A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bất ngờ, Nga chiếm ngôi vị số 1 về quân sự thế giới

QPTĐ-Cuối tháng 10 vừa qua, Tạp chí US News And World của quân đội Mỹ đưa tin, quân đội Nga chiếm ngôi vị số 1, mạnh nhất thế giới, lần đầu vượt qua Mỹ trong bảng xếp hạng các lực lượng vũ trang mạnh nhất năm 2024. Tuy nhiên, đây chỉ là cách đánh giá theo tiêu chí do tạp chí này đưa ra nhưng đó là tờ báo của nước Mỹ, trực thuộc Lầu Năm Góc và họ trung thành theo các tiêu chí truyền thống nên phần nào đó có tính khách quan, có uy tín nhất định.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Yars cùng xe bọc thép BTR-82A của Nga.

Ảnh: REUTERS

Theo đó, cách đánh giá xếp hạng sức mạnh quân sự của các quốc gia dựa trên bộ chỉ số, bao gồm quy mô lực lượng, trình độ công nghệ vũ khí, nguồn kinh tế và chiến lược. Theo bảng xếp hạng, Nga (số 1), Mỹ (2), Israel (3), Trung Quốc (4), Hàn Quốc (5), Iran (6), Anh (7), Ukraine (8), Đức (9), Thổ Nhĩ Kỳ (10), Pháp (11), Belarus (12), Arab Saudi (13), Ấn Độ (14), Nhật Bản (16), Serbia (18), Kazakhstan (22).

Trước đó (1/2024), trang thông tin quân sự thế giới Global Firipower công bố bảng xếp hạng quân sự 145 quốc gia, sức mạnh quân sự không chỉ dừng lại ở quy mô lực lượng, số lượng, chủng loại vũ khí, tính hiện đại, tiên tiến, trình độ tác chiến và công nghệ mà còn dựa trên hơn 60 yếu tố như mức độ phức tạp của thiết bị, tài chính, địa lý, tài nguyên.

Theo đó, chuyên trang này xếp hạng, Mỹ (số 1), Nga (2), Trung Quốc (3); tiếp theo là các nước trong Top 10 quốc gia dẫn đầu: Ấn Độ, Hàn Quốc, Anh, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Italy; Indonesia (13). Giới chuyên gia nhận định, các quốc gia như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Italy duy trì thứ hạng ổn định so với năm 2023, trong khi Hàn Quốc, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ thăng hạng; riêng Anh, Pakistan tụt hàng so với năm trước đó. Nếu nhận định của các hãng thông tin trên là đúng thì bảng xếp hạng với các quốc gia dịp đầu năm và cuối năm nay đã có khác biệt.

Vẫn theo quan điểm của tờ thông tin quân đội Mỹ, nguyên nhân chính khiến Nga soán ngôi vị số 1 của Mỹ là do, Điện Kremlin đã mở rộng quân đội, thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng sau khi mở chiến dịch quân sự đặc biệt “phi quân sự hóa”, “phi phát xít hóa” Ukraine (từ tháng 2/2022). Ngày 16/9 vừa qua, Tổng thống Nga V.Putin ra ra sắc lệnh tăng quy mô quân đội Nga thêm 180.000 binh sĩ, lên gần 2,4 triệu người, trong đó có 1,5 triệu là lực lượng chiến đấu. Đây là lần thứ 3, kể từ năm 2022, Moskva mở rộng, tăng biên chế quân đội.

Nga đã bất ngờ vượt qua Mỹ, Ấn Độ, Indonesia về số lượng binh sĩ chiến đấu tại ngũ (hơn 1 triệu lính thường trực), trở thành quốc gia có quân đội lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Cùng với đó, ngành công nghiệp quốc phòng, động lực của nền kinh tế Nga trong điều kiện đất nước xảy ra xung đột, chiến tranh, đang duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong mấy năm qua-Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), một tổ chức tư vấn quân sự hàng đầu thế giới, nhận định.

Hồi tháng 2/2024, Tổng thống V.Putin tổ chức lại cơ cấu quân đội Nga. Ra sắc lệnh bãi bỏ Quân khu phía Tây và Bộ Tư lệnh Chiến lược chung, Hạm đội phương Bắc, thường được gọi là Quân khu phía Bắc, tái thành lập Quân khu Moskva và Quân khu Lenigrad. Sắc lệnh đưa 4 vùng được sáp nhập từ Ukraine dịp cuối năm 2022 (Donetsk, Lugansk, Kherson, Zaporizhia) vào Quân khu phía Nam.

Sự kiện tăng quân số và cơ cấu lại quân đội Nga, được Người phát ngôn Điện Kremlin D.Peskov giải thích, là cần thiết nhằm đối phó với các mối đe doạ ngày càng gia tăng. “Điều này là do có nhiều mối đe dọa tồn tại đối với đất nước chúng ta dọc theo biên giới. Môi trường cực kỳ thù địch ở biên giới phía Tây và sự bất ổn ở biên giới phía Đông đòi hỏi phải có những biện pháp thích hợp”.

Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng, Hạ viện Nga A.Kartapolov cho biết: Một phần lý do của việc mở rộng này là thành lập các cấu trúc và đơn vị quân sự mới nhằm cải thiện an ninh phía Tây Bắc Nga sau khi nước láng giềng Phần Lan gia nhập khối quân sự NATO. Ngoài ra, Nga cũng bày tỏ lo ngại việc Mỹ có khả năng triển khai tên lửa ở Nhật Bản, tiếp cận vùng biển đảo lãnh hải của Nga khu vực châu Á.

“Liên minh NATO đang tích lũy lực lượng vũ trang chung gần biên giới Nga, triển khai thêm các hệ thống vũ khí tấn công và phòng không. Trong hoàn cảnh hiện tại, việc tăng cường bổ sung lực lượng chiến đấu và số lượng binh sĩ là phản ứng thích hợp trước các hoạt động gây hấn của khối NATO”-Thông báo của Bộ Quốc phòng Nga.

Nếu như bình quân giai đoạn 2010-2020, ngân sách chi tiêu quốc phòng của Nga khoảng 60-65 tỉ USD/năm thì đã tăng vọt lên 130 tỉ USD/năm (2023-2024) nhằm khẩn cấp đáp ứng nhu cầu quân đội trong cuộc chiến ở Ukraine. Báo Washington Post (27/10) nhận định: Chi tiêu quân sự cao của Nga đang đẩy nền kinh tế nước này vào nguy cơ tăng trưởng quá mức theo cách buộc các công ty Nga phải tăng lương để đáp ứng nhu cầu lao động trong khi vẫn phải cạnh tranh với mức lương cao của quân đội.

Theo Rosstat, thống kê nửa đầu năm 2024, tỉ lệ thất nghiệp ở Nga giảm xuống còn 2,4%, tiền lương lại tăng 12,9% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng thu nhập thực tế còn cao hơn như vậy. Lương quân nhân tăng cao, đẩy nhanh tốc độ tăng lương ở Nga, gây áp lực lên các công ty tư nhân đang phải vật lộn để theo kịp. Ngành công nghiệp quốc phòng Nga đạt tăng trưởng thần kỳ; nhiều ngành hàng, loại sản phẩm tăng 50-70%, có loại tăng 200-300%. Lương, thưởng cho binh sĩ cũng tăng cao.

“Theo các nhà kinh tế, Nga có đủ khả năng tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine thêm vài năm nữa vì doanh thu dầu mỏ khổng lồ và sự thất bại của các biện pháp trừng phạt của phương Tây, đặc biệt là giá trần dầu do nhóm nước G7 đưa ra đã không thể gây áp lực lên doanh thu từ dầu mỏ của Nga”-Báo chí phương Tây nhận định.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương Nga đã biến hóa thần kỳ, thoát cấm vận hạn chế tài sản, tài chính, thanh toán quốc tế bằng việc dự trữ nguồn vàng chiếm tỉ trọng cao kỷ lục trong dự trữ ngoại hối giai đoạn 2022-2024. Năm 2023, Nga dẫn đầu thế giới, mua vào 1.300 tấn vàng. Hiện, Nga dự trữ vàng đạt 199.764 tỉ USD, chiếm 30,8% (9/2024) và 31,5% (10/2024), cao nhất kể từ năm 1999.

Và nói về sức mạnh quân sự của Nga, không thể không kể đến các loại vũ khí tiên tiến, tác chiến hiện đại của các quân, binh chủng khiến đối phương phải khiếp sợ, với lực lượng Không quân vũ trụ, hệ thống tên lửa liên lục địa, tên lửa siêu thanh, tàu chiến, tàu ngầm, tác chiến điện tử. Nhiều năm nay, ba quốc gia: Mỹ, Nga, Trung Quốc luôn đứng trong Top dẫn đầu về quân sự, quốc phòng thế giới.

NHẬT MINH


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ