Chuyển đổi số góp phần nâng cao chất lượng giáo dục- đào tạo
QPTĐ-Những năm qua, nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của chuyển đổi số trong đổi mới phương pháp dạy học, Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã tổ chức quán triệt, triển khai và thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của trên về thực hiện nhiệm vụ giáo dục - đào tạo; nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm cho cán bộ, giáo viên, học viên Nhà trường trong thực hiện nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số (CĐS), góp phần nâng cao chất lượng giáo dục- đào tạo của Nhà trường.
Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ
Để nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, Nhà trường đã tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội về thực hiện nhiệm vụ CĐS. Cùng với đó, Nhà trường phối hợp mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng về tin học cho cán bộ, giáo viên; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ Tư lệnh đưa nội dung CĐS vào chương trình tập huấn cho 100% cán bộ, giáo viên Nhà trường.
Đại tá Đỗ Hồng Thái, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Được sự quan tâm của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Nhà trường được đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng CNTT phục vụ đào tạo CNTT, CĐS, Nhà trường bảo đảm hệ thống máy tính bàn, máy tính xách tay, máy chiếu, USB, máy in, máy photo, máy scan… cho cán bộ, giáo viên thực hiện nhiệm vụ. Hệ thống trang bị CNTT được cài đặt phần mềm chống mã độc và tiến hành kết nối đường truyền mạng truyền số liệu quân sự theo quy định bảo đảm phục vụ tốt cho các nhiệm vụ. Chúng tôi lắp đặt 8 phòng học thông minh, lắp đặt phòng tin học chuyên dùng với 50 bộ máy tính (phục vụ học tập và thi trắc nghiệm); tổ chức số hóa và kết nối thư viện số với 10 bộ máy tính bàn để phục vụ cán bộ, giáo viên, học viên nghiên cứu tài liệu theo quy định. Hiện Nhà trường không có giáo viên chuyên môn giảng dạy trong lĩnh vực CNTT và CĐS. Để thực hiện nội dung giảng dạy tin học cho các đối tượng học viên, Nhà trường phải liên kết với Trường Đại học Công nghiệp Việt - Hung để thực hiện nội dung theo kế hoạch.
(5).jpg)
Ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị máy móc, Nhà trường quan tâm bồi dưỡng cho giáo viên, học viên những kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin, tin học, kỹ năng làm chủ các phương tiện kỹ thuật, thành thạo các khâu, các bước trong sử dụng máy tính, các thiết bị kỹ thuật như máy ảnh, loa đài, máy ghi âm, ghi hình, truyền dẫn… đảm bảo 100% giáo viên biết ứng dụng CNTT vào biên soạn bài giảng và giảng bài cho các đối tượng đào tạo tại Nhà trường. Gặp Thượng tá Phí Văn Khánh, Tổ trưởng bộ môn Lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Khoa Khoa học xã hội và nhân văn sau giờ giảng, anh vui vẻ chia sẻ với chúng tôi: "Tôi đã tham gia giảng trực tiếp có ứng dụng phòng học thông minh của Nhà trường từ 2020 được kết nối dữ liệu: Máy tính- máy chiếu- loa- micro không dây để thực hành các nội dung trực quan như: Minh chứng qua phim bổ trợ; clip ứng dụng minh họa đồ họa; các nội dung tập bài diễn tập môn công tác Đảng, công tác chính trị tiện lợi hơn tương tác trên bảng điện tử đơn thuần. Ngoài ra, tôi cũng trực tiếp khai thác và ứng dụng phần mềm trợ giảng được Nhà trường lắp đặt trong các phòng học thông minh… rất sinh động, thay cho viết bảng, kẻ sơ đồ, bảng kẻ… tất cả tiện lợi qua thanh công cụ trên máy tính phòng học”.
(3).jpg)
Cùng Tổ bộ môn với Thượng tá Phí Văn Khánh, Trung tá Trần Thanh Sơn tâm sự: Thời gian đầu khi tiếp cận các phần mềm CĐS hỗ trợ quá trình giảng dạy, tôi cũng gặp nhiều bỡ ngỡ. Tuy nhiên, sau khi tham gia tập huấn, tôi đã sử dụng thành thạo phần mềm wboard, ở đó giáo viên trực tiếp viết vẽ, tác nghiệp, giải thích cho học viên hiểu ngay trên bảng tương tác thông minh. Bên cạnh đó tôi còn khai thác có hiệu quả thư viện số (lấy tài liệu, video, hình ảnh...) của Nhà trường thông qua mạng nội bộ mà không cần lên thư viện, rất thuận tiện cho việc nghiên cứu, tìm hiểu kiến thức, nâng cao trình độ.
Số hóa giáo trình, tài liệu
Thư viện Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội được Bộ Quốc phòng đầu tư thư viện số (TVS) giai đoạn 1 từ năm 2020, đến nay đã qua 2 lần nâng cấp. Cùng với việc đầu tư mua sắm của Nhà trường, trang thiết bị, cơ sở vật chất của Thư viện cũng được đầu tư theo Dự án “Xây dựng TVS dùng chung trong Bộ Quốc phòng” do Trung tâm Thông tin KHQS/Cục KHQS làm chủ đầu tư, như: Hệ thống máy chủ, máy trạm, phần mềm TVS Ilib 8.0 (phần mềm quản lý tư liệu và nghiệp vụ thông tin thư viện), bàn, ghế, máy quét…
Tìm hiểu về công tác thư viện của Nhà trường, chúng tôi thấy có nhiều đổi mới, nổi bật như việc ứng dụng CNTT, tạo bước đột phá trong số hóa dữ liệu, giáo trình, tài liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) đảm bảo từng bước hiện đại hóa thư viện, đáp ứng yêu cầu mới. Thư viện hiện có 667 đầu tài liệu số với 14.669 quyển. Tài liệu giấy, tài liệu điện tử thường xuyên được bổ sung phong phú, đa dạng thông qua nhiều hình thức: Nhận từ trao tặng, được cấp phát từ cơ quan cấp trên và nguồn giáo trình, tài liệu do Nhà trường biên soạn, xuất bản, nhất là các tài liệu phục vụ công tác bồi dưỡng, giáo dục quốc phòng- an ninh và công tác giảng dạy các đối tượng học viên của Nhà trường, thông tin về các hoạt động thực tiễn ở các đơn vị trong toàn quân được cập nhật thường xuyên, liên tục.

Thượng tá Vũ Quang Hưng, Trưởng Ban Khoa học quân sự cho biết: “Thư viện Nhà trường đang từng bước xây dựng theo mô hình thư viện thông minh. Do vậy, việc hiện đại hóa hệ thống trang thiết bị thông tin tư liệu, cơ sở hạ tầng, công nghệ mới và đẩy mạnh số hóa dữ liệu, giáo trình, tài liệu phục vụ công tác giáo dục- đào tạo là cần thiết để nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc. Chúng tôi cũng đã chủ động liên kết với các cơ quan thông tin khoa học trong Quân đội để khai thác, chia sẻ thông tin kịp thời đáp ứng nhu cầu bạn đọc. Sử dụng phần mềm TVS Ilib 8.0 để quản trị hệ thống thư viện tích hợp CSDL giáo trình, tài liệu tham khảo,… dạng thư mục và số. Tất cả được tích hợp trên cùng một giao diện tìm kiếm (OPAC). Hệ thống phần mềm quản lý thư viện có nhiều tính năng như: Bảo mật phân quyền theo CSDL, người dùng, thông qua tài khoản SSO dùng chung với các hệ thống khác hay quản lý nhiều dạng dữ liệu số hóa, đăng ký mượn, gia hạn mượn qua mạng…”.
Có thể thấy, tài liệu số TVS của Nhà trường đã và đang phát huy hiệu quả. Toàn bộ CSDL được đưa lên mạng nội bộ, thuận tiện cho bạn đọc tra cứu dữ liệu, giáo trình, tài liệu. Qua đó, từng bước cải thiện không gian, môi trường học tập, nghiên cứu để bạn đọc cảm thấy thư viện là nơi hấp dẫn, hữu ích cho việc nghiên cứu, tìm kiếm thông tin, khai thác tri thức, tạo hứng khởi, truyền cảm hứng cho cả thầy và trò, góp phần thiết thực nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học của Nhà trường.
Hữu Thu