A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

OPEC+ tiếp tục cắt giảm sản lượng, hỗ trợ giá dầu thế giới

QPTĐ-Tổ chức OPEC+ gia hạn hạn ngạch sản xuất dầu trong năm nay đối với các thành viên trong cả năm 2025 (từ ngày 01/1 đến 31/12/2025) bao gồm tất cả 22 nước (12 nước OPEC và 10 nước đối tác do Arab Saudi và Nga dẫn dắt). Hạn ngạch gồm việc cắt giảm chính thức 2 triệu thùng dầu/ngày theo mục tiêu sản lượng được thống nhất ban đầu vào cuối năm 2022, tiếp tục duy trì từ quý III năm nay để hỗ trợ giá dầu. Đó là tuyên bố của OPEC+ sau Hội nghị trực tuyến các Bộ trưởng Năng lượng, Dầu mỏ diễn ra vào tuần đầu tháng 6 vừa qua.

OPEC+ gia hạn hạn ngạch sản xuất dầu trong năm nay đối với các thành viên để hỗ trợ giá dầu.  

Ảnh: Internet

Trong một tuyên bố riêng rẽ trên trang Web của OPEC, 8 quốc gia OPEC+ (bao gồm Arab Saudi, Nga, UAE, Iraq, Oman, Algeria, Kwait, Kazakhstan) công bố kế hoạch kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng tự nguyện 1,65 triệu thùng/ngày đến hết năm 2025 (lần đầu công bố vào 4/2023). Ngoài ra, 8 nước kể trên cũng gia hạn cắt giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng /ngày (công bố tháng 11/2023) cho đến tháng 9/2024.

Đó là cam kết của 8 nước sau Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng tại Riyadh (Arab Saudi). Việc cắt giảm sản lượng tự nguyện được khấu trừ khỏi hạn ngạch sản xuất tương ứng của các quốc gia OPEC+ đặt ra.  Phần cắt giảm sản lượng tự nguyện này sẽ được thu hẹp dần hằng tháng cho đến cuối tháng 9/2025 nhằm hỗ trợ sự ổn định của thị trường dầu thế giới.

Quyết định gia hạn mức cắt giảm sản lượng này được đưa ra trong bối cảnh giá dầu giao dịch ở mức gần 80 USD/thùng (cuối năm 2023) do những tác động về bất ổn kinh tế, tỉ lệ lãi suất cao và việc tăng sản lượng khai thác, cung ứng dầu từ Mỹ và các nước ngoài OPEC+. Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang phủ bóng đen lên nền kinh tế, trong đó có Trung Quốc, có khả năng giảm nhập khẩu dầu, đe dọa khả năng cải thiện về giá, trong khi lượng dầu dự trữ ở các nền kinh tế phát triển đang tăng, đủ sức ổn định điều tiết thị trường, đứng đầu là Mỹ.

Hiện, giá dầu thô ngọt nhẹ của WTI và Brent biển Bắc tăng nhẹ, trong phiên giao dịch tháng 6/2024 dao động ở mức 80,11và 84,30 USD/thùng, vẫn thấp hơn nhiều so với mong muốn của thành viên OPEC+. Cuối năm 2023, các chuyên gia dự báo, giá dầu thế giới sẽ cán mốc 100 USD/thùng vào cuối năm 2024 và năm 2025. Trong tuyên bố đưa ra ngày 2/6, các nước OPEC+ kỳ vọng các biện pháp mới nhất sẽ giúp “đạt được và duy trì trạng thái ổn định thị trường dầu mỏ, đồng thời đưa ra những định hướng dài hạn và minh bạch cho thị trường, dựa trên cách tiếp cận thận trọng, chủ động” của khối. OPEC+ cam kết, hạn ngạch sản xuất năm 2025 chủ yếu vẫn được duy trì như năm 2024.

Các nước OPEC+ đã nhất trí tăng sản lượng của UAE thêm 300.000 thùng/ngày lên 3,519 triệu thùng/ngày. Tiếp đó, Iran đã chứng minh là nhà sản xuất dầu thô lớn thứ 7 toàn cầu kể từ năm 2022, bất chấp các lệnh cấm vận, trừng phạt toàn diện, hà khắc của Mỹ, tập trung vào ngành dầu khí, nguyên tử, quốc phòng của Iran.

Iran vừa công bố sở hữu trữ lượng dầu lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau Venezuela và Arab Saudi. Năm 2023, Tehran xuất khẩu dầu đạt 35 tỉ USD. Năm nay, Chính phủ Iran đã ký các thỏa thuận trị giá 13 tỉ USD với các công ty trong nước nhằm tăng sản lượng dầu thêm 350.000 thùng mỗi ngày, trở lại vị thế xứng đáng của một cường quốc xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt.

Trong những tháng đầu năm nay, giá dầu thế giới không tăng, bất chấp tình hình không ổn định ở Trung Đông, Dải Gaza, biển Đỏ, Ukraine và vụ rơi máy bay khiến Tổng thống Iran E.Raisi thiệt mạng. Báo cáo thị trường của OPEC dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu là 2,2 triệu thùng/ngày năm 2024 và 1,8 triệu thùng/ngày năm 2025.

Trong thập kỷ vừa qua, Arab Saudi không chỉ là trụ cột của Tổ chức OPEC mà còn bắt tay với các đối tác, trong đó có Nga, sáng lập OPEC+, duy trì trật tự khai thác, xuất khẩu dầu mỏ nhằm hỗ trợ giá, không để dầu thô chạm đáy. Arab Saudi tự nguyện cắt giảm hơn 1 triệu thùng/ngày, chấp nhận đứng sau Mỹ với sản lượng khai thác hơn 9 triệu thùng/ngày (tương đương sản lượng của Nga), giảm hơn 10% năng lực thực tế so với giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất. Tuy nhiên, nguồn thu chính của quốc gia Hồi giáo này là dầu mỏ nên các tỉ phú “vàng đen” có nhiều tham vọng nhằm đẩy giá dầu, xuất khẩu số lượng lớn trong tương lai.

Nga phải đối mặt với vô vàn khó khăn bởi hơn 16.000 lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào các tổ chức, cá nhân Nga kể từ sau sự kiện Crimea năm 2014, là quốc gia chịu nhiều lệnh trừng phạt nhất toàn cầu. Từ năm 2022, sau khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine, châu Âu cấm vận nhập dầu từ Nga qua đường ống, áp giá trần dầu, bóp nghẹt nguồn cung ngân sách quân sự.

Moskva sớm tìm các bạn hàng tiêu thụ dầu, khí mới, trong đó có Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan nên sản lượng xuất khẩu vẫn được duy trì: 248 triệu tấn dầu thô (năm 2022), 242 triệu tấn (năm 2023), ký kết 241 triệu tấn (năm 2024); doanh thu (USD) 244,2 tỉ (năm 2021), 337,5 tỉ (năm 2022), 255 tỉ (năm 2023). Hai năm qua, Nga gặp cản trở, trục trặc vận hành Đường ống phương Bắc-1 và Đường ống phương Bắc-2 sang châu Âu, công suất 55 tỉ m3/năm/1 hệ thống nhưng Đường ống Thổ Nhĩ Kỳ công suất 33 tỉ m3 khí/năm lại hoạt động hết công suất. Nhiều quốc gia châu Âu phải tiêu thụ dầu, khí của Nga thông qua nước thứ 3, chịu giá cao gấp hơn 2 lần mua trực tiếp từ Moskva.

Bị EU gây khó, Nga vận hành 3 hệ thống dẫn khí đốt từ Nga sang Trung Quốc, chuyển cho quốc gia 1,4 tỉ dân Trung Hoa lên 98 tỉ m3 khí đốt giá rẻ mỗi năm. Riêng năm 2023, Trung Quốc nhập 107 triệu tấn dầu thô của Nga, giá bình quân 65 USD/thùng, tăng 25% so với năm 2022; nâng kim ngạch thương mại song phương hai nước đạt 240 tỉ USD (kế hoạch là 200 tỉ USD). Năm 2024, Trung Quốc, Ấn Độ vẫn là những bạn hàng tiêu thụ dầu mỏ số lượng lớn, giá ưu đãi từ Nga. Đây cũng là giải pháp đối phó lệnh trừng phạt của phương Tây với ngành dầu, khí Nga.

Tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St.Petersburg (SPIEF-27 diễn ra từ 5-8/6), có sự tham gia của đại diện 130 nước, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế,  Tổng thống Nga V.Putin tuyên bố: Năm 2023, Diễn đàn thu hút hơn 6.000 đại biểu đại diện cho 3.000 công ty từ 75 nước ký kết hợp đồng trị giá 3.800 tỉ ruble thì năm nay, hợp đồng ký lên đến 4.000-5.000 tỉ ruble (45-50 tỉ USD). Một trật tự thế giới đa cực mới đang được hình thành.

NHẬT MINH


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ