A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quận Hoàn Kiếm

Lan tỏa tình yêu biển, đảo quê hương

QPTĐ-Thời gian qua, công tác tuyên truyền về biển, đảo quê hương được các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát. Bằng nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, những hình ảnh về biển, đảo quê hương, về những chiến sĩ nơi đầu sóng đã và đang được lan tỏa sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.

Nhiều hình thức phong phú

Trong giai đoạn hiện nay, công tác tuyên truyền về chủ quyền biểnđảo quê hương đang có nhiều đổi mới, qua đó nâng cao hiệu quả tạo, sự đồng thuận, đoàn kết, củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân cả nước nói chung và trên địa bàn Thủ đô nói riêng trong thực hiện nhiệm vụ giữ vững chủ quyền biển, đảo. Theo đó, các cấp, các ngành đã có nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực để tuyên truyền về biển đảo quê hương. Thực tế tại Sở Văn hóa và thể thao Hà Nội đã tham gia và tổ chức các hoạt động như: Tham gia Hội thi tuyên truyền lưu động với chủ đề “Biển và hải đảo Việt Nam” do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa- thể thao và du lịch) tổ chức đã tạo sự lan tỏa sâu rộng đến quần chúng nhân dân. Qua đó giúp quần chúng nhân dân thấy được vai trò, tầm quan trọng về vị trí chiến lược của biển và hải đảo trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, khẳng định được chủ quyền thiêng liêng biên giới quốc gia.

Thầy và trò các trường tiểu học, trung học cơ sở quận Hoàn Kiếm tham gia Ngày hội biển đảo quê hương.

Hiện nay, việc tuyên truyền theo hình thức văn nghệ cổ động được các sở, ban, ngành, đoàn thể tổ chức khá sôi động. Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàn Kiếm đã tổ chức Ngày hội “Biển đảo quê hương” góp phần lan tỏa tình yêu của thế hệ trẻ đối với biển, đảo quê hương; truyền tải thông điệp, tình cảm sâu đậm của học sinh quận Hoàn Kiếm nói riêng, đất liền nói chung với các cán bộ, chiến sĩ và người dân nơi đảo xa. Ngoài ra, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàn Kiếm còn phát động học sinh đặt lời mới cho làn điệu dân ca về chủ đề biển, đảo; phát động viết thư và vẽ tranh tặng cán bộ, chiến sĩ quần đảo Trường Sa gửi đoàn công tác thành phố Hà Nội mang đến trao tận tay cán bộ, chiến sĩ nơi đầu sóng. Trao đổi với chúng tôi về hoạt động này, đồng chí Nguyễn Mai Anh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành đoàn Hà Nội cho biết: Để khơi dậy tình yêu biển đảo cho các em học sinh trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, Thành đoàn Hà Nội đã phát động Phong trào “Thư gửi nơi đảo xa” và vẽ tranh về Trường Sa đến thầy và trò các trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội. Ngay khi phát động phong trào, bằng tình cảm, niềm vinh dự, tự hào về người lính đảo, hàng trăm lá thư và bức tranh được viết, vẽ về người chiến sĩ nơi đầu sóng ra đời. Trong mỗi lá thư, tranh vẽ, các em đều có một cảm nhận, một góc nhìn riêng về người lính biển. Thế nhưng tất cả đều có điểm chung là tình cảm yêu thương, niềm tin, niềm tự hào về những chiến sĩ giữa mênh mông sóng gió. Hàng trăm bức thư hay, tác phẩm đẹp, ý nghĩa đã vượt sóng ra Trường Sa và các điểm đảo. Nơi nào cũng được các chiến sĩ hào hứng đón nhận.

Những lá thư của các em học sinh trên địa bàn Thủ đô vượt sóng đến Trường Sa. 

Cùng với đó là các phong trào, cuộc vận động như “Nghĩa tình biên giới hải đảo” hướng về biển, đảo quê hương được các địa phương duy trì thường xuyên. Ngoài ra, thông qua tuyên truyền trực quan trên băng rôn, khẩu hiệu, pano, áp phích tại các trục đường chính, các điểm trung tâm; trưng bày những tư liệu chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa; các hội nghị báo cáo viên, nhất là tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng... đã góp phần nâng cao tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng quyết tâm của nhân dân trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Theo đó, đã có hàng trăm cuộc tuyên truyền với hàng nghìn lượt đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Những hoạt động thiết thực

Để công tác tuyên truyền biển, đảo quê hương được lan tỏa, các cấp, các ngành đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực khơi dậy niềm tự hào, tình yêu về biển, đảo đến các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Thực tế tại quận Hoàn Kiếm, các ngành đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm tuyên truyền về biển đảo như tổ chức “Ngày hội tự hào biển đảo quê hương” năm học 2022-2023. Trong không khí rộn ràng của Ngày hội, thầy và trò các trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn quận được mang đến cho người xem các tiết mục văn nghệ đặc sắc với hình ảnh được tái hiện về lịch sử 4000 năm dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đó là những cung bậc rộn rã, các em học sinh đã đưa người xem đi suốt hành trình từ bản hùng ca chiến thắng Bạch Đằng đến công cuộc xây dựng và bảo vệ biển đảo hôm nay, gửi lời biết ơn đến lớp lớp các thế hệ cha anh đã hy sinh, cống hiến cho sự bình yên biển đảo của Tổ quốc và tự hứa sẽ luôn nỗ lực phấn đấu với lòng tự hào sâu sắc. Theo bà Vương Hương Giang, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận: Công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cho thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về biển, đảo Việt Nam; tình hình trên các vùng biển và quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về bảo vệ chủ quyền biển đảo trong giai đoạn hiện nay có vai trò rất quan trọng. Chính vì vậy, việc tổ chức Ngày hội biển đảo quê hương góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” với những nội dung, hình thức sát với đặc điểm tình hình của địa phương.

Sở Văn hóa và thể thao Hà Nội tham gia hội thi tuyên truyền lưu động với chủ đề “Biển và hải đảo Việt Nam”.

Vừa có chuyến công tác đến thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa và cán bộ, chiến sĩ Nhà Giàn DK1/8, Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, Nguyễn Quốc Hoàn đã có nhiều trải nghiệm và được cảm nhận cuộc sống và tinh thần của những người lính đảo. Từ tình cảm và niềm vinh dự ấy, đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn đã mang 40 lá cờ Tổ quốc từ Trường Sa về đất liền tặng cho các trường học trên địa bàn quận Hoàn Kiếm và Phòng Giáo dục và Đào tạo quận. Lá cờ Tổ quốc như biểu tượng về tinh thần và ý chí quật cường của những người lính đảo quyết giữ trọn dáng hình thiêng liêng của Tổ quốc, qua đó giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay về tình yêu biển, đảo quê hương, từ đó có trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn, bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương.

Trần Đông

 

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ