A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật mới

 

QPTĐ-Sáng 11-12-2020, tại Hà Nội, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Theo đó, có 7 luật được công bố gồm: Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Cư trú năm 2020; Luật Bảo vệ môi trường 2020; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); Luật Thỏa thuận quốc tế.

Luật Biên phòng tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. (Ảnh: Internet)

Những luật này có ý nghĩa quan trọng, tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội và cuộc sống của người dân, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, giải quyết những bất cập, tháo gỡ khó khăn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và thực thi pháp luật trong nhiều lĩnh vực: Bảo vệ môi trường; bảo đảm quyền công dân, quyền của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; phòng, chống ma túy; tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế; bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.

LUẬT BIÊN PHÒNG VIỆT NAM

Ban hành Luật Biên phòng nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn, đồng thời, cụ thể hóa Nghị quyết số 33/NQ-TW của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia. Việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam tạo cơ sở pháp lý vững chắc, đầy đủ nhằm tăng cường hiệu lực trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới. Đồng thời, là cơ sở xây dựng lực lượng vũ trang nói chung, lực lượng bộ đội biên phòng nói riêng ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Luật gồm 6 chương, 36 điều với những nội dung chính: Chương 1 về quy định chung; Chương II về hoạt động cơ bản của biên phòng; Chương III về lực lượng Bộ đội biên phòng; Chương IV về bảo đảm và chế độ, chính sách về biên phòng; Chương V về trách nhiệm cơ quan, tổ chức về biên phòng; Chương VI về điều khoản thi hành. Trên cơ sở Luật Biên phòng Việt Nam, Chính phủ sẽ ban hành 2 nghị định, Bộ Quốc phòng ban hành 2 thông tư quy định chi tiết thực hiện. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022.

LUẬT CƯ TRÚ NĂM 2020

Quốc hội thông qua luật Cư trú, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2021. Luật Cư trú năm 2020 có 07 chương, 38 điều và có một số nội dung mới; sửa đổi, bổ sung so với Luật Cư trú năm 2006. Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết, một trong những điểm mới quan trọng của luật là thay đổi phương thức quản lý cư trú từ quản lý bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sang quản lý điện tử bằng việc sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thông tin về nơi thường trú của mỗi công dân là trường thông tin dữ liệu số được cập nhật, điều chỉnh trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú.

Luật đã bãi bỏ toàn bộ các thủ tục về cấp đổi, cấp lại, cấp giấy chuyển sổ hộ khẩu. Một số thủ tục khác cũng được sửa đổi, bổ sung, như tách sổ hộ khẩu được xác định theo hướng đây là việc tách hộ gia đình và được thực hiện bằng việc điều chỉnh, cập nhật trường thông tin về chủ hộ, quan hệ với chủ hộ trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú. Khi luật có hiệu lực, thời gian giải quyết đăng ký thường trú là 15 ngày sẽ giảm xuống tối đa là 7 ngày. Luật Cư trú năm 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2021, kể từ ngày này sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của luật này cho đến hết ngày 31-12-2022.

Trường hợp thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khác với thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú. Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký, khai báo về cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của luật này và không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH VI

Luật Xử lý vi phạm hành chính đã sửa đổi, bổ sung nội dung của 66/142 điều (trong đó 16 điều bổ sung toàn diện), sửa kỹ thuật 11/142 điều, bổ sung mới 4 điều, bãi bỏ 3 điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết, so với luật hiện hành, Luật sửa đổi bổ sung đã tăng mức phạt tiền tối đa trong 10 lĩnh vực, bao gồm: Giao thông đường bộ; phòng, chống tệ nạn xã hội; cơ yếu; quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia; giáo dục; điện lực; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; thủy lợi; báo chí; kinh doanh bất động sản. Đồng thời, bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa của một số lĩnh vực như: Tín ngưỡng, đối ngoại; cứu nạn, cứu hộ; an ninh mạng; an toàn thông tin mạng; kiểm toán nhà nước; cản trở hoạt động tố tụng.

Cùng với đó, Luật mới đã sửa đổi tên của một số lĩnh vực như: Lĩnh vực sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi, cây trồng thành trồng trọt; sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi thành chăn nuôi; dạy nghề thành giáo dục nghề nghiệp; hạn chế cạnh tranh thành cạnh tranh.

CÁC LUẬT KHÁC

Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã được Quốc hội thông qua với nhiều điểm mới. Trong đó, bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm ở nước ngoài bao gồm việc lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn, quảng cáo cung cấp thông tin gian dối để lừa đảo người lao động, phân biệt đối xử, lợi dụng để thu tiền của người lao động trái pháp luật.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS năm 2006, đã bổ sung các đối tượng được thông báo kết quả HIV dương tính và tiếp cận thông tin của người nhiễm HIV; bổ sung nhà tạm giữ, cơ sở giam giữ khác có trách nhiệm triển khai nhiệm vụ quản lý, tuyên truyền, tư vấn, xét nghiệm.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 có nhiều quy định nhằm cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính từ 20-85 ngày, góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp. Luật thỏa thuận quốc tế gồm 7 chương, 52 điều, có hiệu lực từ ngày 1-7-2021 và thay thế Pháp lệnh Ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế năm 2007. 

Song Hà


Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ