A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nụ cười đã rạng rỡ hơn xưa

 

QPTĐ- Quê ngoại tôi-làng Đồng Bụt, xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai được biết đến là một làng Việt cổ với huyền tích về vị “thánh tăng” cùng nhiều nét xưa còn đọng lại ở lễ hội đặc sắc.

 

 

Nhân dân thôn Đồng Bụt, xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai tự hào có cây bồ đề được vinh danh “Cây Di sản Việt Nam”.

 

Những dịp ngày đám, ngày hội, gia đình tôi lại kéo nhau về quê. Vì sẵn máy ảnh lại hay chụp cho mọi người, nên tôi được các ông trong họ “tín nhiệm” giao nhiệm vụ phục vụ nước nôi cho đám hội và chụp ảnh. Được gần các bậc cao niên nên những câu chuyện kể về nét xưa, tục làng tôi đều rõ ràng từng tích truyện. Phải nói rằng, Đồng Bụt quê tôi có một không gian văn hóa hội làng trang nghiêm, đậm màu sắc tâm linh. Nhưng ấn tượng nhất với tôi có lẽ là huyền tích của “thánh tăng” Từ Đạo Hạnh, một câu chuyện mang đậm văn hóa Phật giáo.

 

Tương truyền rằng Đồng Bụt là quê ngoại của Đức thánh Từ Đạo Hạnh. Cách chùa Đồng Bụt 500m về hướng Tây Nam có khu vườn Nở, là nơi “thánh tăng” giáng trần. Trong tác phẩm “Chùa Đồng Bụt và lễ hội vùng truyền thống” trong cuốn Nguyệt trí văn tập của Hòa thượng Thích Viên Thành viết: “Theo tài liệu của chùa thì Thánh mẫu Tăng Thị Ngọc Loan quê gốc ở làng này sinh ra thánh tại vườn Nở... Về sau, ngài tu đắc đạo, uy danh vang dội khắp nơi nên nhân dân ở đây mới xây dựng chùa lưu di tích, để chiêu mộ phụng thờ. Lễ hội Đồng Bụt được tổ chức muộn hơn so với chùa Thầy mấy ngày tức 10 tháng 3 âm lịch.

 

Có lần tôi hỏi ông về tích của tên làng mình, ông không giải thích tường tận mà chỉ kể lại tích về “thánh tăng”, rồi để tôi tự suy luận. Mãi sau này khi lớn lên rồi tìm đọc thêm tài liệu tôi mới hiểu về sự tích của làng.

Làng tôi bên cạnh cái tên Đồng Bụt thì còn có tên gọi Đồng Phật. Một cái tên mang đậm ý nghĩa Phật giáo, điều này vốn rất ít gặp trong hệ thống tên làng Việt cổ. Có lẽ, người dân quê tôi khi đặt tên Đồng Phật là trong tâm thức văn hóa làng, thiền sư Từ Đạo Hạnh đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lịch sử khai hương.

 

Nhiều khi tôi tự hỏi mình, phải chăng do được sống trong không gian văn hóa đậm màu sắc phật pháp với huyền tích về vị thiền sư, nên người Đồng Bụt quê tôi ai nấy đều sống hiền hòa, cần cù chịu khó. Vùng quê chiêm trũng quê tôi khoảng mươi năm về trước, lúa vẫn tốt tươi hai vụ mùa, chiêm. Những cánh đồng ngày đông xanh rì vạt ngô, bờ khoai, bãi cỏ thênh thang cho đàn trâu, bò tung tăng gặm cỏ... Cuộc sống thật chẳng khác gì bức tranh thủy mạc. Nhưng, bức tranh đó giờ chỉ còn là ký ức trên những trang nhật ký của riêng tôi.

 

Người ta vẫn nói, cuộc sống không có sự đột phá, đổi thay thì khó có thể phát triển. Từ khi sáp nhập tỉnh Hà Tây với Hà Nội vào năm 2008, đặc biệt là từ khi Đại lộ Thăng Long chạy qua làng vào năm 2010, quê tôi có sự đổi thay nhanh chóng. Cụm công nghiệp được hình thành với dọc dài những nhà máy, xí nghiệp. Một bộ phận người trẻ và trung tuổi xin vào làm tại các nhà máy, xí nghiệp nên việc làm ổn định với mức thu nhập khá. Nhiều gia đình có nghề truyền thống là làm vàng mã hay đan cói vẫn tiếp tục công việc của mình. Cuộc sống đã thực sự đổi thay trên quê hương tôi. Những nhà cao tầng dần mọc lên, người dân đi xe máy nhiều hơn xe đạp, trẻ nhỏ không còn phải nghỉ học để chăn bò, cắt cỏ, làm thêm...

 

Đời sống nâng cao, tinh thần cũng dần được cải thiện. Điều này thể hiện khá rõ ở những báo cáo từ chính quyền, chi bộ thôn. Đó là công tác văn hóa giáo dục, chăm sóc người cao tuổi, phát triển kinh tế bền vững. Đáng chú ý là Chi ủy phối hợp với Chi hội Người cao tuổi thôn đã tổ chức mừng thọ được cho các cụ có chẵn tuổi và mừng thọ tuổi 60 tròn. Các cụ được mừng thọ tại đình làng vào dịp Tết trang trọng và tiết kiệm. Trong không khí ấy, Câu lạc bộ thơ của các cụ diễn ra các hoạt động như: Đọc thơ, bình thơ hay giao lưu  với các câu lạc bộ thơ trong và ngoài xã...

Cuộc sống vẫn giản dị, người dân vẫn hiền hòa nhưng nụ cười đã xuất hiện nhiều hơn và rạng rỡ hơn xưa...

 

DUY MINH


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội