A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hệ thống bảo vệ cho xe chiến đấu bọc thép

 

QPTĐ-Xuất phát từ xu hướng phát triển của các loại đạn, tên lửa chống tăng, cũng như các thiết bị nổ tự tạo ngày càng hiệu quả, thông minh, nên việc tăng cường khả năng bảo vệ cho xe chiến đấu bọc thép là vấn đề được các quốc gia quan tâm và đang tích cực nghiên cứu, phát triển. Theo các nhà nghiên cứu khoa học quân sự, việc nâng cao khả năng sống còn cho xe chiến đấu bọc thép hiện nay gắn liền với nghiên cứu, chế tạo một hệ thống bảo vệ nhiều lớp, bảo đảm sớm tiêu diệt đối phương từ xa, giảm xác suất bị trúng đạn và giảm thiểu thương vong khi vỏ giáp xe bị xuyên thủng. 

Lục quân Đức sẽ lắp hệ thống phòng vệ chủ động Trophy trên xe tăng Leopard 2A7. 

Đối với hệ thống bảo vệ thụ động, sẽ nghiên cứu lắp đặt những tấm chắn đạn chuyên dụng để bảo vệ thân xe, sử dụng tấm giáp bảo vệ dưới sàn để nâng cao khả năng chống mìn, chống thiết bị nổ tự tạo; tăng cường vỏ giáp phía trên nóc xe và sử dụng lớp sơn phủ ngụy trang để giảm bớt khả năng bộc lộ trong dải hồng ngoại. Việc ngăn chặn vỏ giáp bị xuyên thủng hiện nay được thực hiện bằng cách bổ sung giáp phản ứng nổ (ERA) lắp đặt trên nóc xe, hai bên sườn và bên ngoài thân xe (che phủ hơn 60% diện tích thân xe). Đối với khả năng ngụy trang, Nga đã đạt được những thành tựu lớn khi phát triển được bộ ngụy trang đặc chủng Nakidka, cho phép giảm hàng chục lần xác suất phát hiện xe tăng ở dải sóng ra đa, ở các dải hồng ngoại và quang học cũng được giảm đi nhiều lần. 

Để bảo vệ xe tăng khỏi các loại đạn, tên lửa chống tăng đang bay tới tấn công, xe còn được trang bị hệ thống bảo vệ chủ động, hệ thống chế áp quang-điện tử, hệ thống phát hiện bức xạ ladeser. Hiện nay, các hệ thống bảo vệ chủ động cho xe tăng, như: Afganit của Nga, Trophy của Ixraen có thời gian phản ứng là 300 micro giây, điều đó cho phép đánh chặn tên lửa bay với tốc độ 500m/s từ cự ly phóng 400m, cũng như đạn súng chống tăng RPG-7 bắn ở cự ly từ 30m đến 100m. Tác chiến cơ động trên bộ hiện đại sẽ không còn phân biệt tuyến trước và tuyến sau như truyền thống, vì vậy xe chiến đấu bọc thép thường xuyên được yêu cầu triển khai tới các khu vực nguy hiểm, bất kể nhiệm vụ của chúng là gì. Khả năng sống còn của xe có thể đạt được thông qua rất nhiều công nghệ bao gồm: Giảm tín hiệu bộc lộ, thiết bị cảnh báo ladeser, gây nhiễu, ngụy trang, giáp thụ động, giáp chủ động, giáp phản ứng nổ, hệ thống bảo vệ chủ động (APS) tiêu diệt mục tiêu cứng và mục tiêu mềm. Sử dụng các tấm giáp bổ sung hoặc công nghệ tự phòng hộ khác đều có xu hướng hy sinh khả năng cơ động của xe vì khối lượng tổng thể của xe tăng lên. Sự kết hợp vật liệu và gốm tạo ra nền tảng của thiết kế vỏ giáp.

Đình Tùng
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ