Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine
QPTĐ-Quân đội Ukraine không đủ sức kháng cự, thủ đô Kiev sẽ thất thủ chỉ trong vòng 1 tuần lễ trước sức tấn công của Nga-Đó là nhận định của các hãng thông tấn phương Tây sau khi Điện Kremlin tuyên bố chiến dịch quân sự đặc biệt ở vùng miền Đông Donbass (bắt đầu từ 24/2), Nga kêu gọi các lực lượng Ukraine hạ vũ khí.
Xe tăng Nga ở trong sân bay quân sự gần Thủ đô Kiev của Ukraine. (Ảnh: Internet)
Ngay trong 3 ngày đầu tiên (24-26/2) Nga động binh, đã có 1.067 cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine bị phá hủy, nhằm “phi quân sự hóa Ukraine”, bảo vệ người dân Donbass. Các căn cứ ở Konotop, Sumy, Kharkiv, Chernigov, Kherson, Odessa, Mariupol, nơi có sân bay, bến cảng, kho vũ khí, các vị trí chiến lược phải hứng chịu hàng trăm tên lửa và các vũ khí tấn công chính xác của Nga.
Đặc nhiệm lính dù Nga đã giành quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Chernobyl miền Bắc Ukraine và sân bay chiến lược Hostomel, ngoại ô cách trung tâm thủ đô Kiev 10 km ngay buổi sáng 24/2. Moskva tuyên bố, không tấn công mục tiêu dân sự và thành phố, tránh gây thương vong cho thường dân.
Chính quyền Kiev cáo buộc, khoảng 130 ngàn binh sĩ Nga đã áp sát biên giới Ukriane. Nga tấn công nước này bằng nhiều hướng từ đường bộ, đường biển và đường không. Xe tăng, xe bọc thép, binh sĩ Nga tiến vào nước này từ Crimea, Belarus và Donbass.
Trên tuyến đường bộ, Nga sử dụng xe tăng T-72B3, T-80, T-90, xe thiết giáp BMPT-72. Trên không là các máy bay ném bom Tu-95MS, Tu-160MS, Tu-23M3; máy bay tiêm kích Su-27, Su-35; trực thăng tấn công và vận tải Mi-8, Ka-52. Hỏa lực và tên lửa Nga đã phát huy thế mạnh, khai hỏa dồn dập, xóa sổ hàng trăm mục tiêu ngay từ đòn tấn công đầu tiên bằng tên lửa hành trình mặt đất 3M14 Kalibr, tên lửa hành trình phóng từ máy bay (Kh-101, Kh-55), tên lửa đạn đạo Iskander-M (9M723), tên lửa siêu thanh Kh-31P. Ngoài ra, dàn pháo BM-30 Smerch- “Cơn lốc” mang 12 đầu đạn 300 mm-250 kg, bắn xa 20-90 km, có thể quét sạch mọi vật trên diện tích rộng 70 ha.
Nga cho biết, đã thu giữ một lượng lớn vũ khí của phương Tây trang bị cho Ukraine bao gồm tên lửa chống tăng FGM-148 Javelin (Mỹ), tên lửa chống tăng MBT NLAW do Anh sản xuất. Từ tháng 1 vừa qua, Kiev nhận được 1.500 tấn vũ khí, đạn dược của phương Tây, riêng Mỹ cấp số vũ khí trị giá 600 triệu USD trong tổng số gần 3 tỉ USD đã hỗ trợ giai đoạn 2014-2022.
Điểm đỉnh căng thẳng dẫn đến đòn tấn công của Nga, ngày 21/2, Tổng thống Nga V.Putin ký sắc lệnh công nhận độc lập đối với 2 vùng ly khai Donbass, bất chấp cảnh báo của Mỹ và phương Tây. “Tôi tin rằng, cần phải đưa ra một quyết định mà lẽ ra phải làm từ lâu, đó là công nhận độc lập và chủ quyền của Cộng hòa nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa nhân dân Lugansk (LPR)”-Tổng thống Nga phát biểu trên truyền hình Nhà nước Nga.
Moskva ký các hiệp ước với Donetsk và Lugansk bao gồm 31 điểm. Hiệp ước cho phép các bên có quyền xây dựng, sử dụng và cải thiện hạ tầng, căn cứ quân sự trên lãnh thổ của nhau; cấm các bên tham gia vào bất kỳ khối hoặc liên minh nào chống lại bên còn lại; không cho phép sử dụng lãnh thổ của họ để phát động một cuộc tấn công chống lại nhau. Hiệp ước quy định phải bảo vệ bản sắc dân tộc, ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo của các dân tộc thiểu số trên lãnh thổ của họ, quy định bảo đảm quyền tự do đi lại; hội nhập nền kinh tế của các bên.
Được biết, vùng Donetsk và Lugansk tuyên bố ly khai khỏi Ukraine từ năm 2014, xung đột với chính quyền trung ương Kiev đã khiến 15.000 người thiệt mạng, 1,4 triệu người mất nhà cửa, vùng công nghiệp miền Đông trở thành bãi chiến trường. Chính phủ Ukraine, 8 năm qua, cắt cung cấp tài chính, thôi trả lương cho công chức chính quyền, cắt cung cấp điện, nước và dịch vụ khác đối với người dân miền Đông. Những năm qua, đời sống vùng Donbass do viện trợ nhân đạo của Nga.
Căng thẳng miền Đông Donbass và Crimea gây bất đồng, khiến Mỹ, phương Tây trừng phạt Nga từ năm 2014. Kiev dưới thời Tổng thống P.Poroshenko, hiện là V.Zelensky, trung thành với chính sách “bài Nga, thân Mỹ”, quyết gia nhập khối quân sự NATO do Mỹ cầm đầu và Liên minh châu Âu (EU).
Tháng 12/2021, Nga đưa đề xuất an ninh châu Âu bao gồm 8 điểm, gửi Mỹ và NATO, trong đó cảnh báo “lằn ranh đỏ”: NATO hướng Đông, kết nạp Ukraine là thành viên, không triển khai vũ khí, binh sĩ ở các nước Đông Âu thuộc Liên Xô cũ. Tuy nhiên, đề xuất của Nga bị Mỹ và NATO thẳng thừng bác bỏ.
“Mỹ đã rút khỏi hiệp ước về tên lửa tầm trung và tầm ngắn. Tên lửa Tomahawh sẽ tới Moskva trong vòng 35 phút, tên lửa đạn đạo từ Kharkov sẽ tới trong 7-8 phút và chỉ mất 4-5 phút để các vũ khí tấn công siêu âm thực hiện điều này. Nó giống như dao kề vào cổ (Nga)”-Tổng thống V.Putin nói: “Nga không muốn chiến tranh”.
Phản ứng trước động thái của Moskva, Mỹ thông báo trừng phạt Tổng thống Nga V.Putin, Ngoại trưởng S.Lavrov, Bộ trưởng Quốc phòng S.Shoigu, Tổng Tham mưu trưởng V.Gerasimov, tổng cộng hơn 500 quan chức, nghị sĩ Nga. Thủ tướng Anh B.Johson ủng hộ Mỹ, kêu gọi cắt Nga khỏi mạng lưới thanh toán quốc tế SWIFT. EU áp lệnh trừng phạt tối đa, đóng cửa không phận với Nga. Nhật Bản trừng phạt về tài chính, xuất khẩu thiết bị quân sự của Nga. Đức, Anh, Pháp, Ba Lan, Canada tiếp tục gửi vũ khí, đạn dược cho Ukraine.
Mỹ và NATO không gửi quân đội tới Ukraine nhưng tìm cách ngăn cuộc chiến leo thang sang Ba Lan, vùng Baltic: Latvia, Estonia, Lithuania; kêu gọi các nước thành viên đưa binh sĩ áp sát sườn phía Đông Nga.
Căng thẳng, xung đột ở Ukraine khiến giá xăng dầu thế giới tăng lên hơn 100 USD/thùng, giá vàng tăng, chứng khoán lao dốc.
Sau tuyên bố bác bỏ “tối hậu thư” của Nga và quyết tâm “chiến đấu đến cùng”, Tổng thống Ukraine V.Zelensky (27/2) đã cử đoàn quan chức cấp cao đến Belarus, đàm phán với Nga.
Ngày 27/2, Tổng thống Nga V.Putin đặt lực lượng răn đe hạt nhân-bao gồm các loại vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo trở thành xương sống của lực lượng này, trong tình trạng báo động, sẵn sàng nhận nhiệm vụ chiến đấu đặc biệt.
LINH AN