A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trung Quốc mở rộng kho vũ khí hạt nhân

 

QPTĐ-Phát biểu báo chí (ngày 1/7), Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ N.Price bày tỏ sự quan ngại về việc Trung Quốc mở rộng nhanh chóng kho vũ khí hạt nhân; đồng thời, kêu gọi Bắc Kinh phối hợp tìm biện pháp giảm nguy cơ cuộc chạy đua vũ trang đang âm thầm diễn ra giữa các cường quốc.  

Tên lửa đạn đạo DF-41 của Trung Quốc. (Ảnh: Internet)

Theo đó, hình ảnh từ vệ tinh cho hay, Trung Quốc đang xây dựng 119 hầm phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tại huyện Ngọc Môn, tỉnh Cam Túc. Nếu cộng với một số cơ sở khác ở vùng sa mạc phía Tây nước này thì số hầm phóng được nâng lên con số 145. 

“Những thông tin này và các diễn biến khác cho thấy, kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc sẽ mở rộng ngày càng nhanh chóng, lên mức cao hơn so với ước đoán trước đây. Chúng tôi khuyến khích Bắc Kinh phối hợp để tìm ra giải pháp thiết thực nhằm giảm rủi ro các cuộc chạy đua vũ trang gây mất ổn định chiến lược”-Ông N.Price nói.  

Đồng nhất với giới ngoại giao Mỹ, nhiều tờ báo cũng đưa ra nhận định. “Tôi tin rằng, Trung Quốc đang mở rộng lực lượng hạt nhân để duy trì lực lượng răn đe có thể tồn tại sau đợt tấn công đầu tiên của Mỹ với số lượng đủ để đánh bại các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ”-Bình luận báo Washington Post viết. 

Theo báo cáo của Lầu Năm Góc trình Quốc hội Mỹ, Trung Quốc có khoảng 320 đơn vị hạt nhân và sẽ tăng lên gấp đôi trong thập niên tới. Tuy nhiên, kho vũ khí hạt nhân của Bắc Kinh còn thấp hơn nhiều so với khoảng 3.800 đầu đạn của Mỹ sẵn sàng tác chiến. 

Được biết, dịp cuối năm 2020, Hiệp ước START về kiểm soát vũ khí hạt nhân Nga-Mỹ hết liệu lực vào tháng 2/2021, Nhà Trắng kêu gọi Trung Quốc cùng Nga, Mỹ đàm phán ba bên để tiến tới ký một hiệp ước kiểm soát vũ khí mới. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã thẳng thừng bác bỏ với lý do, kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc quá nhỏ so với Nga, Mỹ hoặc Bắc Kinh chỉ đàm phán hạt nhân với Mỹ khi Washington cắt giảm số vũ khí hạt nhân tương đương với số Bắc Kinh hiện có. 

Việc Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ sự quan ngại đối với chương trình ưu tiên phát triển “nóng” hệ thống tên lửa, hạt nhân của Trung Quốc không phải là không có cơ sở. 

Đầu tháng 6 vừa qua, tờ Thời báo Hoàn Cầu-cơ quan của Đảng Cộng sản Trung Quốc đăng bài xã luận nêu rõ, Trung Quốc củng cố chương trình hạt nhân là yếu tố sống còn với “khả năng răn đe chiến lược” của Bắc Kinh trước Mỹ. “Chúng ta phải chuẩn bị cho một cuộc đọ sức căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ. Số lượng đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc phải đạt đến một con số đáng kể khiến giới tinh hoa Mỹ quan ngại nếu có ý định tham gia vào một cuộc đối đầu quân sự”. 

Tiếp theo, người bình luận báo này đưa ra các dẫn chứng về sự leo thang căng thẳng trong quan hệ Trung-Mỹ trong những năm qua bao gồm vấn đề Hong Kong, Đài Loan, biển Đông, Tân Cương, tranh chấp thương mại, thuế quan, nguồn gốc và thái độ đối với dịch Covid-19. 

Vào giữa tháng 6, tờ báo trên đưa tin, một lữ đoàn tên lửa của Quân đội Trung Quốc (PLA) tập trận ban đêm, phóng tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26 “sát thủ tàu sân bay”. Theo đó, DF-26 là tên lửa đa nhiệm phóng từ mặt đất với tầm bắn hơn 4.000 km, có khả năng tiêu diệt các mục tiêu trên mặt đất và trên biển; đồng thời, có khả năng chống hạm, giống như DF-21D, “sát thủ Guam”. 

Trong cuộc duyệt binh mừng Quốc khánh Trung Quốc (10/2019), PLA phô diễn xe chở tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-41 và một số loại tên lửa chiến lược tầm xa trong biên chế. DF-41 mang 10 đầu đạn hạt nhân, tầm bắn xa hơn 10.000 km, có thể vươn tới lục địa Mỹ. 

Phát biểu tại Diễn đàn Hòa bình thế giới do Đại học Thanh Hoa và Viện Đối ngoại nhân dân Trung Quốc tổ chức (ngày 3/7), Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị chỉ trích Mỹ trong hàng loạt các vấn đề toàn cầu và cáo buộc Mỹ cùng các đồng minh của Mỹ mang tâm lý Chiến tranh Lạnh đã lỗi thời. “Trung Quốc ngày nay không còn là đất nước của 100 năm trước”-Ông Vương Nghị cảnh báo. 

Để đối trọng với sự gia tăng tiềm lực quân sự của Nga, Trung Quốc, Nhà Trắng vừa đệ trình Quốc hội Mỹ khoản chi tiêu ngân sách quốc phòng năm 2022 lên 752,9 tỉ USD, cao hơn 1,7% so với năm 2021, trong đó có 715 tỉ USD chi trực tiếp cho Lầu Năm Góc. Mỹ không giấu giếm ý định, tập trung hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân để đối phó với Trung Quốc. 

Chính phủ của ông J.Biden đưa ra kế hoạch tiêu tốn 60 tỉ USD đầu tư vào bộ ba hạt nhân chiến lược, 34,6 tỉ USD trang bị cho hải quân, hơn 12 tỉ USD mua sắm tiêm kích tàng hình thế hệ 5: F-35. Một nguồn chi khá lớn được dành để cải thiện năng lực chỉ huy, kiểm soát hạt nhân cũng như các nền tảng phóng vũ khí hạt nhân. Quân đội Mỹ đang xúc tiến chương trình hiện đại hóa vũ khí hạt nhân trong thập niên tới tiêu tốn 1.200 tỉ USD.

Cùng với đó, Lầu Năm Góc đưa ra “Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương” tập trung vào các giải pháp đối phó với Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương và nhằm mục đích tăng cường sự sẵn sàng của Mỹ trong khu vực thông qua việc cấp ngân sách nâng cấp, hiện đại hóa các hệ thống vệ tinh, radar, tên lửa, phát triển hệ thống vũ khí siêu thanh.

Hiện, Nga và Mỹ đang xúc tiến các cuộc tiếp xúc thảo luận Hiệp ước SATRT-3 về kiểm soát vũ khí hạt nhân gây nhiều tranh cãi trong thời gian qua. Đây cũng là thỏa thuận duy nhất còn lại giữa Nga và Mỹ về kiểm soát vũ khí. 

Trong năm qua, Mỹ đơn phương tuyên bố, hủy Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) Nga-Mỹ đã tồn tại hơn ba chục năm. Cả Nga và Mỹ đều cáo buộc lẫn nhau vi phạm Hiệp ước INF. Gần đây, hai nước hủy Hiệp ước Bầu trời mở (OST) đã ký với gần ba chục quốc gia, chủ yếu là các nước châu Âu. 

Theo giới chuyên gia, lòng tin giữa các cường quốc: Nga-Mỹ-Trung không có cơ sở tồn tại, khiến các cam kết giữa các nước liên tục bị đổ vỡ, trong đó có lĩnh vực kiểm soát vũ khí, nhất là vũ khí hạt nhân. 

 HÀ NGỌC


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ