A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ký ức không thể nào quên

QPTĐ-Đã 50 năm trôi qua, nhưng những hồi ức về cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ nói chung, về Đại thắng mùa Xuân năm 1975 nói riêng chưa bao giờ phai nhạt trong lòng người dân Việt Nam. Đối với những chiến sĩ Hà Nội trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử ấy, chặng đường hành quân hàng nghìn cây số, vượt mọi hiểm nguy, với tinh thần sẵn sàng hi sinh để góp phần đánh thắng giặc Mỹ, thống nhất đất nước càng không thể nào quên.

CCB Nguyễn Trung Lộc (mặc áo kẻ) kể về những năm tháng hào hùng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trong hàng vạn chiến sĩ của Thủ đô Hà Nội trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, chúng tôi được gặp cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Trung Lộc, xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ. Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi gặp ông là khuôn mặt hiền hòa với ánh mắt cương nghị của một người lính Cụ Hồ đã từng trải qua trận mạc. Tiếp chúng tôi trong không khí ngày 30/4 đang đến gần, CCB  Nguyễn Trung Lộc kể: Tôi sinh năm 1945, nhập ngũ 1966 và được biên chế chiến đấu trong đội hình của Sư đoàn 351, Binh chủng Pháo binh. Sau khi được huấn luyện làm chủ các loại pháo, cối các loại, tôi được biên chế vào Tiểu đoàn Cối và tham gia chiến đấu. Trong suốt 9 năm (từ 1967 đến 1975), tôi không nhớ rõ mình đã tham gia bao nhiêu trận đánh, nhưng có lẽ trận đánh vào Đức Cơ, Pleiku là tôi nhớ nhất. Đây là trận đánh chiến thắng nhưng đơn vị tôi đã hi sinh rất nhiều.

Lặng một lúc khá lâu để hồi tưởng lại quá khứ, ánh mắt đượm buồn, CCB Nguyễn Trung Lộc kể tiếp: Thời đó, Đức Cơ là một căn cứ biên phòng do quân Mỹ xây dựng năm 1965 với hệ thống lô cốt, hầm ngầm, sân bay khá kiên cố để bảo vệ vòng ngoài ở phía Tây Pleiku. Xung quanh căn cứ và dọc hai bên đường 19 kéo tới đồn Tầm, chúng thường dùng phi pháo đánh phá tạo thành vùng “đất chết”. Tôi còn nhớ, hôm đó là một ngày cuối tháng 12/1972, đơn vị tôi được lệnh phối hợp với các đơn vị khác đồng loạt nổ súng nhằm tạo hỏa lực mạnh nhất tiêu diệt sinh lực địch để mở đường cho bộ binh tiến công Lệ Thanh, rồi tiến vào đánh Đức Cơ. Chúng tôi có khoảng 6 khẩu cối 100mm. Sau khi nhận trận địa, vị trí mục tiêu tấn công do đơn vị trinh sát cung cấp, làm tốt công tác chuẩn bị, chúng tôi lần lượt nổ súng. Chúng tôi bắn dồn dập được 3 loạt thì bị quân địch dùng pháo đáp trả. Không kịp cơ động nên đơn vị tôi hi sinh rất nhiều. Tôi may mắn thoát chết nhờ kịp nấp sau một gốc cây lớn. Đau đớn lắm các anh ạ. Chưa bao giờ chúng tôi hi sinh nhiều như ngày hôm đó. Sau trận đánh, đơn vị chúng tôi tiếp tục được bổ sung quân và rút kinh nghiệm sâu sắc về cách đánh. Những trận sau này, chúng tôi không bao giờ bắn đến phát thứ hai cùng một địa điểm để tránh pháo của địch phản kích. Sau gần một tháng giành nhau với địch từng tấc đất thì chúng tôi cũng hoàn thành nhiệm vụ, phối hợp giải phóng hoàn toàn Đức Cơ, rồi Chư Bồ, buộc quân địch phải chạy về đồn Tầm. Đơn vị tôi nhận lệnh rút lui tiếp tục đánh về Biên Hòa, Long Bình và đánh Bảo Lộc, Lâm Đồng và nhiều trận đánh khác cho đến ngày hoàn toàn giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Cẩn thận giở từng tấm Huân chương kháng chiến giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba do Hội đồng cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng, CCB Nguyễn Trung Lộc xúc động cho biết: Đây là những phần thưởng tôi được tặng sau 9 năm chiến đấu. Những phần thưởng này, từ ngày trở về từ chiến trường, chưa bao giờ tôi bỏ ra, kể cả những lúc làm hồ sơ vào công tác tại xã năm 1976 vì tôi sợ bị thất lạc. Đó là kỷ vật chứa đựng những ký ức không thể nào quên về một thời sẵn sàng hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc của tôi nói riêng và thế hệ chúng tôi nói chung. Cũng nhờ những kỷ vật này nên mỗi khi khó khăn, tôi lại nhìn vào để tự động viên: Mình còn may mắn hơn những đồng đội đã hi sinh, vì vậy không cho phép mình ngừng phấn đấu để đóng góp cho đất nước.

Sau chiến tranh, trở về quê hương, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng CCB Nguyễn Trung Lộc vẫn luôn giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, sống giản dị, chân thành, đầy lòng nhân ái và tích cực tham gia hoạt động ở địa phương từ năm 1976 đến năm 1989. Hiện nay, dù tuổi đã cao, CCB Nguyễn Trung Lộc vẫn miệt mài tham gia các hoạt động của Hội Cựu chiến binh với mong muốn góp phần xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp hơn. 

Chia tay CCB Nguyễn Trung Lộc, nhìn ông bước trên con đường bê tông rộng rãi, hai bên đường nở hoa rực rỡ, chúng tôi thêm trân quý sự cống hiến không ngừng nghỉ vì đất nước của những người lính bình dị mà cao quý.

Đức Thành


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội