A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thế giới 2020:  Đại dịch-Đại khủng hoảng-Đối đầu và xung đột 


QPTĐ-Năm 2020 chậm chạp đi qua. Thế giới phải gồng mình gánh chịu những thảm họa kinh hoàng do dịch bệnh tràn lan, thiên tai tàn phá cùng với nguy cơ khủng bố và xung đột vũ trang. Có thể khẳng định, bức tranh về tình hình thế giới năm qua khá ảm đạm, khái quát bằng “3Đ”: Đại dịch- Đại khủng hoảng kinh tế- Đối đầu và xung đột vũ trang.

Nước Mỹ chia rẽ sâu sắc sau bầu cử Tổng thống.

1 Năm 2020-“Một năm u ám của nhân loại. Châu Âu sẽ đi đến tận diệt của sự tồn tại khi rơi vào tay những kẻ Hồi giáo cực đoan. Sự tận diệt của châu Á được gây ra bởi nhiều thiên tai và thảm họa thiên tai”. Lời tiên đoán của nhà tiên tri mù nổi tiếng người Bulgaria B.Vanga đã phần nào ứng nghiệm. 

Đầu năm 2020, hàng triệu người ở một số nước châu Âu bị dương tính với căn bệnh lạ SARS-CoV.2, có nguồn gốc từ Vũ Hán (Trung Quốc), bắt đầu từ tháng 12/2019. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chậm chạp “vào cuộc”, gọi ra dịch Covid-19; đồng thời, tuyên bố đại dịch toàn cầu. Thế giới lúng túng đối phó với loại dịch bệnh mới, không quốc gia nào có vắc-xin tiêm phòng, không có thuốc đặc trị. 

Đến quý II-2020, đã có hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ toàn cầu với 5 triệu người nhiễm bệnh, hơn 300.000 người tử vong. Con số tương ứng đó (cuối tháng 1/2021) là gần 100 triệu và hơn 2 triệu người; mỗi ngày có thêm 0,5 triệu ca bệnh và gần 9.000 người tử vong. Ba nước đứng đầu về số người nhiễm bệnh, tử vong là Mỹ, Ấn Độ, Brazil; tiếp đến là 7 quốc gia châu Âu: Nga, Anh, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Italy, Tây Ban Nha, Đức. Riêng Mỹ có hơn 400 ngàn người chết, nhiều hơn số người Mỹ chết trong 4 năm Thế chiến II. Đáng nói, dịch Covid-19 vẫn đang lan mạnh giai đoạn 3 ở nhiều nước, trong khi các nhà khoa học mới tìm ra vắc-xin phòng dịch.

2 Căng thẳng trong các mối quan hệ giữa các cường quốc kinh tế, quân sự là điểm nổi bật được ghi nhận trong năm 2020. Cùng với đó, tranh chấp biên giới, lãnh thổ, xung đột khu vực không có chiều hướng giảm bớt. Trước hết là mối quan hệ gay cấn, phức tạp giữa ba cường quốc: Mỹ, Nga, Trung Quốc.

Sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ vẫn coi Nga là đối thủ truyền thống, kẻ thù số 1. Mỹ và phương Tây liên tục gia tăng các biện pháp cấm vận Nga từ sau sự kiện Crimea năm 2014. Mỹ không ngừng mở rộng NATO, cảnh báo châu Âu về “nguy cơ xâm lược từ Nga”. Mỹ đưa Trung Quốc vào danh sách “đối thủ” và trực tiếp đối đầu qua cuộc chiến thương mại, thuế quan, cạnh tranh ảnh hưởng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, kiềm chế sự trỗi dậy của Bắc Kinh. 

Mỹ tái cấm vận Iran, hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân với Tehran; hậu thuẫn phe đối lập ở Venezuela, đưa Cuba vào danh sách “quốc gia bảo trợ khủng bố”, khiến các mối quan hệ thêm căng thẳng. Châu Âu, Trung Đông, Bắc Phi bất ổn bởi sự trỗi dậy của Cách mạng Màu; xung đột vẫn diễn ra ở Syria, Libya, Yemen, Armenia-Azebaizan; bất ổn ở Ukraine, Belarus, Kyrgyzstan. Khủng bố quốc tế đe dọa nền an ninh, thịnh vượng toàn cầu.

3 Đại dịch và “chiến tranh thương mại” khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào thảm họa, tăng trưởng âm, mức suy giảm tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái toàn cầu những năm 1930. Năm qua, các nước G-7, G-20 đưa ra các con số tổng kết năm khá tiêu cực, mỗi quốc gia sụt giảm 3-5% GDP. Riêng Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ, có mức tăng tưởng 1,9% so với 6,1% (năm 2019).

Dịch bệnh khiến các quốc gia đóng cửa biên giới, hàng tỉ người mất việc làm, sống nhờ trợ cấp thất nghiệp. Bản thân mỗi nước cũng phát sinh những mâu thuẫn nội tại. Điện Kremlin phải đối mặt với sự trỗi dậy của phái đối lập. Trung Quốc đang gỡ khó trong mối quan hệ với Hong Kong, Đài Loan, khu vực Tây Tạng. Khối quân sự NATO bị chia rẽ sâu sắc bởi lợi ích dân tộc.

4 Dư luận thế giới và nước Mỹ chấn động bởi cuộc bầu cử Tổng thống thứ 46, đương kim Tổng thống D.Trump thất cử, ứng cử viên Đảng Dân chủ J.Biden trở thành Ông chủ Nhà Trắng. Sự trở lại chính trường của ông J.Biden sau 8 năm làm Phó tướng dưới thời Tổng thống B.Obama (2009-2017) không hẳn là điều mới mẻ hay dấu hiệu tốt lành với xứ sở Cờ hoa mà dường như đó là lời cảnh báo sự chia rẽ trong nội tình nước Mỹ, giữa các công dân Mỹ ủng hộ hai đảng lớn: Cộng hòa và Dân chủ. Thế giới cũng không kỳ vọng về chính sách đối ngoại bước ngoặt của ông J.Biden trong nhiệm kỳ 4 năm tới.

Hà Ngọc


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ