EU tranh cãi việc nối lại nhập khẩu khí đốt Nga
QPTĐ-Tuần qua, Lục địa già lại dậy sóng, tranh luận nảy lửa về khả năng nối lại nhập khẩu khí đốt của Nga, xem như một phần của thỏa thuận hòa bình tiềm năng tại Ukraine. Theo đó, các quan chức từ Đức, Hungaria, Slovakia cho rằng, khôi phục nhập khẩu khí đốt giá rẻ từ Nga có thể giúp giảm giá năng lượng ở châu Âu và khuyến khích Moskva tham gia đàm phán, tiến tới một lệnh ngừng bắn ở Ukraine.

Nhân viên làm việc tại một nhà máy phân phối khí đốt của công ty năng lượng Moldovatransgaz tại Chisinau, Moldova.
Ảnh: Reuters
“Một số quốc gia thành viên đang chịu áp lực về giá năng lượng và đây rõ ràng là một cách để giảm chi phí. Cuối cùng, ai cũng muốn chi phí năng lượng thấp hơn”-Một quan chức EU ủng hộ ý tưởng nối lại nhập khẩu khí đốt Nga cho biết. Tuy nhiên, ý tưởng này đang bị một số quan chức có lập trường chống Nga phản đối. Họ cho rằng, động thái này sẽ làm tăng doanh thu xuất khẩu của Moskva, làm đảo ngược nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga.
Sau xung đột Nga-Ukraine nổ ra (2/2022), Liên minh châu Âu (EU), Nhóm nước G7 đã áp hàng loạt lệnh cấm vận nhằm vào Nga, trong đó có ngành kinh tế chủ chốt năng lượng. EU giảm dần và chấm dứt nhập khẩu dầu mỏ, khí đốt từ Nga kể từ 1/1/2024. Liền theo đó, Đường ống Nord Stream (Dòng chảy phương Đông) vận chuyển khí đốt Nga-Đức trên biển Baltic, công suất 55 tỉ m3/năm bị phá hoại. Rồi đến Ba Lan đóng van chuyển khí đốt từ Nga qua nước này đi châu Âu và từ 1/1/2025, Ukraine cũng đóng van cung cấp khí đốt của Nga qua lãnh thổ sang Đông Âu. Nga chỉ còn duy nhất Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ (Đường ống Turk Stream, Nga-Thổ) công suất 33 tỉ m3 khí đốt/năm, có thể quá cảnh hạn chế đi châu Âu.
Theo đó, trước năm 2022, Nga cấp khoảng hơn 30% lượng dầu mỏ, 40% lượng khí đốt cho châu Âu, giảm xuống còn 15% khí đốt (năm 2023) và 5% (năm 2024). Việc cắt nguồn cung dầu, khí đốt giá rẻ của Nga hoàn toàn mang động cơ chính trị từ các quan chức EU (được Mỹ ủng hộ), nhằm thu hẹp nguồn thu tài chính của Moskva từ xuất khẩu năng lượng nhưng lại gây hậu quả kép cho chính thị trường các quốc gia EU.
Giá khí đốt tăng khiến hàng loạt nhà máy, doanh nghiệp châu Âu phải cắt giảm sản lượng hoặc đóng cửa, người dân phải gánh chịu giá năng lượng cao, đời sống thêm khó khăn. Theo TTF, gần 11% số công dân EU phải chật vật thì nhà cửa mới đủ sưởi ấm vào những năm 2023-2024, và họ đang phải đối mặt với mùa Đông giá lạnh, trong khi phải gánh tăng giá 50 euro/1MWh. Những nước chịu tác động trực tiếp ngay khi Ba Lan, Ukraine đóng van khí đốt là Đức, Hungaria, Slovakia, Moldova, Áo.
Giá năng lượng tăng cao đã ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế châu Âu. Đức-đầu tàu kinh tế EU lâm vào suy thoái 2 năm liên tiếp 2023-2024. Chính phủ Moldova công bố tình trạng khẩn cấp về nguồn cung cấp năng lượng, cắt giảm 33% mức tiêu thụ khí đốt, thậm chí phải dùng củi để sưởi ấm.
Thủ tướng Slokia R.Fico tuyên bố, việc ngừng trung chuyển khí đốt Nga qua đường Ukraine khiến nước này thiệt hại 500 triệu euro/năm. “Kiev đang gây nguy hiểm cho an ninh năng lượng của chúng tôi và Liên minh châu Âu sẽ phải chịu thiệt hại do sức cạnh tranh suy giảm”-Ông R.Fico cho biết: Slovakia sẽ phủ quyết bất kỳ gói viện trợ nào của EU dành cho Kiev, kể cả việc cắt nguồn cấp điện cấp cho Ukraine nếu việc trung chuyển khí đốt của Nga không được nối lại.
Tuy nhiên, EU và các nước có nhiều giải pháp khác nhau tìm thị trường thay thế khí đốt Nga nhưng phải chấp nhận giá cả tăng cao, hoạt động cung cấp sẽ phức tạp hơn và chắc chắn sẽ tốn kém hơn, lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp bị thu hẹp. Hiện, giá khí đốt tự nhiên của EU cao hơn 4 lần so với giá ở Mỹ. Năm 2022-2023, một số nước châu Âu, có giai đoạn phải chịu mức giá khí đốt tăng vọt đến 10-20 lần sau khi cấm vận khí đốt giá rẻ từ Nga.
Năm ngoái, EU đẩy mạnh nhập khẩu khí đốt từ Na Uy, các nước Trung Á và tăng mạnh nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ. Tuy nhiên, giá LNG do Mỹ xuất khẩu giá cao gấp 3-4 lần giá LNG của Nga nên Moskva vẫn có doanh thu cao từ mặt hàng này tại thị trường châu Âu, châu Á.
LNG từ Nga không nằm trong danh mục cấm vận của EU nên các quốc gia như Pháp, Hà Lan, Bỉ, Tây Ban Nha trở thành khách hàng lớn của Moskva. Tuy nhiên, giá LNG cao hơn nhiều so với giá khí đốt của Nga. Đây là một nghịch lý khi châu Âu dường như phải theo sự đạo diễn của Mỹ, siết chặt trừng phạt Nga, ủng hộ chính quyền Kiev, bỏ khí đốt giá rẻ từ Nga, lại mua số lượng lớn LNG giá cao cũng của Nga, để đáp ứng nhu cầu thiếu hụt năng lượng.
Năm 2024, Nga xuất khẩu 33,6 triệu tấn LNG-một con số kỷ lục, trong đó có hơn một nửa đưa vào thị trường EU (17,4 triệu tấn = 52%), tăng 4% so với năm 2023 (32,9 triệu tấn). Số còn lại, khoảng 15,2 triệu tấn xuất khẩu sang châu Á: Trung Quốc dẫn đầu với 7 triệu tấn, Nhật Bản 5,7 triệu tấn. “Chúng tôi đang triển khai các dự án lớn với các nhà máy mới đang được xây dựng. LNG đang được cung cấp cho cả các nước châu Âu, châu Á. Thị trường LNG cạnh tranh rất cao và số lượng quốc gia mua nhiên liệu từ Nga là đáng kể”-Phó Thủ tướng Nga A.Novak cho hay.
Trước khi rời Nhà Trắng, Tổng thống J.Biden (10/1) phát lệnh cho Bộ Tài chính Mỹ áp lệnh trừng phạt nhằm vào ngành năng lượng Nga bao gồm hơn 200 công ty, cá nhân các nhà sản xuất dầu khí lớn, cung cấp dịch vụ, khai thác dầu khí và xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở nước thứ 3, các công ty bao hiểm liên quan đến Nga, 183 tàu vận chuyển dầu trong số các tàu bị xem là “hạm đội bóng tối” không thuộc phương Tây.
Đây là gói “trừng phạt mạnh nhất, cứng rắn nhất” trong số gần 17.000 lệnh cấm vận nhằm vào các thực thể của Nga nhằm mục đích hạn chế quyền tiếp cận thị trường quốc tế cũng như giảm thiểu doanh thu từ xuất khẩu dầu khí, kỳ vọng sẽ khiến Moskva thiệt hại hàng tỷ USD nếu được thực thi đầy đủ. Đáng nói, gói trừng phạt này ảnh hưởng trực tiếp đến giao dịch dầu khí của Nga với hai khách hàng lớn là Trung Quốc, Ấn Độ, kể cả Thổ Nhĩ Kỳ (thành viên NATO, đồng minh của Mỹ).
Phụ họa cùng Mỹ, Chính phủ Ukraine (5/2) ban hành lệnh trừng phạt nhằm vào 57 thuyền trưởng của “hạm đội bóng tối” Nga. Để cạnh tranh với Nga, tân Tổng thống Mỹ D.Trump kêu gọi EU gia tăng mua LNG của Mỹ và tuyên bố, sẽ phát triển mạnh các giàn khoan dầu mỏ, tăng nguồn cung lên 13,67 triệu thùng dầu/ngày (năm 2025) so với 13,25 triệu thùng (năm 2024), kéo thấp giá dầu nhằm đối trọng với Nga và OPEC+.
Trước những động thái gần đây nhất của Mỹ và EU, Phát ngôn viên Điện Kremlin cho biết: Nga sẵn sàng khôi phục nguồn cung khí đốt cho châu Âu và chỉ trích các lệnh trừng phạt sẽ gây thiệt hại cho EU nhiều hơn so với Moskva. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Ủy ban Năng lượng Duma Quốc gia Nga I.Ananskikh nói: “Chúng tôi nghi ngờ về tính khả thi của kế hoạch được đề xuất. EU khó có khả năng nối lại việc mua khí đốt từ Nga trong tương lai gần”.
HÀ NGỌC