NATO tập trận hạt nhân rầm rộ tại Bắc Âu?
QPTĐ- Lục địa già lại dậy sóng không chỉ bởi “chiến tranh” thông tin, truyền thông giữa phương Tây, EU và các quốc gia được xem là đối lập, có nguy cơ đe dọa an ninh mà đất trời khu vực Bắc Âu đang bị xáo trộn không khí thanh bình trong cuộc tập trận hạt nhân quy mô lớn của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mang tên “Steadfast Noon”.
Binh sĩ Na Uy tại căn cứ NATO ở Rukla, Latvia.
Ảnh: AP
Tham gia tập trận có 2.000 binh sĩ đến từ 13 quốc gia thành viên NATO, 60 máy bay chiến đấu, diễn tập trên lãnh thổ Bỉ, Hà Lan, khu vực Biển Bắc và Anh, nhằm “chứng minh năng lực của liên minh quân sự, khả năng ngăn chặn bất kỳ một cuộc tấn công nào”. “Liên minh liên tục thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo độ tin cậy và hiệu quả của lực lượng răn đe hạt nhân”-Tân Tổng Thư ký NATO M.Rutte, người nhậm chức ngày 1/10 vừa qua tuyên bố.
Theo đó, cuộc tập trận bắt đầu ngày 14/10, diễn ra trong 2 tuần, kết thúc vào cuối tháng 10, có hàng ngàn chuyến bay diễn tập, xuất phát từ 8 căn cứ không quân bao gồm các loại máy bay chiến đấu có khả năng mang vũ khí hạt nhân như máy bay tiêm kích đa năng F-35A, máy bay ném bom chiến lược B-52; đồng thời có máy bay chiến đấu hộ tống, máy bay tiếp nhiên liệu trên không, máy bay trinh sát, lực lượng tác chiến điện tử. Tuy nhiên, Bộ Chỉ huy tập trận cho biết, các máy bay tham gia diễn tập không có kế hoạch sử dụng vũ khí chiến đấu.
Đáng chú ý, cuộc tập trận hạt nhân lần này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng đang leo thang cao độ khu vực châu Âu và thế giới bao gồm xung đột Nga-Ukraine; cuộc đối đầu giữa Nga và Mỹ, phương Tây; xung đột vũ trang bùng phát trên Dải Gaza, Liban, Israel; cảnh báo chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Dường như Mỹ và phương Tây ngầm chuyển một thông điệp cứng rắn đến Moskva khi Ông chủ Điện Kremlin V.Putin không dưới một lần tuyên bố, Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân khi chủ quyền lãnh thổ, an ninh quốc gia của mình hoặc đồng minh bị đe dọa.
Điểm mới xuất hiện từ khối quân sự NATO do Mỹ chỉ huy của tập trận hạt nhân năm nay là, phạm vi diễn tập chủ yếu ở các quốc gia Bắc Âu, giáp biên giới Nga, các thành phần tham gia bao gồm các cường quốc sở hữu kho vũ khí hạt nhân: Mỹ, Anh, Pháp và các quốc gia thành viên mới, nhiều năm vẫn giữ quan điểm tương đối trung lập: Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Điển, Hà Lan.
Phần Lan gia nhập NATO (2/2023) và Thụy Điển (3/2024), đưa số thành viên khối này lên 32, trong khi 2 nước này có chung đường biên giới 1.340 km với Nga-là sự mở rộng đáng kể nhất của khối trong nhiều thập niên; NATO đã tăng đường biên giới chung với Nga lên gấp đôi.
Trước đó (1990), Mỹ cam kết với Liên Xô (kế tục là Nga), không mở rộng NATO về hướng Đông, tức là, không “Đông tiến”, không phát triển thành viên áp sát nước Nga, đe dọa an ninh lãnh thổ Nga. Thực tế, điều đó không được thực hiện. Năm 1999, NATO kết nạp Ba Lan, sau đó là Séc, Hungary.
Thụy Điển có kế hoạch bổ sung đội tàu ngầm tiên tiến, phi đội máy bay chiến đấu Gripen nội địa hiện đại cho NATO, trở thành một mắt xích quan trọng giữa Đại Tây Dương và vùng Baltic. “Gia nhập NATO là sự thay đổi lớn nhất về chính sách an ninh của Thụy Điển trong hơn 200 năm qua”-Ngoại trưởng Thụy Điển T.Billstrom nói. Thủ tướng Thụy Điển U.Kristersson cũng tuyên bố: “Việc sở hữu vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của chúng ta trong thời bình là điều hoàn toàn có thể xảy ra”.
Phần Lan đưa đội hình chiến đấu cơ F/A-18 Hormel tham gia tập trận hạt nhân. Trước đó (9/2024), Phần Lan đồng ý cho NATO đặt trụ sở của Bộ Tư lệnh Lục quân Đa quân đoàn NATO (MCLCC) tại thành phố Mikkeli, gần biên giới Nga. Sự kiện gia nhập NATO của 2 quốc gia Phần Lan và Thụy Điển khiến Nga mất lợi thế về quân sự, kinh tế tại Bắc Cực bởi có 7/8 thành viên Hội đồng Bắc Cực đều nằm trong liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu. Hiện, Hội đồng Bắc Cực có Canada, Đan Mạch, Na Uy, Iceland, Phần Lan, Thụy Điển, Anh, Mỹ và Nga.
Phát biểu tại Berlin trong phiên điều trần trước một ủy ban Quốc hội, tướng B.Kahl-đứng đầu Cơ quan Tình báo nước ngoài của Đức (ngày 13/10) nhận định: “Nga có thể tiến hành một cuộc tấn công nhằm vào các nước NATO, muộn nhất là vào cuối thập kỷ này”. Cùng thời điểm trên, phát biểu tại Hội nghị Bảo vệ Baltic ở Vilnius (Litva), cựu Tổng Tham mưu trưởng Ba Lan R.Andrzejczak hùng hồn tuyên bố: NATO sẽ tấn công tầm xa vào St.Petersburg nếu Nga tập kích một trong các quốc gia liên minh: Ba Lan, Romania, Litva và Baltic. Để đạt được mục đích đó, Ba Lan đã đặt mua 800 tên lửa có tầm bắn 900 km.
Trả lời phương Tây, Người phát ngôn Điện Kremlin D.Peskov (14/10) nói: “Nga chưa bao giờ di chuyển cơ sở hạ tầng quân sự hướng tới NATO mà luôn ngược lại. Do đó, việc tuyên bố lực lượng vũ trang Nga là mối đe dọa là hoàn toàn sai, phi logic và trái ngược với tiến trình lịch sử, dẫn đến cuộc đối đầu mà tất cả chúng ta đang chứng kiến”. Đáp trả lại tướng về hưu Ba Lan, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia D.Medvedev, cựu Tổng thống Nga tuyên bố: “Người đã nghỉ hưu nên nhớ lại nhiều lần phân chia Ba Lan và để yên cho những con thú đang ngủ. Warsaw đã từng là một phần của Đế chế Nga” vào thế kỷ 18-19.
Tổng thống Nga V.Putin đã nhiều lần bác bỏ ý tưởng cho rằng, Nga có kế hoạch tấn công NATO. Ông chủ Điện Kremlin khẳng định: Những suy đoán như vậy là vô nghĩa. Moskva không có bất kỳ lợi ích gì khi hành động như vậy.
Trước những diễn biến phức tạp, khó lường trên thế giới và châu Âu, đầu năm nay, Nga và Belarus tiến hành tập trận hạt nhân chiến thuật, 3 giai đoạn (5-6/2024), đáp trả cuộc tập trận “Steadfast Defender-2024” của NATO huy động 90.000 binh sĩ từ 32 quốc gia (1-5/2024). Trước đó (5/2023), Điện Kremlin triển khai hệ thống tên lửa hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ Belarus, theo đề nghị của Tổng thống A.Lukashenko. Đây là cơ sở vũ khí hạt nhân duy nhất của Nga tại nước ngoài.
Gần đây, Nga tăng cường mối quan hệ đồng minh với các quốc gia bị Mỹ xem là địch thủ, như Trung Quốc, Triều Tiên, Iran, Syria, Venezuela. Moskva đang dẫn dắt Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng với Bắc Cực thông qua các hợp đồng kinh tế, đầu tư khủng giữa hai nước. Tại Bắc Cực, Nga đang có 8/11 tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân tầm xa đóng tại bán đảo Kala, điểm gần nhất có thể tiếp cận nước Mỹ.
Trong số 9-10 quốc gia đang sở hữu vũ khí hạt nhân, Nga và Mỹ có số đầu đạn hạt nhân chiếm 90% toàn cầu. Chỉ cần kích hoạt một lượng nhỏ vũ khí đó, trái đất sẽ bị hủy diệt, bởi sẽ không có kẻ chiến thắng khi xảy ra chiến tranh hạt nhân.
HÀ NGỌC