A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gia hạn Hiệp ước START-3 Nga-Mỹ?

 

QPTĐ-Điện Kremlin phát đi thông tin cho biết, Nga và Mỹ đã đạt được thỏa thuận gia hạn Hiệp ước Cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược mới (New START hay còn gọi là START-3) sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga V.Putin và Tổng thống Mỹ J.Biden ngày 26/1 vừa qua.

Nga và Mỹ đang xúc tiến gia hạn Hiệp ước START-3. (Ảnh: Internet)

Nhà Trắng cũng cho biết, hai vị Tổng thống Mỹ và Nga đã thảo luận về SATRT-3 trong cuộc điện đàm và nhất trí giao cho đội ngũ chuyên gia hai nước làm việc khẩn trương về trao đổi công hàm ngoại giao giữa hai quốc gia để hoàn thành việc gia hạn New START trước thời hạn chót ngày 5/2 tới. Hai bên sẽ hoàn thiện tất cả các thủ tục cần thiết để đảm bảo cơ chế pháp lý quốc tế quan trọng này tiếp tục có hiệu quả đối với việc hạn chế kho vũ khí hạt nhân của mỗi bên. 

Ngày 27/1, Tổng thống V.Putin đã trình lên Quốc hội Nga dự luật gia hạn 5 năm New START. Cùng ngày, Thượng viện (Hội đồng Liên bang) và Hạ viện Nga (Duma quốc gia) đã thông qua dự luật này và Tổng thống V.Putin (29/1) ký văn bản cho phép gia hạn New SATRT thêm 5 năm. 

Người phát ngôn Điện Kremlin cho hay, Tổng thống V.Putin đã nói với Tổng thống J.Biden rằng, việc bình thường hóa quan hệ giữa Moskva và Washington sẽ vì lợi ích chung của cả hai nước. Đồng thời, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về quyết định rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở của Mỹ dưới thời Tổng thống D.Trump; thảo luận về chương trình hạt nhân của Iran và cuộc xung đột ở Ukraine. Phát ngôn viên Nhà Trắng cho biết: “Tổng thống J.Biden nói rõ, Mỹ sẽ hành động kiên quyết để bảo vệ lợi ích quốc gia trước những hành động gây tổn hại của Nga tới chúng ta hoặc các đồng minh của chúng ta”.

Hiệp ước New START được Tổng thống Nga D.Medvedev và Tổng thống Mỹ B.Obama ký ngày 8/4/2010 tại Pragua (Cộng hòa Czech). Hiệp ước có hiệu lực trong 10 năm, kể từ ngày 5/2/2011 và mặc nhiên gia hạn không quá 5 năm nếu hai bên tham gia hiệp ước đều nhất trí. 

Hiệp ước quy định, mỗi bên cắt giảm kho vũ khí tấn công chiến lược của mình để sau 7 năm, kể từ ngày Hiệp ước có hiệu lực và trong tương lai, tổng số lượng vũ khí không vượt quá 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và trên máy bay ném bom hạng nặng, cũng như 1.550 đầu đạn, 800 bệ phóng tên lửa đã triển khai, chưa triển khai. Hiệp ước buộc Nga và Mỹ trao đổi thông tin về số lượng đầu đạn và phương tiện phóng, 2 lần mỗi năm.

Dưới thời Tổng thống Mỹ D.Trump, năm 2020, Mỹ liên tục đưa ra các điều kiện gia hạn, khiến Nga từ chối. Moskva cho rằng, START-3 là tiêu chuẩn vàng trong lĩnh vực giải trừ quân bị và kêu gọi Mỹ không trì hoãn việc gia hạn Hiệp ước. Điện Kremlin chủ động đề xuất, tiếp tục gia hạn SATRT-3 thêm 5 năm nữa.

SATRT-3 là Hiệp ước về kiểm soát vũ khí hạt nhân, vũ khí tấn công chiến lược duy nhất còn lại giữa hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới (Nga, Mỹ) có nguy cơ bị hủy bỏ dưới thời Tổng thống Mỹ D.Trump, khiến thế giới lâm vào tình trạng mất kiểm soát vũ khí hạt nhân, tạo cơ hội cho các cuộc chạy đua vũ trang toàn cầu.

Trước đó (9/2019), Tổng thống D.Trump đã đơn phương tuyên bố, Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân chiến lược tầm trung (INF) Nga-Mỹ và Hiệp ước Bầu trời mở (OST) năm 2020.

Hiệp ước INF được Nga (kế thừa Liên Xô) và Mỹ ký năm 1987, trong đó cấm hai nước phát triển mọi loại tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500-5.500 km. Sau hơn 30 năm tồn tại, INF đã phát huy tác dụng nhất định, kiềm chế Nga, Mỹ phát triển và triển khai các loại tên lửa, vũ khí hạt nhân tầm trung, tầm ngắn, góp phần duy trì an ninh khu vực, nhất là châu Âu. 

Đầu năm 2019, Mỹ cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước INF và cùng các đồng minh NATO yêu cầu Nga phá hủy hệ thống tên lửa hành trình 9M729 có thể mang vũ khí hạt nhân, tầm bắn 2.500-5.000 km, “cho phép tấn công châu Âu mà gần như không cần cảnh báo”? 

 Nga bác bỏ và đưa ra thông số, tên lửa 9M729 tầm bắn dưới 480 km, không vi phạm Hiệp ước INF; đồng thời, Moskva cáo buộc Mỹ sử dụng bệ phóng tên lửa dùng chung, có thể phóng tên lửa hành trình Tomahawk triển khai ở một số nước châu Âu, châu Á là vi phạm INF? 

Tổng thống Mỹ D.Trump cũng gây sức ép lên Nga, lôi kéo Trung Quốc tham gia các hiệp ước về vũ khí hạt nhân, vũ khí tấn công chiến lược, hòng kiềm chế Bắc Kinh nhưng bất thành. Mỹ đã rút khỏi INF đẩy “châu Âu vào trạng thái con tin”?

Hiệp ước Bầu trời mở (OST) được 35 quốc gia ký kết năm 1992, có hiệu lực năm 2002, trong đó có Mỹ, Nga, Canada và phần lớn các nước châu Âu. Hiệp ước quy định, các nước thành viên OST được phép tiến hành các chuyến bay giám sát đặc biệt trên lãnh thổ của nhau, nhằm minh bạch hóa các hoạt động quân sự, công khai việc tái bố trí vũ trang hoặc các động thái chuẩn bị cho các hoạt động quân sự. Trong nhiều năm, OST đã phần nào phát huy tác dụng, tạo niềm tin, dù là nhỏ nhoi, giữa các đối thủ, đối tác, nhất là mối quan hệ Nga và Mỹ, NATO. 

Tuy vậy (11/2020), Tổng thống D.Trump đã chính thức đưa nước Mỹ rút khỏi OST. Đáp lại (15/1/2021), Nga cũng chính thức rút khỏi hiệp ước này, bấp chấp sự la lối của châu Âu và NATO. 

 Việc tân Tổng thống J.Biden, trong 2 tuần qua, kể từ ngày nhậm chức Ông chủ Nhà Trắng (20/1), đã ký hơn 30 Sắc lệnh hành pháp, trong đó có nhiều quyết định đảo ngược chính sách của người tiền nhiệm D.Trump, khẳng định rằng, ông J.Biden đã và đang trung thành với lời hứa của mình trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ và chấp hành theo tôn chỉ, mục đích của Đảng Dân chủ mà ông là người đại diện.

Dưới thời Tổng thống B.Obama (2009-2017), ông J.Biden là Phó Tổng thống, đã chứng kiến mối quan hệ Mỹ-Nga xấu đi nghiêm trọng từ sau sự kiện Crimea (4/2014), xung đột miền Đông Ukraine và cuộc chiến cấm vận trả đũa lẫn nhau kéo dài chưa có hồi kết giữa Nga-Mỹ, phương Tây. 

Dư luận dự báo, quan hệ Nga-Mỹ cũng không dễ dàng cởi mở dưới thời Tổng thống J.Biden? 

NHẬT MINH
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ