Xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai: Khắc phục khó khăn, xây dựng nông thôn mới
Đông Xuân là xã trung du miền núi, nằm phía Tây của huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội, cách trung tâm huyện khoảng 20km. Xã có diện tích hơn 1.600ha, trong đó khoảng 70% diện tích là đồi, núi. Với đặc điểm địa hình như vậy nên vào mùa mưa, xã thường xảy ra tình trạng sạt lở đất ở các triền đồi trọc, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống dân sinh khu vực ven triền đồi và vùng đất cao. Để cải thiện tình trạng đó và thực hiện có hiệu quả Chương trình 02 của Thành uỷ về xây dựng nông thôn mới (NTM), ngay từ khi nhận được kế hoạch của trên, xã đã bắt tay vào thực hiện với quyết tâm cao và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó tiêu biểu là lực lượng dân quân nơi đây.
Bộ mặt nông thôn xã Đông Xuân ngày càng khởi sắc.
Đồng chí Phan Văn Phú, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Đông Xuân là xã thuần nông, gồm 8 dân tộc khác nhau, trong đó dân tộc Mường tới 80% nên khi sáp nhập vào thành phố Hà Nội thì xuất phát điểm về thu nhập, trình độ dân trí còn thấp so với mặt bằng xã khác. Hơn nữa, cũng do đặc điểm về địa hình đã dẫn tới khó khăn trong phát triển nông nghiệp, cũng như giao thông của người dân. Vì vậy mà khi được triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chúng tôi xác định đây là nội dung quan trọng và phù hợp, góp phần không nhỏ làm thay đổi diện mạo địa phương”.
Song, để Chương trình có hiệu quả, cấp uỷ, chính quyền xã đã ban hành Nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo theo từng giai đoạn về nội dung này; thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ), Ban quản lý, Ban phát triển xây dựng nông thôn mới, trong đó phân công rõ trách nhiệm cho từng thành viên. Cùng với đó, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chủ trương của Đảng, Nhà nước tới toàn thể nhân dân. Hình thức tuyên truyền được thực hiện đa dạng: Thông qua hội nghị chuyên đề, đoàn thể, trên hệ thống đài truyền thanh xã; qua hệ thống khẩu hiệu, pano, áp phích…, từ đó, giúp cho từng tập thể đến từng người dân hiểu rõ quyền lợi, nâng cao trách nhiệm trong quá trình thực hiện. Đồng thời, cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn về xây dựng nông thôn mới do Thành phố và huyện tổ chức. Hàng tháng, Đảng uỷ, BCĐ, UBND xã tổ chức giao ban với các thôn, hợp tác xã nông nghiệp, các doanh nghiệp để đánh giá công tác NTM; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình giao thông xóm và giao thông thuỷ lợi nội đồng, các công trình cơ bản như Trường THCS, trạm bơm tưới Hồ Đồng Âm…
Đồng chí Chủ tịch UBND xã nhấn mạnh: “Mới đầu xã chỉ đạt có 4/19 tiêu chí, 5 tiêu chí cơ bản đạt. Xác định công tác này còn nhiều khó khăn nên cấp uỷ, chính quyền địa phương chủ động sáng tạo trong thực hiện các tiêu chí; rà soát vướng mắc khó khăn và đề xuất với huyện, Thành phố có chính sách đầu tư hỗ trợ, nhất là đối với các công trình cơ bản như: Đường giao thông nông thôn, cứng hoá kênh mương, Nhà văn hoá, trường học; huy động sự vào cuộc, góp sức của cả hệ thống chính trị...”.
Sau 4 năm triển khai thực hiện Đề án, với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của tất cả ban, ngành, đoàn thể; sự lựa chọn cách làm phù hợp, hiệu quả với từng tiêu chí, từng phần việc cụ thể nên đến cuối năm 2016, qua đánh giá và thẩm định của Thành phố, Đông Xuân đã đạt 96,5/100 điểm; được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới. Diện mạo nông thôn của xã đã có nhiều thay đổi, kinh tế-xã hội phát triển toàn diện; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; cơ cấu lao động có bước chuyển dịch mạnh mẽ. Các công trình trường học, trạm y tế xã, bưu điện, công trình thuỷ lợi được xây dựng mới đạt chuẩn, đường thôn, xóm, được nâng cấp, cải tạo và làm mới theo các tiêu chí của Chương trình đang phát huy hiệu quả cao. Sản xuất nông nghiệp từng bước theo hướng hàng hoá và hiện đại hoá, đời sống của nhân dân được nâng cao; an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Điển hình, công tác chuyển giao và đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp của địa phương đã được quan tâm, quy hoạch được vùng sản xuất rau an toàn, khu chăn nuôi xa khu dân cư, vùng sản xuất lúa chất lượng cao; nhân dân được tiếp thu các kiến thức mới và ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả. Đời sống văn hoá tinh thần và ý thức xã hội của người dân được nâng lên rõ rệt. Người dân quan tâm hơn đến việc chung của thôn, xóm, cộng đồng dân cư, nhân dân tích cực xây dựng “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”. Đặc biệt vai trò, vị trí của cấp uỷ Đảng từ xã đến thôn có nhiều chuyển biến tiến bộ…
Kết quả đó thể hiện sự nỗ lực không ngừng của toàn thể cán bộ, nhân dân xã, song đó cũng chính là động lực góp phần để Đông Xuân tiếp tục thực hiện có hiệu quả những nội dung tiếp theo, đưa đời sống người dân ngày một ấm no, hạnh phúc.
Trần Hiền