A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nguy cơ thả nổi vũ khí hạt nhân toàn cầu?

QPTĐ-Phát biểu bên lề Hội nghị Geneva về Giải trừ quân bị, Thứ trưởng Ngoại giao Nga S.Ryabkov (2/3) cảnh báo: “Thế giới đang đứng trước mối đe dọa chiến lược nghiêm trọng nhất đến từ các chính sách của Mỹ và NATO. Phương Tây đang tìm cách thổi bùng thêm xung đột ở Ukraine và khơi mào căng thẳng xung quanh cuộc xung đột này”. 

Nga tuyên bố “đóng băng” Hiệp ước NEW START với Mỹ.
 Ảnh: TTXVN

Theo ông S.Ryabkov, những nỗ lực hiện thời của Mỹ và phương Tây trong cuộc xung đột Ukraine chẳng khác gì “đổ dầu vào lửa: “Sự can dự ngày càng tăng của Mỹ và NATO đối với các hành động thù địch có nguy cơ dẫn đến một cuộc đụng độ quân sự trực tiếp giữa các cường quốc hạt nhân, gây ra hậu quả thảm khốc”. 

Trước đó, trong Thông điệp Liên bang năm 2023 (ngày 21/2), Tổng thống V.Putin tuyên bố, Nga “đóng băng” Hiệp ước New START với Mỹ. Đây là thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân còn lại duy nhất giữa hai cường quốc hạt nhân Nga-Mỹ, kể từ khi Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) Nga-Mỹ năm 2019. 

Tổng thống V.Putin cáo buộc, phương Tây khiến nhiều khu vực trên thế giới rơi vào hỗn loạn. “NATO và phương Tây đã công khai nói về kịch bản cung cấp vũ khí hạt nhân cho chính quyền Kiev trước khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine”.

Bình luận về những động thái của phương Tây, cung cấp vũ khí hạng nặng, hỗ trợ quân sự và tài chính cho Ukraine, cựu Tổng thống Nga D.Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Nga tuyên bố: “Tất cả các cường quốc đều thấy rằng, nếu Mỹ muốn đánh bại Nga, sẽ hướng tới một cuộc xung đột trên quy mô toàn cầu. Nga có quyền tự vệ bằng bất kỳ loại vũ khí nào, kể cả vũ khí hạt nhân”. “Mỹ vẫn là quốc gia có lập trường thù địch với Nga”-Ông D.Medvedev nói.

Tuy nhiên, Nhà Trắng lên tiếng phản bác lại các cáo buộc của Điện Kremlin. “Mỹ và các quốc gia châu Âu không tìm cách kiểm soát hay phá hủy Nga. Phương Tây không có âm mưu tấn công Nga như ông V.Putin tuyên bố”-Tổng thống Mỹ J.Biden phát biểu trong chuyến thăm Ba Lan (ngày 21/2) và nhận định: “Moskva hủy bỏ New START là một sai lầm”. 

Hiệp ước New START Nga-Mỹ có hiệu lực từ năm 2011, trong đó quy định mỗi nước triển khai không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân và 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Hiệp ước có giá trị đến năm 2026, trong khi hai nước sở hữu 90% vũ khí hạt nhân toàn cầu, Nga có 5.977 và Mỹ 5.428 đầu đạn hạt nhân (số liệu tháng 12/2022). Những quốc gia có vũ khí hạt nhân từ vài trăm đến vài chục đơn vị bao gồm Trung Quốc, Anh, Pháp, Ấn Độ, Pakistan, Israel, Triều Tiên, có thể cả Iran.

Theo học thuyết hạt nhân của Moskva, Nga có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân nếu bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân hay vũ khí hủy diệt khác có thể đe dọa đến sự tồn vong của đất nước. Hiện, Moskva tạm dừng New START, dường như muốn kéo thêm các đồng minh của Mỹ có vũ khí hạt nhân tham gia hiệp ước và gây sức ép với phương Tây về vấn đề Ukraine. Tuy nhiên, Điện Kremlin tuyên bố, sẽ không sử dụng vũ khí hủy diệt khủng khiếp này ở Ukraine. 

Cuộc xung đột Ukraine đã bước sang tháng thứ 13 kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm “phi quân sự hóa”, “phi phát xít hóa” chính quyền Kiev (2/2022). Tình hình chiến sự vẫn diễn ra căng thẳng, đẫm máu ở vùng miền Đông Donbass, khiến cả đôi bên mất mát lớn về người, vũ khí và phương tiện. 

Giới chức phương Tây cho rằng, Ukraine đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, đã ngăn cản thành công bước tiến của Nga kỳ vọng đánh nhanh, thắng nhanh, nhờ sự hậu thuẫn vũ khí, tài chính của phương Tây, thậm chí, Kiev tuyên bố, sắp bước vào giai đoạn phản công, giành lại các phần đất đai bị chiếm đóng, kể cả Crimea. 

Nhiều quốc gia NATO đã viện trợ vũ khí cho Ukraine bao gồm tên lửa chống tăng, tổ hợp phòng không, trực thăng quân sự, máy bay không người lái, radar, pháo, đạn dược, xe bọc thép, xe quân sự, gần đây nhất là pháo phản lực phóng loạt HIMARS, xe tăng hạng nặng. Kiev kỳ vọng sẽ nhận được máy bay chiến đấu hiện đại như F-16, tên lửa tầm xa, bởi “Ukraine đang chiến đấu và đổ máu vì NATO”. 

Tính chung, phương Tây hỗ trợ cho Ukraine khoảng 150 tỉ USD. Mỹ là nước dẫn đầu với hơn 110 tỉ USD viện trợ quân sự, kinh tế và nhân đạo. Tuần qua, Nhà Trắng cấp gói viện trợ quân sự thứ 33 cho Kiev (kể từ tháng 8/2021), nâng tổng số hỗ trợ vũ khí lên hơn 32 tỉ USD. 

Tại Nhà Trắng (ngày 3/3), Tổng thống Mỹ J.Biden hội đàm với Thủ tướng Đức O.Scholz, hai bên cam kết tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine. Tổng thống J.Biden công bố gói viện trợ bổ sung trị giá 400 triệu USD bao gồm tên lửa cho hệ thống hỏa thần phản lực HIMARS, đạn pháo cho xe tăng, xe bọc thép. 

Đức hứa cấp thêm pháo hạng nặng, bệ phóng tên lửa Stinger, xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2. Berlin đã vượt qua điều quan ngại cấp vũ khí tấn công hạng nặng bởi không muốn gây căng thẳng với Moskva. Phương Tây kỳ vọng, các loại vũ khí tối tân, hiện đại này sẽ giúp Ukraine thay đổi cuộc chơi, tiến tới giành chiến thắng với Nga. 

Đáp lại các nỗ lực của Mỹ và phương Tây, phát biểu nhân Ngày “Bảo vệ Tổ quốc”, tuần qua, Tổng thống Nga V.Putin khẳng định: “Chúng ta sẽ tăng cường củng cố bộ ba hạt nhân, bao gồm tên lửa đạn đạo mặt đất, tên lửa đạn đạo trên tàu ngầm, máy bay ném bom hạt nhân, hiện đại hóa bằng vũ khí siêu thanh”. 

Tháng qua, Nga đưa tàu ngầm Hoàng đế Alexander III và các bệ phóng tên lửa liên lục địa RS-28 Sarmat (Qủy Sa-tăng) vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu. RS-28 mang 10 đầu đạn hạt nhân, có sức công phá khủng khiếp, có thể xóa sạch một diện tích bằng nước Pháp hoặc bang Texas Mỹ. 

Xung đột Ukraine đẩy châu Âu vào khủng hoảng năng lượng, Mỹ sẵn sàng thế chân Nga ở Lục địa già. NATO kêu gọi sớm tăng ngân sách quốc phòng đủ 2% GDP/năm, trong khi Ba Lan đã đạt 4% GDP/năm để mua 250 xe tăng M1A2, 32 tiêm kích hiện đại F-35, 96 trực thăng tấn công Apache từ Mỹ. Nhà máy Camden thuộc nhà thầu quốc phòng Mỹ Lockheed nhận hợp đồng 96 tổ hợp pháo phản lực HIMARS so với 48 tổ hợp đặt mua năm 2022 (mỗi tổ hợp giá 3 tỉ USD). 

Xung đột, chạy đua vũ trang là cơ hội vàng cho các tập đoàn quốc phòng, công nghiệp vũ khí nhận lại các món lợi nhuận béo bở kếch xù. 

Nhật Minh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ