A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mỹ tìm kiếm thị trường năng lượng Trung Đông

 

QPTĐ-Phát ngôn viên báo chí Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Mỹ J.Biden có kế hoạch công du Trung Đông, bao gồm Arab Saudi, nhằm thuyết phục các quốc gia Trung Đông, vùng Vịnh tăng sản lượng khai thác dầu, bơm thêm ra thị trường, kiềm chế giá đang tăng phi mã. Bước đi này của Nhà Trắng nhằm ổn định thị trường dầu mỏ toàn cầu, sau khi loại Nga ra khỏi thị trường dầu mỏ châu Âu vào năm 2023. 

Mỹ thuyết phục các quốc gia Trung Đông tăng sản lượng khai thác dầu nhằm ổn định thị trường dầu mỏ châu Âu. (Ảnh: Internet)

Phát biểu với hãng CNBC, ông D.Courvalin-nhà phân tích năng lượng hàng đầu của Goldman Sachs cho rằng, vấn đề nan giải của thị trường dầu toàn cầu không được Mỹ giải quyết nhanh chóng, đơn giản như vậy. Thị trường đang trong tình trạng thâm hụt cơ cấu và đã kéo dài nhiều năm. Dẫu Arab Saudi bơm thêm dầu, trước mắt có thể ngăn chặn đà tăng mạnh hơn của giá dầu nhưng không phải là giải pháp bền vững cho vấn đề này. 

Giới chuyên gia đánh giá, giá dầu WTI, Brent tăng kỷ lục, hơn 100 USD/thùng từ tháng 3/2022, cao nhất kể từ năm 2008. Giao dịch tuần đầu tháng 6 tiếp tục tăng 1,5-3% mỗi phiên, 118 USD/thùng (ngày 2/6), 123 USD (ngày 9/6) do thiếu nguồn cung, mất khả năng kiểm soát giá. Nguyên nhân do nhu cầu về năng lượng tăng cao khi các nền kinh tế toàn cầu mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19, khiến nhu cầu về dầu thô tăng cao, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ-những quốc gia nhập khẩu dầu lớn thế giới. Mỹ và phương Tây không loại trừ nguyên nhân xung đột Ukraine và tâm lý lo ngại thiếu hụt lớn nguồn cung do lệnh cấm vận dầu mỏ từ Nga của Liên minh châu Âu (EU).

Tuần qua, liên minh OPEC+ do Arab Saudi và Nga dẫn dắt, bao gồm UAE, Kuwait, Iraq, Qarta và các thành viên, đạt được thống nhất sẽ tăng sản lượng thêm 648.000 thùng dầu/ngày trong tháng 7 và 8/2022, kết thúc đợt cắt giảm sản lượng lịch sử từ tháng 4/2020 do đại dịch. Thực tế, những tháng đầu năm 2022, OPEC+ đã tăng sản lượng từ 400 ngàn lên 432 ngàn thùng/ngày, đưa tổng lượng dầu ra thị trường gần 10 triệu thùng/ngày. 

“Chúng tôi ghi nhận vai trò của Arab Saudi với tư cách là Chủ tịch OPEC+ và là nhà sản xuất lớn nhất trong việc đạt được sự đồng thuận giữa các thành viên nhóm”-Bà K.J.Pierre, Thư ký báo chí Nhà Trắng bình luận. 

Tuy nhiên, OPEC+ khó có thể bù đắp ngay hàng triệu thùng dầu đang thiếu hụt bởi Arab Saudi và các quốc gia vùng Vịnh đã đạt đến ngưỡng tối đa khai thác, lọc hóa dầu. Cuộc xung đột ở Trung Đông và đại dịch Covid-19 hoành hành trong 2 năm qua, đã khiến Iraq, Syria, Yemen, kể cả các quốc gia Bắc Phi: Ai Cập, Lybia; thậm chí Qarta, Arab Saudi khó đạt sản lượng cao nhất. Trong khi đó, 2 cường quốc xuất dầu mỏ là Iran, Venezuela đang bị Mỹ siết chặt cấm vận.

Vậy là, kế hoạch tăng 648.000 thùng dầu của OPEC+, từ tháng 7 tới, khó trở thành hiện thực. Các thành viên OPEC+ càng có cơ hội kiếm bộn tiền nhờ dầu tăng giá, bất chấp việc nền kinh tế Mỹ, phương Tây có nguy cơ suy thoái. 

“Dường như Arab Saudi đang ném cho phương Tây một cái xương. Điều này sẽ được các nhà lãnh đạo phương Tây đón nhận vì lạm phát và kỳ vọng lạm phát vẫn ở mức cao, các ngân hàng trung ương đang cố gắng tăng lãi suất trước nguy cơ đẩy nền kinh tế của họ rơi vào suy thoái”-M.Sumpson, chuyên gia kinh tế Anh bình luận.

Trước đó, tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (30-31/5), EU tung ra gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga, dừng nhập khẩu 75% dầu Nga và hướng tới mục tiêu 90% vào cuối năm 2022, tuy nhiên không cấm đối với khí đốt. Lệnh cấm nhằm vào dầu Nga vận chuyển qua đường biển, trong khi dầu cấp qua đường ống tới một số quốc gia được ở Trung và Đông Âu miễn trừ. “Các biện pháp mới sẽ làm giảm khả năng tài trợ cho chiến dịch quân sự của Nga”-Chủ tịch EC U.Leyen nói. 

Hiện, đường ống Druzhba vẫn chuyển năng lượng Nga tới các nhà máy lọc dầu ở Đức, Séc, Ba Lan, Hungaria, Slovakia. Thủ tướng Hungaria V.Orban tuyên bố, cấm dầu Nga hoàn toàn sẽ giống như “ném bom nguyên tử” vào nền kinh tế. Thực tế, dầu thô Urals Nga rẻ hơn nhiều so với dầu Brent Mỹ nên có rất ít “động lực chính để các nhà máy lọc dầu từ bỏ nguồn cung từ Nga”-Economist nhận định. 

EU đưa ra gói ngân sách hơn 220 tỉ Euro nhằm định hình nguồn năng lượng Lục địa già trong tương lai, trong đó ưu tiên phát triển năng lượng sạch, điện gió, giảm hẳn sử dụng nguồn nguyên liệu hóa thạch, than đá. Đi tiên phong là Đức, đặt chỉ tiêu đáp ứng 80% nhu cầu điện từ các nguồn tái tạo đến năm 2030, công suất điện gió 115 GW, tương đương công suất 38 nhà máy điện hạt nhân. 

Bất ngờ, từ tháng 3/2022, Mỹ “nhập khẩu 4,218 triệu thùng dầu từ Nga, gấp đôi so với 2,325 triệu thùng tháng 2, tăng từ hạng 9 lên hạng 6 trong danh sách những nhà cung cấp dầu lớn nhất cho Mỹ”-Chủ tịch Hạ viện Nga V.Volodin (8/6) cho biết. Các nước gia tăng nhập khẩu dầu mỏ, than đá của Nga, đạt giá trị 66 tỉ USD, trong đó Đức 9,5 tỉ (đơn vị tính: USD); Italy 7,2 tỉ; Trung Quốc, Ấn Độ, mỗi nước hơn 7 tỉ (từ tháng 2-4/2022). 

Tháng 5 vừa qua, Trung Quốc nhập 2 triệu thùng dầu từ Nga so với 0,91 triệu thùng/ngày (tháng 4) và 0,725 triệu thùng bình quân năm 2021. Ấn Độ nhập khẩu  85% sản lượng dầu thô, đang nhập từ Nga 0,740 ngàn thùng dầu/ngày, tăng 0,284 triệu thùng (so với tháng 4) và 0,36 triệu thùng bình quân năm ngoái. Ấn Độ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ nhập dầu Nga tăng vọt, lần lượt là 8 lần, 1,5 lần và 0,5 lần so với năm 2021. Nếu như năm 2021, bình quân Nga thu về 12 tỉ Euro/tháng từ dầu khí thì con số này đã tăng lên hơn 30 tỉ Euro/tháng (3-4/2022) và vẫn đang tăng trong tháng tới. Dầu Urals Nga giá thành 20-30 USD/thùng trong khi dầu Brent Mỹ: 120 USD/thùng. 

Xung đột Ukraine và các lệnh trừng phạt của Mỹ, EU nhằm vào Nga đang đẩy thế giới vào cuộc khủng hoảng năng lượng và lương thực. Nếu như Nga bị thiệt hại khoảng 22 tỉ USD mỗi năm sau các lệnh cấm vận thì châu Âu phải đối mặt với giá năng lượng tăng cao, “phải trả thêm 268 tỉ USD mỗi năm”-Chủ tịch Hạ viện Nga V.Volodin cho biết: EU có thể phải đối diện với hậu quả kinh tế suy yếu và “ngày càng phụ thuộc vào Mỹ”. 

“Các lệnh trừng phạt này là nguyên nhân chính gây khủng hoảng toàn cầu. Với những tham vọng chính trị thiển cận và tư tưởng bài Nga, tác giả của các lệnh trừng phạt đó đã tự gây tổn hại cho chính lợi ích quốc gia của họ, kinh tế của họ, đời sống của người dân”-Tổng thống Nga V.Putin tuyên bố. 

NHẬT MINH


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ