A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cho công tác phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai

QPTĐ-Thực hiện Nghị quyết số 689-NQ/QUTƯ của Quân ủy Trung ương về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ-cứu nạn đến năm 2020 và những năm tiếp theo, Đảng ủy Sư đoàn 301 đã tập trung lãnh đạo đơn vị duy trì chặt chẽ nền nếp chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, cứu hộ-cứu nạn 24/24 giờ; chuẩn bị đầy đủ kế hoạch, phương án, lực lượng, phương tiện vật chất hậu cần, kỹ thuật, sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả với các tình huống xảy ra.

Chú trọng tuyên truyền, giáo dục

Tham quan trưng bày giới thiệu phương tiện tìm kiếm cứu nạn.

Thực tiễn 10 năm (2014-2024) triển khai thực hiện Nghị quyết 689 cho thấy, nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn về vị trí, vai trò của công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ-cứu nạn ngày càng được nâng lên. Tuyệt đại đa số cấp ủy, người chỉ huy quán triệt sâu sắc tầm quan trọng đặc biệt của nhiệm vụ này. Từ nhận thức đó, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị nêu cao trách nhiệm, quyết tâm, đồng thời có nhiều giải pháp để nâng cao nhận thức và  chất lượng thực hiện nhiệm vụ.

Thượng tá Nguyễn Đức Mạnh, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Sư đoàn cho biết:  “Đảng ủy Sư đoàn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết số 689 của Quân ủy Trung ương; Nghị quyết số 1731 của Đảng ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch của cấp trên về công tác cứu hộ-cứu nạn tới các Đảng bộ, chi bộ cơ sở và toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong Sư đoàn. Xác định nhiệm vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình” của đơn vị, chúng tôi tổ chức giáo dục, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, phương pháp như giảng bài, sinh hoạt, pa-nô biển bảng, khẩu hiệu, truyền thanh nội bộ, mạng xã hội, các diễn đàn, tọa đàm bằng hình thức sân khấu hóa…, từ đó nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về vị trí, vai trò của công tác phòng chống, khắc phục, hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ-cứu nạn”.

Thượng tá Nguyễn Tiến Dũng, Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn chia sẻ: “Trước mỗi đợt cơ động thực hiện nhiệm vụ, Sư đoàn đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phát động các đợt thi đua đột kích để từng cán bộ, chiến sĩ đăng ký quyết tâm thi đua thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống thiên tai, khắc phục sự cố, tìm kiếm cứu nạn; kịp thời khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong nhiệm vụ. Xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến. Phát huy dân chủ tập thể quân nhân, dân chủ bàn biện pháp thực hiện tốt nhiệm vụ. Phát huy vai trò Ban Chỉ đạo 35, Lực lượng 47 các cơ quan, đơn vị trong đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về PCTT-TKCN”.

Bên cạnh đó, Sư đoàn phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân trên địa bàn trong thực hiện công tác Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trọng tâm là Luật Đê điều, Luật Phòng cháy, chữa cháy, Luật Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Luật Phòng thủ dân sự…, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ - cứu nạn.

Tăng cường tập huấn, huấn luyện

Theo kinh nghiệm của Trung tá Nguyễn Huy Danh, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 692, ngoài đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền, cần phải chuẩn bị chu đáo lực lượng, phương tiện, các kế hoạch, nắm chắc tình hình, công tác huấn luyện, tập huấn kỹ năng cứu nạn, vận hành trang thiết bị phải được tổ chức thường xuyên. Hằng năm, khi có kế hoạch, hướng dẫn của trên, Trung đoàn tổ chức thực nghiệm công tác huấn luyện, tập huấn các kiến thức về công tác cứu hộ-cứu nạn đúng theo kế hoạch, lập danh sách đề nghị các đồng chí cán bộ tham gia khóa tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu về kiến thức, sử dụng phương tiện, trang bị cứu hộ, cứu nạn; làm tốt công tác duy trì bảo trì, kiểm tra, bảo dưỡng trang thiết bị phục vụ quá trình thực hiện nhiệm vụ cứu hộ-cứu nạn; cơ sở vật chất tại đơn vị; củng cố hệ thống cột chống sét, chống giông lốc, tốc mái hệ thống kho tàng, duy tu, bảo dưỡng hệ thống vật chất, cứu hỏa…

Luyện tập cứu người đuối nước trên sông.

Cùng với đó, Sư đoàn chủ động phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với 8 địa phương (6 địa phương Bộ Tư lệnh giao làm nhiệm vụ: Gia Lâm, Hoàng Mai, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Thạch Thất, Mỹ Đức và 4 địa phương đơn vị đứng chân trên địa bàn: Hà Đông, Chương Mỹ, Thạch Thất, thị xã Sơn Tây) xây dựng quy chế phối hợp, huấn luyện, diễn tập tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ-cứu nạn; tổ chức trinh sát nắm chắc các tuyến đê, kè, bãi đậu, các vị trí xung yếu, trọng yếu dễ xảy ra nguy cơ ngập úng, sạt lở đất, vỡ đê để có biện pháp bố trí, sử dụng lực lượng, phương tiện, thực hành làm nhiệm vụ phòng chống thiên tai đạt hiệu quả. Khi thời tiết diễn biến phức tạp, Sư đoàn duy trì nghiêm việc trực chỉ huy, kíp trực ban tác chiến, trực cứu hộ cứu nạn; chủ động nắm bắt tình hình ở các địa phương được giao làm nhiệm vụ và báo cáo Bộ Tư lệnh theo quy định. Ngoài ra, để làm tốt công tác cứu nạn, cứu hộ khi thiên tai xảy ra, Sư đoàn còn quan tâm bổ sung các loại trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ hiện đại, nhỏ gọn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Hữu Thu


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ