A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nghệ nhân Bùi Thế Mạnh với niềm đam mê sáng tạo

 

QPTĐ-Vào những ngày này, các nhà vườn ở phường Tứ Liên, quận Tây Hồ đang tích cực, hối hả đón chào, hướng dẫn du khách mua sản phẩm cây quất cảnh chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Xuân Tân Sửu. Tại nhà vườn quất Thế Mạnh, rất đông khách hàng trong nước và nước ngoài đang chọn mua và ngắm những cây quất cảnh có dáng thế độc đáo. Nhiều năm gần đây, quất cảnh luôn có sức hút với người chơi cây Tết, bởi trong tiềm thức, quất là cây mang lại cho gia chủ sự thịnh vượng, bình an và may mắn đối với mỗi thành viên trong gia đình.

Nghệ nhân Bùi Thế Mạnh với niềm đam mê sáng tạo

Kỳ công tạo vẻ đẹp

Là một trong những người gắn bó lâu năm với nghề trồng quất Tứ Liên, những sản phẩm quất cảnh nghệ thuật của gia đình anh ngày càng được nhiều người biết đến, đánh giá cao và có uy tín trên thị trường Thủ đô và các tỉnh lân cận. Nghệ nhân Bùi Thế Mạnh cũng đã nhận được rất nhiều giải thưởng như: Thương hiệu tin dùng Thủ đô cho thương hiệu quất Thế Mạnh, Danh hiệu Nghệ nhân làng nghề Việt Nam và Cúp Bàn tay vàng. Điều khiến chúng tôi ấn tượng ở anh Mạnh đó là tư duy sáng tạo với cây quất. Ở Tứ Liên, anh là người trồng cây quất cảnh đầu tiên trong những chậu, lọ, bình to, bình nhỏ, các tượng, tiểu cảnh với nhiều hình thù, con giống khác nhau. Đôi bàn tay tài hoa, khéo léo của anh hàng ngày bấm, tỉa, cắt xén, uốn, nắn tỉ mỉ từ những cây quất mộc mạc, đơn sơ để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật. Anh tâm niệm: “Mỗi cây quất là một đứa con tinh thần, một tác phẩm nghệ thuật, làm thỏa mãn niềm đam mê của tôi”. 

Tình yêu dành cho cây quất của anh Mạnh bắt đầu từ khi anh 12 tuổi. Anh vẫn thường cùng bố chăm sóc những cây quất trồng trong khu vườn nhỏ của gia đình. Theo năm tháng niềm đam mê của anh cứ lớn dần. Năm 1989, khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, anh mới bắt tay vào công việc trồng quất. Anh kể: “Tôi phải đạp xe từ Hà Nội xuống Văn Giang, tỉnh Hưng Yên để tìm mua những cây quất về ươm trồng. Đi từ sáng sớm đến chiều tối mới về. Về đến nhà, tôi đưa cây sang vườn trồng ngay. Thời gian đầu, tôi toàn trồng quất dưới đất, đến năm 2005, tôi bắt đầu thực hiện ý tưởng trồng quất nghệ thuật tạo hình trong những bình gốm”.

Theo anh Mạnh, để có được những bình quất bonsai dáng đẹp, người trồng phải mất ít nhất 2 năm chăm sóc. Cây quất được trồng trong các bình gốm từ khi còn nhỏ. Sau đó, quất được tỉa, uốn nắn thành các dáng khác nhau. Quất bonsai được các nhà vườn ở Tứ Liên tạo nhiều kiểu dáng như: Long giáng, phụng chầu, thác đổ… Quất trồng trong những chiếc bình, chậu gốm càng tôn vẻ quý phái, sang trọng cho cây. Một bình quất bonsai đẹp là thế phải có lá xanh, quả to đều, quả vàng phải xen lẫn quả ương, quả xanh, lộc, hoa lác đác… Cây đẹp không chỉ ở dáng mà còn phù hợp với chậu, lọ, bình. Trong quá trình tạo hình, anh phải theo dõi sát sao tình hình thời tiết để có cách chăm sóc cây phù hợp nếu không cây sẽ ra hoa rồi tàn nhanh không tạo được quả. Đặc biệt, trong những ngày Đông giá rét, anh phải căng bạt trong vườn để cây không bị nhiễm sương muối. Anh Nguyễn Huy Cảnh, một khách hàng đến từ huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội cho biết: “Nghệ thuật thì mỗi người thích mỗi kiểu, tôi thích quất cảnh Thế Mạnh bởi cây được trồng và chăm sóc một cách cẩn thận, chuyên nghiệp từ khâu bón phân, tưới nước, cho tới việc uốn nắn dáng thế cây, đảm bảo cây phát triển cho ra quả đều, có quả chín, quả xanh hội tụ đủ ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ”.

Hiện nay, ở Tứ Liên đã có hơn 400 hộ gia đình đến gặp trao đổi học tập kinh nghiệm và đầu tư trồng cây quất trong bình theo mô hình của anh. Vườn quất của Nghệ nhân Thế Mạnh còn là điểm du lịch tham quan. Mỗi tháng anh đón tiếp từ 35 đến 50 khách nước ngoài. Anh cho biết: Vườn quất nhà tôi hiện có hơn 500 cây có nhiều thể loại từ nhỏ đến to, cây dăm ba quả đến cây hàng trăm quả các kiểu dáng. 2021 là năm Tân Sửu, tôi nghĩ ra cách trồng quất trong những chú trâu đất nung được đặt mua từ làng gốm Bát Tràng. Mỗi chú “trâu vàng cõng quất” có giá từ 2-9 triệu đồng tùy kiểu dáng”. Trên cùng một diện tích trồng quất cảnh, trước đây thu hoạch trừ chi phí chỉ thu được 50-70 triệu đồng/năm, thì những năm gần đây, gia đình anh thu được từ 700-900 triệu/năm.

Khách nước ngoài tham quan vườn quất của nghệ nhân Bùi Thế Mạnh.

Nối dài đam mê

Có đến đây, mới thấy hết sự công phu của người trồng quất, mới thấy được ý thức tìm tòi, sáng tạo ra những dòng sản phẩm độc đáo và đáp ứng thị hiếu người chơi của nghệ nhân Bùi Thế Mạnh. Để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, đồng thời, để thỏa mãn đam mê uống trà, anh Mạnh đã nghiên cứu làm ra món ẩm thực đặc biệt trà quất. Mời chúng tôi vào nhà, pha một ấm trà quất để thưởng thức. Bên những ly trà nóng hổi, ngào ngạt hương quất, nhấp từng ngụm nhỏ, chúng tôi uống chậm rãi để cảm nhận trọn vẹn hương vị tinh dầu quất thơm dịu hòa cùng với vị trà. Sau khi thưởng thức trà quất ai cũng chung cảm giác ấm áp trong lòng, tinh thần sảng khoái, nhẹ nhàng, thanh thoát… Anh Mạnh chia sẻ: “Để làm được trà ngon, đúng vị phải sát sao, tỉ mẩn trong từng công đoạn. Trà ủ trong quất phải ngon, quất phải sạch không phun thuốc, chế biến bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Cách dùng đơn giản, cho một đến hai quả vào cốc hoặc ấm, chế nước sôi vào, sau 3 phút bắt đầu thưởng thức trà”. 

Vừa thưởng thức tinh hoa trà quất Thế Mạnh vừa ngắm những chậu quất cảnh màu vàng cam rực rỡ của quả xen lẫn màu xanh tươi của lá theo chân khách ra về và nụ cười hồ hởi trên gương mặt của nghệ nhân Bùi Thế Mạnh, chúng tôi thấy mùa Xuân đang đến mọi nhà.

Hữu Thu


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ