A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nóng bỏng thị trường năng lượng toàn cầu

 

QPTĐ-Trong hai tuần đầu tháng 11, giá dầu thế giới tăng 10%, trở lại mức 90-95 USD/thùng sau tuyên bố của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+), từ tháng 11/2022, cắt giảm 2 triệu thùng dầu/ngày để giữ giá. Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) dự báo, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI và Brent sẽ lên 100-110 USD vào quý I/2023 nhanh hơn dự báo chỉ khoảng 95-100 USD/thùng. 

 

Công nhân làm việc tại nhà máy chế biến dầu thô Abqaiq thuộc Tập đoàn năng lượng quốc doanh Saudi Aramco của Saudi. (Ảnh: Internet)

Giá dầu thế giới tăng do xung đột ở Ukraine (từ 2/2022), Nga và các nước châu Âu bất đồng sâu sắc, nổ ra cuộc chiến cấm vận khiến khối EU lâm vào khủng hoảng năng lượng. Bình quân 5 năm (2016-2021) giá dầu thô ở mức 70 USD/thùng, tăng vọt lên 140 USD/thùng (3/2022), giữ mức 105 USD/thùng (quý I và II/2022). 

Theo hãng Reuters, giá dầu tăng, có nguyên nhân đến từ nhóm G7 bao gồm các nước: Mỹ, Anh, Pháp, Đức , Italy, Nhật Bản, Canada và khối Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố, áp trần giá dầu thô và các sản phẩm từ dầu của Nga  (ngày 5/12 tới), nhằm trừng phạt Moskva khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Được biết, G7 xác định mức trần, lấy trung bình theo lịch sử 63-64 USD/thùng. 

Hiện tại, nguồn cung năng lượng của Nga cho châu Âu chỉ còn 9% so với bình quân 40% những tháng, năm trước đó. Mỹ và các đối tác đã, đang cố gắng hết sức bù đắp lại sự thiếu hụt nguồn cung đến từ Nga nhưng châu Âu khó có thể tránh được khủng hoảng năng lượng khi mùa Đông đang tới. 

Tuy nhiên, các nhà sản xuất dầu mỏ và các công ty công nghiệp vũ khí Mỹ lại đạt doanh thu kỉ lục, đút túi hàng trăm tỉ USD lợi nhuận. 

Báo chí Mỹ đưa tin, tổng lợi nhuận ròng của các tập đoàn dầu khí có cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ, bao gồm các tập đoàn lớn, các công ty có quy mô trung bình, các nhà khai thác đá phiến độc lập đạt 200,24 tỉ USD trong quý II và III/2022. Đây là khoản lợi nhuận cao kỷ lục trong lịch sử kinh doanh dầu khí Mỹ, hưởng lợi từ thời kỳ bất ổn địa chính trị do cuộc xung đột Ukraine làm rung chuyển thị trường năng lượng toàn cầu. 

“Ngành Dầu khí Mỹ có thể ghi nhận mức kinh doanh kỷ lục trong năm 2022”-H.Eltorie, Giám đốc nghiên cứu vốn cổ phiếu khai thác dầu khí tại S&P Mỹ dự báo. Nhà kinh tế P.Molchanov (Ngân hàng Đầu tư Raymond James) nhận định: “Trong 5 năm qua, ngành Công nghiệp đã chuyển từ đào mỏ sang tập trung vào những gì cổ đông thực sự muốn, đó là lợi tức trên vốn. Cổ tức và mua lại cổ phiếu chưa bao giờ hào phóng đến thế”. 

Trước đó, Phố Wall đã yêu cầu các công ty ưu tiên lợi nhuận của cổ đông hơn các chiến dịch khoan đào tốn kém để theo đuổi tăng sản lượng ngày càng lớn. Năm nay, 50 nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới đã đầu tư hơn 300 tỉ USD, bằng một nửa so với năm 2013-năm đầu tư kỷ lục. 

Xung đột Ukraine, khiến doanh số bán vũ khí, phương tiện quân sự Mỹ cho châu Âu tăng vọt. Sau khi các thành viên NATO thống nhất chi đủ ngân sách quốc phòng 2% GDP/năm, Liên minh châu Âu cam kết tăng cường kho vũ khí với ngân sách 230 tỉ USD, riêng Đức chi 100 tỉ USD trong năm 2022 để hiện đại hóa quân đội. 

Tin vui dồn dập đến với các nhà sản xuất, cung cấp vũ khí, thiết bị quân sự Mỹ khi doanh số bán hàng đạt 82 tỉ USD, gần gấp đôi bình quân những năm trước đó. Theo Viện Nghiên cứu vũ khí Thụy Điển, Mỹ dẫn đầu thế giới về xuất khẩu vũ khí chiếm 33-35%/năm, thứ 2 là Nga: 23-25%, tiếp theo là Pháp, Đức, Trung Quốc…

Các nước thuộc khối quân sự NATO (do Mỹ chỉ huy) và EU cam kết sử dụng hơn một nửa ngân sách quốc phòng mua vũ khí Mỹ; trong đó, nhiều nước có tỉ lệ cao như Hà Lan 95%, Na Uy 83%, Anh 77%, Italy 72%. 

Nối tiếp truyền thống từ Thế chiến II, Mỹ vẫn là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu thế giới, các tập đoàn tư bản công nghiệp nhanh chóng giàu có nhờ những cuộc xung đột nổ ra-Báo giới phương Tây nhận xét. 

Trên thực tế, châu Âu vẫn đang loay hoay tìm giải pháp cho bài toán năng lượng, cung cấp khí đốt cho mùa Đông, năng lượng cho hàng ngàn nhà máy, giải quyết hơn 16 triệu việc làm và giá cả mua khí, điện tiêu dùng tăng vọt. 

EU lên kế hoạch, ngừng nhập khẩu dầu của Nga bằng đường biển (từ ngày 5/12/2022) và ngừng nhập khẩu toàn bộ sản phẩm hóa dầu của Nga (từ 5/2/2023), trong khi Mỹ, Anh, Canada đã ngừng hẳn nhập khẩu dầu của Nga. 

Tại cuộc họp (10/2022), nhóm G7 không đưa ra chương trình cụ thể áp trần giá dầu Nga mà chỉ cam kết, tiếp tục hợp tác để bảo đảm an ninh năng lượng và khả năng chi trả trên toàn G7 và các nước khác. Trong khi các nước: Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ không chấp nhận việc áp giá trần dầu của Nga. 

Bình luận về OPEC+ (do Arab Saudi và Nga dẫn dắt) cắt giảm thêm 2 triệu thùng dầu/ngày, bắt đầu từ tháng 11 này, chuyên gia kinh tế Anh A.Sen nói: “Đây là tín hiệu rõ ràng cho thấy, OPEC bất mãn với động thái áp giá trần lên dầu Nga. Bất kể việc áp giá trần có hiệu quả hay không, họ coi đây là một tiền lệ nguy hiểm”. 

Phản ứng trước các động thái của Mỹ và phương Tây, Phó Thủ tướng Nga A.Novak dự họp với OPEC+ khẳng định: “Những tiền lệ kia rất có hại cho thị trường năng lượng”. Nga không cung cấp dầu cho các nước áp giá trần đối với dầu Nga hoặc không thanh toán băng đồng nội tệ ruble. Trước đó, Nga đã sản xuất ít hơn 1 triệu thùng dầu/ngày so với hạn ngạch 11 triệu thùng/ngày kể từ tháng 9/2022 nên Nga không phải cắt giảm thêm, sẽ hưởng lợi từ việc giá dầu tăng cao. 

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo, việc giá dầu tăng đột biến có thể góp phần đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái. 

Vừa qua, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, bức tranh kinh tế toàn cầu khá ảm đạm, bởi Mỹ, Trung Quốc-hai nền kinh tế đầu tàu thế giới và châu Âu tăng trưởng chậm hoặc tăng trưởng âm. Ngược lại, kinh tế Nga không giảm mạnh như dự báo. 

Tại Hội nghị quốc tế về kiểm toán tối cao (ITOSAI) họp ngày 10/11, kiểm định: GDP của Nga năm 2022 giảm 3% so với dự báo 7% và sẽ tăng trưởng trở lại 2,6% giai đoạn 2024-2025; lạm phát 4% so với dự kiến ở mức 12% vào năm 2022. 

“Thâm hụt ngân sách có thể cao hơn dự báo nhưng Nga có biên độ an toàn và nguồn lực đủ mạnh để trang trải chi phí. Điều đó cho thấy, nền kinh tế Nga có tính linh hoạt cao”-A.Kudrin, Viện trưởng Kiểm toán, cựu Bộ trưởng Tài chính Nga nhận định. 

HÀ NGỌC


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ