A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xung đột Ukraine có thể kích hoạt Thế chiến III?

QPTĐ-Hãng RT (19/11) đưa tin: Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang D.Medvedev, cựu Tổng thống Nga cho rằng, phương Tây đang cảm thấy “ngày càng mệt mỏi với chế độ Kiev,  đặc biệt là Tổng thống V.Zelensky”, “ông ta liên tục làm gia tăng căng thẳng, đưa ra thông tin không chuẩn xác để kêu gọi thêm viện trợ và vũ khí”. Phương Tây đang thúc giục Ukraine đối thoại với Nga, bởi Mỹ và khối quân sự NATO không muốn đối mặt với một cuộc chiến tranh thế giới mới. 

Không bên nào là người chiến thắng hoàn toàn trong cuộc xung đột Nga-Ukraine. (Ảnh: Internet)

“Mỹ, NATO và Liên minh châu Âu không muốn đoạn tuyệt hoàn toàn với Nga, gây nguy cơ xảy ra Thế chiến III. Do đó, các bên thường xuyên thực hiện nỗ lực nhằm kiềm chế chính quyền Kiev và khiến nước này tỉnh táo, thúc đẩy hướng đàm phán”-Cựu Tổng thống Nga nói.

Nhận định của ông D.Medvedev được đưa ra, ngay sau các phản ứng của phương Tây về việc một tên lửa phòng không do Liên Xô sản xuất rơi xuống khu làng ở biên giới Ba Lan-một thành viên NATO (15/11) phát nổ, khiến 2 người thiệt mạng. 

Lập tức, Chính phủ Kiev tuyên bố, Nga là thủ phạm phóng tên lửa này, hòng kích hoạt thái độ chống Nga của giới quân sự phương Tây, kỳ vọng NATO đối đầu với Nga. Ukraine và một số nhà lãnh đạo phương Tây hướng đến việc khởi động Điều 4, Điều 5 Hiệp ước NATO về hành động tự vệ, đánh trả khi một thành viên bị tấn công thì coi như tấn công vào cả khối.

Mỹ và nhiều chính trị gia phương Tây lại tỏ ra thận trọng. Tổng thống Mỹ J.Biden ủng hộ quan điểm của Tổng Thư ký NATO J.Stoltenberg cho rằng, không có bằng chứng nào cho thấy, tên lửa kia được phóng có chủ ý từ Nga. Ba Lan-quốc gia có thái độ mạnh mẽ chống Nga (ngày 18/11) tuyên bố, đây là “sự cố không may mắn, trên thực tế là không thể ngăn chặn”. NATO xác định, đó là loại tên lửa đánh chặn S-300 do quân đội Kiev phóng đi.

Tuy nhiên, Mỹ và một số nước thành viên NATO lại cho rằng, Moskva phải chịu trách nhiệm về vụ tên lửa rơi xuống Ba Lan vì nó xảy ra vào thời điểm Nga phóng tên lửa vào Ukraine trước khi hệ thống phòng không của Kiev đánh chặn. 

Cuộc xung đột ở Ukraine đã sang tháng thứ 9 kể từ khi Nga khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm “phi phát xít hóa”, “phi hạt nhân hóa” chính quyền Kiev  2/2022). Cuộc chiến không chỉ hao tiền, tốn của, gây thương vong cho hàng chục ngàn binh sĩ của Nga, Ukraine mà còn đẩy sự đối đầu giữa Nga và Mỹ, NATO, EU lên điểm đỉnh, nguy cơ xẩy ra một cuộc xung đột quân sự toàn cầu.

Được sự hậu thuẫn về vũ khí và tài chính của Mỹ, phương Tây, chính quyền Kiev đang phải căng mình chống đỡ  chiến thuật tấn công, hỗ trợ lực lượng ly khai miền Đông Donbass mở rộng, sáp nhập 4 tỉnh miền Đông và Nam vào Nga; hiện là các cuộc tấn công tên lửa tầm xa, phá hủy cơ sở hạ tầng, hệ thống năng lượng của Kiev.

Trong 2 ngày: 15, 17/11, Nga phóng khoảng 100 tên lửa mỗi ngày vào các thành phố của Ukraine như Odesa, Sumy, Vinnytsia, Kharkov, Poltava, trong đó thủ đô Kiev hứng chịu các cuộc tấn công dữ dội nhất. “Đây là cuộc tập kích tên lửa quy mô nhất của Nga vào Ukraine kể từ khi bắt đầu chiến dịch”-Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ M.Milley nhận xét.

“Tính đến thời điểm hiện tại, hơn 10 triệu người dân chúng tôi không có điện”-Tổng thống V.Zelensky tuyên bố trên truyền hình Ukraine (tối ngày 17/11). 

Trong cuộc họp báo (18/11), Thủ tướng Ukraine D.Shmyhal cho biết: “Nga liên tục tấn công tên lửa vào các cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng của chúng tôi, khiến người dân phải sống trong cảnh mất điện, mất nước cũng như thiếu hệ thống sưởi, đường dây liên lạc”, đồng thời kêu gọi châu Âu hỗ trợ các trang, thiết bị, năng lượng. 

Giới bình luận cho rằng, 2 cuộc tập kích tên lửa dữ dội kia là phản hồi trực tiếp của Nga với bài phát biểu trực tuyến của Tổng thống Ukraine tại Hội nghị G20 tổ chức ở Bali (15-16/11). Tổng thống V.Zelensky đưa ra “công thức hòa bình” gồm 10 điểm bao gồm đảm bảo an ninh hạt nhân, phóng xạ; an ninh lương thực, năng lượng; thả toàn bộ tù binh; tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ Ukraine và trật tự thế giới; Nga phải rút quân và ngừng các hoạt động thù địch, tránh leo thang căng thẳng và bồi thường thiệt hại chiến tranh. Chính phủ Kiev không thỏa hiệp về độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ để đổi lấy hòa bình. 

Bên lề Hội nghị G20, Tổng thống Pháp E.Macron gặp Ngoại trưởng Nga S.Lavrov, hối thúc Moskva đàm phán hòa bình với Kiev. Ngoại trưởng Nga cho biết, phát biểu của Tổng thống Ukraine tại G20 “chứa đầy luận điệu hiếu chiến, bài Nga”. “Ông ấy vẫn không nghe bất cứ lời khuyên nào từ phương Tây”. Theo ông S.Lavrov, dường như Mỹ đang âm thầm kêu gọi Kiev trở lại đàm phán với Nga. Tuần trước, Tướng Mỹ M.Milley nhận định, xung đột không thể chấm dứt bằng giải pháp quân sự, mùa Đông sẽ là cơ hội để các bên đàm phán về tình hình Ukraine. 

Tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ (14/11), Giám đốc CIA Mỹ W.Burus gặp người đồng cấp Nga S.Naryshkin trao đổi về rủi ro hạt nhân và sự ổn định chiến lược. Phát biểu với báo chí, Tổng thống J.Biden khẳng định: “Không có đàm phán nào về Ukraine mà không có Ukraine, vấn đề phải do chính Ukraine quyết định”.

Dưới thời Tổng thống J.Biden, Mỹ viện trợ cho Kiev hơn 19 tỉ USD. Tuần qua, Mỹ cung cấp thêm 2 hệ thống phòng không AMRAAMS giá 3 tỉ USD/1 hệ thống, nếu cấp đủ 6 hệ thống sẽ là 18 tỉ USD; giá 2,3 triệu USD/1 tên lửa, đắt gấp hơn 20 lần tên lửa đánh chặn Tamir Vòm Sắt (Israel); buộc các bên phải tính toán, khi tiền thuế của người dân Mỹ không thể ném mãi vào cuộc chiến này.

Với Nga cũng vậy. Tờ U.Pravda ước tính, 8 tháng qua, Nga phóng 1.235 tên lửa, tổng trị giá 5,54-6,81 tỉ USD; riêng đêm 15/11 vừa qua, chi phí phóng 100 tên lửa: Kh-101, Kh-555, Kh-59, 3M-54 Kalibr, Orion, Orlan-10 mất 0,5-1 tỉ USD. 

Đại hội đồng Liên hợp quốc (14/11) thông qua nghị quyết buộc Nga bồi thường tổn thất gây ra cho Ukraine, với 94 phiếu thuận, 14 phiếu chống, 73 phiếu trắng. Nga lên tiếng bác bỏ nghị quyết, cảnh báo phương Tây âm mưu “hành động ăn cướp” 300 tỉ USD ngoại hối Nga bị đóng băng và 30 tỉ USD của các nhà tài phiệt. 

NHẬT MINH


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ