A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12.1972 - 12.2022)

Vượt thách thức ra sức thi đua dạy tốt, học tốt, phục vụ tốt

 

QPTĐ-Trong những ngày này, từ giảng đường đến các thao trường huấn luyện của Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội trở nên sôi động hơn bởi khí thế thi đua dạy tốt, học tốt, phục vụ tốt. Hàng nghìn cán bộ, giáo viên, học viên của Nhà trường không quản ngại nắng mưa, điều kiện khó khăn của thời tiết ra sức rèn đức, luyện tài, trau dồi kiến thức, tích cực hưởng ứng đợt thi đua cao điểm “50 ngày thi đua lập công quyết thắng”, lập thành tích cao nhất chào mừng kỷ niệm 50 nămChiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”.

Trên thao trường huấn luyện của học viên Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô.

Trên thao trường huấn luyện chiến thuật ở điểm cao 91, mặc cho tiết trời oi bức bởi những cơn mưa chợt đến, chợt đi trong những ngày cuối Thu, giáo viên và học viên lớp Văn bằng 2 đào tạo đại học chuyên ngành quân sự cơ sở vẫn miệt mài tổ chức luyện tập đội hình đại đội tiến công địch phòng ngự ở địa hình rừng núi. Sau nội dung dẫn dắt tình huống và khẩu lệnh của giáo viên, lần lượt từng học viên thực hành luyện tập theo các hình thức chiến thuật như: Sử dụng động tác “lăn, lê, bò, trườn” bí mật cơ động ôm bộc phá lên khắc phục vật cản để “mở cửa đánh chiếm đầu cầu”. Cùng với đó, các mũi đột kích 1 và 2 cũng nhanh chóng áp sát mục tiêu, triển khai đội hình phát triển chiến đấu. Sau hơn 30 phút tiến công, đơn vị hoàn thành nhiệm vụ, về vị trí tập trung để rút kinh nghiệm cho lượt tập tiếp theo. Trung tá Nguyễn Văn Thiện, giáo viên Khoa Binh chủng hợp thành chia sẻ: Đây là một trong những nội dung huấn luyện cơ bản, nên yêu cầu người học phải biết vận dụng kiến thức lý thuyết kết hợp với thực hành mới đảm bảo hoàn thành bài học. Mặc dù phải huấn luyện ngoài trời, trong điều kiện thời tiết mưa nắng khắc nghiệt, nhưng chúng tôi luôn quyết tâm bám thao trường, cùng nhau tích cực thi đua dạy tốt, học tốt, phục vụ tốt, góp phần lập thành tích cao nhất chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 và 50 năm Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”.

Được biết, tính hết tháng 11 năm 2022, Nhà trường đã đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, giáo dục quốc phòng và an ninh cho 36 đối tượng, với 15.545 học viên ở nhiều cấp học, bậc học và loại hình đào tạo, bồi dưỡng khác nhau, như: Đại học, cao đẳng quân sự cơ sở, bổ túc quân sự địa phương, đào tạo sĩ quan dự bị, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ đối tượng 2 và 3... Trong khi đó, đối tượng học viên có nhận thức, trình độ không đồng đều; động cơ, thái độ học tập khác nhau, hệ thống giảng đường, thao trường, nơi ăn, ở, sinh hoạt, học tập của cán bộ, giảng viên, học viên, chiến sĩ Nhà trường còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, để khắc phục những khó khăn, nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo theo phương châm: “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị” và “Nhà trường phải đi trước đơn vị”, thì cùng với việc tích cực đầu tư về cơ sở vật chất, một trong những khâu then chốt, có tính đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, được Nhà trường thực hiện là tập trung đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy học theo hướng tích cực, nâng cao kỹ năng thực hành bài giảng của giáo viên, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, khắc phục triệt để phương pháp truyền đạt một chiều, tăng cường gợi mở vấn đề, hướng dẫn trao đổi, thảo luận nhằm phát huy tư duy độc lập, sáng tạo của người học. Thượng tá Đặng Đình Sinh, Tổ trưởng bộ môn CTĐ, CTCT, Khoa Xã hội và Nhân văn cho biết: “Vai trò của giảng viên không chỉ là người cung cấp kiến thức mà còn là người hướng dẫn, người đồng hành cùng học viên khai thác, làm chủ kiến thức. Nên hằng tuần, hằng tháng, khoa chúng tôi đều xây dựng kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ giáo viên, nội dung tập trung vào những nội dung mới, nội dung còn yếu, còn thiếu và cập nhật thông tin mới. Trong đó, tập trung vào nâng cao chất lượng soạn thảo, thục luyện và thông qua giáo án, bài giảng, dự từng cấp, dự giảng, bình giảng cho giáo viên”.

Cùng với đó, Nhà trường còn triển khai nhiều mô hình hay, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, như “Học viên ngành quân sự cơ sở nghĩ đúng, nói trúng, viết đủ”; “Văn hóa, văn minh, môi trường xanh, sạch, đẹp”; “Tổ, nhóm học tập đẩy khá, xóa kém”; “Giờ học kiểu mẫu”, “Tiết học tự quản”, “Đôi bạn học tập”, “Tổ tư vấn tâm lý, pháp luật”… Thực hiện các mô hình này, các đơn vị quản lý đã phối hợp chặt chẽ với các khoa giáo viên tổ chức phụ đạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng học tập từng môn học, từng lớp và từng học viên. Từ đó, học viên được phân loại và nâng dần chất lượng học tập theo hướng tăng tỉ lệ khá, giỏi, giảm tỉ lệ trung bình và không còn học viên có học lực yếu, kém. Học viên Trần Quốc Toản, lớp văn bằng 2 đào tạo đại học chuyên ngành quân sự cơ sở chia sẻ: “Nhiều nội dung kiến thức quân sự, bản thân tôi cũng như các học viên trong lớp luôn cảm thấy khô cứng và rất khó tiếp thu. Nhưng với sự giúp đỡ, tạo điều kiện của Ban Giám hiệu, các thầy giáo và cán bộ các cấp của Nhà trường, nhất là thông qua mô hình “Đôi bạn học tập”, lớp giao nhiệm vụ cụ thể cho học viên có năng lực tốt kèm cặp, giúp đỡ, hỗ trợ những người học yếu hơn, nhờ thế mà kết quả học tập của em ngày càng tốt hơn rất nhiều”.

Trao đổi với chúng tôi về những giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của Nhà trường, Đại tá Đoàn Chí Thắng, Bí Thư Đảng ủy, Chính ủy Nhà trường cho biết: “Để thực hiện tốt Phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt, phục vụ tốt”, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã thường xuyên quán triệt thực hiện nghiêm Nghị quyết số 86-NQ/QUTW, của Quân ủy Trung ương về “Công tác giáo dục-đào tạo trong tình hình mới”. Trên cơ sở đó, Nhà trường ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề lãnh đạo toàn diện công tác này. Các nghị quyết đều tập trung hướng vào đột phá nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, huấn luyện theo hướng “3 thực chất”, đó là: Dạy thực chất; học thực chất; kiểm tra, đánh giá kết quả thực chất. Đồng thời, đẩy mạnh công tác giáo dục, quán triệt, động viên để cán bộ, giáo viên, học viên, chiến sĩ thấy rõ vị trí, ý nghĩa của việc dạy, học, thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập thực chất là khẳng định vị thế, uy tín, thương hiệu của Nhà trường; kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, chạy theo thành tích mà không chú ý đến chất lượng đào tạo. Cùng với đó, chúng tôi đã chủ động đề nghị cấp trên cử giáo viên đi học trong các học viện, nhà trường Quân đội để đảm bảo các tiêu chí theo yêu cầu đặt ra. Thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên với tổ chức đi cơ sở, đề nghị cán bộ, giáo viên đi thực tế, tham quan diễn tập khu vực phòng thủ cấp quận, huyện để bổ sung kiến thức, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn trong giảng dạy. Hằng năm, Nhà trường đều tổ chức Hội thi Giáo viên dạy giỏi, Cán bộ quản lý giỏi để đánh giá năng lực, đồng thời bồi dưỡng kỹ năng sư phạm cho đội ngũ giáo viên. Làm tốt việc “Cấp trên bồi dưỡng, truyền thụ kinh nghiệm cho cấp dưới, người đi trước bồi dưỡng, truyền thụ cho người đi sau”, kết hợp với động viên, khuyến khích giáo viên tự nghiên cứu, học tập nâng cao kiến thức, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trong tổ chức huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng, bổ túc, tập huấn, Ban Giám hiệu Nhà trường đã chỉ đạo các phòng, ban, khoa làm tốt công tác xây dựng kế hoạch, tiến trình biểu huấn luyện, phân công nhiệm vụ cho giáo viên chuẩn bị giáo án, bài giảng theo quy định. Nhờ triển khai hiệu quả các mô hình trong Phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt, phục vụ tốt” và tỉ lệ học viên giỏi của Nhà trường năm sau luôn cao hơn năm trước. Kết thúc năm học, kết quả tốt nghiệp của các đối tượng đào tạo 100% đạt yêu cầu, trong đó trên 85% khá, giỏi, được Thủ trưởng Bộ Tư lệnh và Cục Nhà trường đánh giá cao”.

Tùng Chi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ