển khai diễn ra nhanh chóng, vừa dân vận để nhân dân đồng thuận làm đường qua cánh đồng bản Phăng, vừa huy động 1 đại đội công binh, gần 150 dân quân bắt tay vào thực hiện theo hình thức đường quân sự làm gấp, con đường dài 1km, rộng 15m đã hoàn thành trong 8,5 tiếng đồng hồ (từ 17 giờ - 1 giờ 30 phút sáng). Đúng 8 giờ 30 phút sáng ngày 19/4/2004, chiếc máy bay chuyên cơ Mi-172 đưa Đại tướng rời sân bay Điện Biên hướng về Mường Phăng. Nhìn đường, Đại tướng hỏi ngay có phải vừa mới làm. Vợ và con của Đại tướng bảo bộ đội và nhân dân Mường Phăng đã làm đường cả đêm để đón bố, thì Đại tướng rưng rưng, lấy khăn lau nước mắt…

Nghe xong câu chuyện, Thượng úy Đinh Xuân Linh, Chính trị viên Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 692, thành viên đoàn công tác bộc bạch: Tôi rất tự hào và cảm phục tinh thần chiến đấu của các thế hệ cha anh đi trước. Qua chuyến hành quân về nguồn này giúp tôi hiểu sâu sắc hơn về truyền thống của dân tộc, từ đó làm hành trang để khi về đơn vị tôi sẽ lan tỏa và truyền lửa giá trị truyền thống và tình thần quyết chiến, quyết thắng của các chiến sĩ Điện Biên, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ khắc phục khó khăn quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Những câu chuyện dù được nghe hay được đọc nhiều trong các tài liệu nhưng chỉ khi về nơi đã in dấu một thời “hoa lửa”, “máu trộn bùn non, mưa dầm cơm vắt”, các thành viên đoàn công tác mới cảm thấu được những cống hiến và sự hy sinh cao cả của các chiến sĩ Điện Biên năm xưa. Họ đã chiến đấu quên mình để dân tộc được nở hoa độc lập.

Trần Đông 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ