Nga-Mỹ: Hủy bỏ Hiệp ước Bầu trời mở
QPTĐ-Bộ Ngoại giao Nga thông báo, Moskva đã không còn là một bên của Hiệp ước Bầu trời mở (OST) kể từ ngày 18/12/2021.
Trước đó (5/2020), Tổng thống Mỹ đương nhiệm D.Trump tuyên bố, Mỹ sẽ rút khỏi hiệp ước này bởi “Nga đã nhiều lần vi phạm hiệp ước”. Và 6 tháng sau (11/2020), Nhà Trắng đã chính thức rút khỏi Hiệp ước OST, trong khi Nga vẫn duy trì tư cách thành viên. Vậy OST là gì?
Máy bay Tu-214ON được Nga dùng cho các chuyến bay trong khuôn khổ hiệp ước. (Ảnh: Internet)
Hiệp ước Bầu trời mở gồm 35 quốc gia thành viên, trong đó có Nga, Mỹ, Canada và nhiều nước châu Âu, ký kết năm 1992, có hiệu lực năm 2002 sau khi Chính phủ, Quốc hội các nước thành viên phê chuẩn.
OST cho phép Nga, Mỹ và các quốc gia thành viên thực hiện các chuyến bay trinh sát không vũ trang, giám sát không phận của nhau, công khai thu thập thông tin về các lực lượng và hoạt động quân sự của nhau. Đồng thời, được phép tiếp cận các dữ liệu liên quan, nhằm minh bạch hóa hoạt động quân sự của mỗi nước thành viên, đặc biệt tại Lục địa già và Nga, Mỹ.
OST nhằm củng cố lòng tin chiến lược, sự bố phòng vũ khí, quân sự, chuyển quân giữa Nga, Mỹ và NATO, không ngoài mục đích hướng đến sự ổn định an ninh châu Âu và thế giới. OST là yếu tố thiết yếu trong việc giám sát thực thi các thỏa thuận giải trừ quân bị ở châu Âu, là một trụ cột bảo đảm an ninh ở Lục địa già.
Trong thời gian gần hai chục năm duy trì OST, Nga đã thực hiện 646 chuyến bay và cho phép Mỹ và các nước tổ chức 449 chuyến bay qua không phận của mình. Đây được xem là động thái cởi mở giữa Nga và Mỹ, phương Tây sau Chiến tranh Lạnh và dường như không còn phù hợp nữa, nhất là sau sự kiện Crimea năm 2014, Nga và Mỹ, châu Âu gia tăng cấm vận trả đũa lẫn nhau.
Dưới thời Tổng thống D.Trump, thực hiện chính sách “Nước Mỹ trên hết”, Ông chủ Nhà Trắng đã rút Mỹ khỏi một loạt các cam kết quốc tế. Tổng thống D.Trump cũng đơn phương tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) giữa Nga và Mỹ, Hiệp ước Bầu trời mở (OST).
Ngoài cáo buộc Nga “nhiều lần vi phạm”, giới chuyên gia quân sự cho rằng, Mỹ đang bị lép vế so với Nga, đi sau Nga về thiết bị ghi hình qua các cuộc trinh sát nên duy trì OST có lợi cho Nga. Lầu Năm Góc tính toán, Mỹ vẫn có thể sử dụng các tài liệu về Nga thông qua các thành viên OST là đồng minh của Mỹ trong khối NATO, trong khi không cho phép máy bay trinh sát Nga bay qua Mỹ.
Tháng 1/2021, ông J.Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ, Moskva và Washington đã kịp gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) vào tháng 2/2021 thêm 5 năm, đến năm 2026. Đây cũng là hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân cuối cùng còn hiệu lực giữa hai cường quốc Nga, Mỹ.
Cuối tháng 5/2021, Tổng thống J.Biden tuyên bố, Mỹ không có ý định quay trở lại Hiệp ước OST. Quyết định của Ông chủ Nhà Trắng được chính thức thông báo với Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các đồng minh, đối tác của Mỹ.
Đáp trả lại Mỹ, Bộ Ngoại giao Nga (1/2021) thông báo, bắt đầu khởi động quy trình trong nước để rút khỏi OST, sau khi Mỹ rút khỏi hiệp ước này. Tổng thống Nga V.Putin (11/5) trình Duma quốc gia Nga dự luật rút khỏi OST và được Hạ viện Nga nhất trí thông qua ngày 19/5. Hiệp ước Bầu trời mở củng cố đáng kể lòng tin trong lĩnh vực quân sự, tuy nhiên, quyết định của Mỹ rút khỏi OST đã làm lung lay cán cân lợi ích quốc gia của các nước tham gia, đe dọa lợi ích an ninh quốc gia của Liên bang Nga-Nghị quyết của Duma quốc gia Nga nhấn mạnh.
Trong một tuyên bố, Điện Kremlin nêu rõ: Nga rút khỏi OST bởi sự bất công khi Mỹ vẫn nhận được thông tin tình báo thông qua đồng minh NATO là thành viên hiệp ước, trong khi chính quyền của Tổng thống J.Biden không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ quay trở lại tuân thủ hiệp ước này. Sự đổ vỡ của OST khi Mỹ và Nga đều rút khỏi cho thấy, niềm tin chiến lược giữa các quốc gia thành viên đang bị lung lay, an ninh châu Âu đang bị đe dọa. Việc hai cường quốc Nga, Mỹ rút khỏi OST khiến vai trò, ý nghĩa của hiệp ước này giảm đi rõ rệt.
Trên thực tế, khủng hoảng niềm tin giữa Nga và Mỹ, phương Tây đã chạm đáy, bùng phát mâu thuẫn từ sau sự kiện Crimea năm 2014, dẫn đến các đòn trừng phạt của Mỹ, châu Âu áp đặt vào Nga. Mỹ và NATO tổ chức hàng loạt các cuộc tập trận trên lãnh thổ các nước châu Âu, là thành viên, đối tác của NATO, áp sát biên giới Nga. NATO thúc đẩy chiến lược phát triển thành viên hướng Đông, cấp vũ khí sát thương cho Ukraine hòng phát động một cuộc chiến chống lại Nga.
Gần đây nhất, Mỹ và NATO đưa thông tin, Nga điều động hơn 100.000 binh sĩ cùng các loại vũ khí, phương tiện kỹ thuật quân sự áp sát biên giới Ukraine, chuẩn bị một cuộc tấn công xâm lược nước này, dự kiến vào khoảng tháng 2/2022. Hàng loạt các tuyên bố của Mỹ, NATO, Hội nghị cấp cao G7 được đưa ra, cảnh báo Nga sẽ phải chịu hậu quả khủng khiếp nhất về kinh tế và ngoại giao nếu tấn công quân sự Ukraine.
Trong những này cuối tháng 12, Tổng thống Ukraine V.Zelensky đã tiến hành hàng loạt cuộc điện đàm với hơn 20 nghị sĩ và thành viên Quốc hội Mỹ để bày tỏ quan ngại về cuộc chuyển quân của Nga ở khu vực biên giới và những căng thẳng lâu nay ở vùng miền Đông Donbass, có phe dân quân ly khai trỗi dậy.
Chính phủ Kiev vẫn trung thành với chính sách “gần Mỹ, xa Nga”, theo đuổi giấc mộng gia nhập NATO và EU, bất chấp việc Moskva đưa ra “lằn ranh đỏ” nếu Kiev là thành viên NATO và tổ chức này triển khai vũ khí, phương tiện quân sự trên lãnh thổ Ukraine.
Ngày 25/12 vừa qua, Nga đưa ra hình ảnh vệ tinh cho thấy, Moskva đã tổ chức diễn tập bắn đạn thật tại Crimea, Rostov, Kuban khu vực phía Nam. Sau khi hoàn thành tập trận theo kế hoạch, hàng chục ngàn binh sĩ Nga đã rút khỏi các khu vực biên giới phía Bắc, phía Đông và miền Nam nước Nga.
Điện Kremlin khẳng định, Nga không có kế hoạch tấn công Ukraine nhưng cũng cảnh báo, an ninh của Nga bị đe dọa nếu Mỹ và NATO vượt qua “lằn ranh đỏ”.
HÀ NGỌC