QPTĐ-Ngay sau khi có Kế hoạch số 40/KH-UBND, ngày 02/2/2023 của UBND thành phố Hà Nội về tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch, triển khai một cách đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, phát huy tốt quyền làm chủ, huy động được trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Thủ đô trong việc đóng góp ý kiến để hoàn thiện hệ thống pháp luật và tạo sự đồng thuận đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đất đai.
Bài 1: Thống nhất nhận thức để huy động trí tuệ, tâm huyết của cán bộ, chiến sĩ
Để quyền làm chủ của mọi cán bộ, chiến sĩ được phát huy, đó chính là “động lực” cho cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị của Bộ Tư lệnh đề ra nhiều chủ trương, biện pháp, cách làm sáng tạo trong tổ chức thực hiện. Do đó, 100% cán bộ, chiến sĩ đã nắm nhanh, hiểu sâu và có những ý kiến tâm huyết, thiết thực đóng góp vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đồng thời trở thành những tuyên truyền viên tích cực làm lan tỏa kế hoạch của Thành phố đến với nhân dân trên địa bàn đơn vị đóng quân.
Quyết liệt trong triển khai thực hiện
Trung tá Nguyễn Xuân Hinh, Chính trị viên phó, Ban CHQS huyện Gia Lâm: "Giao nhiệm vụ cụ thể, đề cao trách nhiệm của từng cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện"
Luật Đất đai 1993 của nước ta có ghi: “Đất đai là tài nguyên vô cùng quý giá, là tư liệu sản xuất đặc biệt, là thành phần quan trọng hàng đầu của môi trường sống, là địa bàn phân bố các khu dân cư, xây dựng các cơ sở kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng. Trải qua nhiều thế hệ, nhân dân ta đã tốn bao nhiêu công sức, xương máu mới tạo lập, bảo vệ được vốn đất đai như ngày nay!”. Ban CHQS huyện Gia Lâm thấy rằng, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là một nội dung hết sức quan trọng, cần thiết. Vì vậy, ngay sau khi có hướng dẫn của trên, Ban CHQS huyện đã triển khai nghiêm túc, triệt để, trong đó làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng trong cán bộ, chiến sĩ LLVT trên địa bàn huyện nói riêng và nhân dân trên địa bàn huyện nói chung nắm được 10 điểm mới trong nội dung dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần tập trung đóng góp ý kiến. Đồng thời, giao nhiệm vụ cho từng đồng chí Đảng ủy viên phụ trách trên từng mặt công tác, chịu trách nhiệm là người đứng đầu, phải quán triệt, tuyên truyền và tổng hợp ý kiến đóng góp đối với 100% cán bộ, QNCN, nhân viên trong cơ quan mình, chịu trách nhiệm về chất lượng ý kiến đóng góp. Để nâng cao chất lượng, trong giao ban, sinh hoạt, đọc báo hàng ngày, Ban CHQS huyện tiến hành kiểm tra nhận thức đối với từng cán bộ, nhân viên về nắm nội dung dự thảo Luật, những nội dung quan tâm cần đóng góp và tuyên truyền đến gia đình, người thân và nhân dân.
Cùng với đó, Ban CHQS huyện còn phối hợp chặt chẽ với Phòng Tư pháp, phòng Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện thống nhất, đưa nội dung sửa đổi của Luật Đất đai để tuyên truyền, như thông qua cấp phát tờ rơi, tuyên truyền trên Đài truyền thanh huyện. Từ đó giúp cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện và nhân dân thấy được lợi ích của việc lấy ý kiến, cũng như biết được 10 điểm mới trong nội dung Luật Đất đai sửa đổi làm cơ sở để đóng góp ý kiến. Thông qua việc tuyên truyền, quán triệt về tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), 100% cán bộ, QNCN, nhân viên Ban CHQS huyện đã chấp hành nghiêm về kế hoạch thời gian, có nhiều ý kiến đóng góp chất lượng vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này.
Thiếu tá Vũ Huy Hùng, Chính trị viên Tiểu đoàn Thông tin 610: Chủ động khắc phục khó khăn trong điều kiện quân số phân tán
Để thực hiện có chất lượng, hiệu quả việc tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Đảng ủy, chỉ huy Tiểu đoàn đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm Công văn số 291/CCT-TuH, ngày 24/02/2023 của Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội về việc tuyên truyền tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đơn vị đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức rõ vị trí, ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng và các nội dung lấy ý kiến trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trong đó, xác định rõ thời gian hoàn thành công tác quán triệt; thời gian lấy ý kiến, tổng hợp ý kiến; thời gian báo cáo cấp trên theo quy định.
Do đặc thù nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội chỉ huy, chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền, đóng quân phân tán tại 4 khu vực, đơn vị căn cứ vào dự thảo Luật, biên soạn nội dung cốt lõi, nhất là 10 điểm mới nổi bật của dự thảo làm thành đề cương gửi các các Trạm, Chốt lẻ để lấy ý kiến. Trong công tác tuyên truyền, Tiểu đoàn vận dụng tổng hợp các biện pháp phù hợp với thực tiễn đơn vị như: Thông qua học tập chính trị tập trung, sinh hoạt chính trị, tư tưởng, thông báo thời sự, đọc báo, nghe đài, xem truyền hình, thực hiện Ngày Chính trị và văn hóa tinh thần, hệ thống truyền thanh nội bộ... Đặc biệt, đơn vị đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên mạng xã hội thông qua Group “Cánh sóng Thủ đô” của Tiểu đoàn và Group “Hoa Ngọc Hà-Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Đơn vị cũng đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng kết nghĩa, tuyên truyền với nhân dân trên địa bàn đóng quân về Công văn 1358-CV/BTGTU và Kế hoạch số 40/KH-UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố. Vận động cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị tích cực tuyên truyền với gia đình, người thân, bạn bè các nội dung dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Thông qua đó, cán bộ, chiến sĩ trong Tiểu đoàn đã nhận thức sâu sắc, phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, tích cực nghiên cứu, tìm tòi tham gia đóng góp những nội dung ý kiến thiết thực, hiệu quả phù hợp với thực tiễn. Đơn vị có 12 ý kiến tham gia đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Đa dạng các hình thức tuyên truyền
Thượng tá Nguyễn Văn Nam, Chính trị viên Ban CHQS quận Hoàn Kiếm: Tích cực đấu tranh với quan điểm sai trái, thù địch chống phá việc lấy ý kiến
Tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Ban CHQS quận coi đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng. Do đó, đã tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức; phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của mỗi cán bộ, chiến sĩ của LLVT quận để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật. Thông qua bằng nhiều hình thức tuyên truyền phong phú như: Phát huy hiệu quả hệ thống pa nô, áp phích, khẩu hiệu, hệ thống loa truyền thanh; thông qua các đợt tập huấn, huấn luyện cán bộ đầu năm; thông qua giao ban, hội ý, sinh hoạt của các Ban; các tổ chức quần chúng, sinh hoạt của HĐQN, Hội Phụ nữ; sinh hoạt Ngày Chính trị văn hóa tinh thần, Ngày Pháp luật trong tháng... để lấy ý kiến cho toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), gồm: Bố cục, nội dung và các chương, điều, nhất là cho ý kiến về điểm mới về nội dung của dự thảo Luật.
Cùng với công tác tuyên truyền, Ban CHQS quận thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban, ngành của quận trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận diện, kiên quyết đấu tranh với các hoạt động vi phạm pháp luật lợi dụng chống phá, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước. Ban CHQS quận thường xuyên chỉ đạo lực lượng 47 đấu tranh với các quan điểm sai trái, các thông tin xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch liên quan đến việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ngoài ra, tích cực tham gia các hoạt động nhóm Zalo, Facebook để phục vụ công tác đấu tranh trên không gian mạng; tổ chức viết bài, đăng tin trên trang “36 Phố phường”, “Người Hoàn Kiếm”, Cổng Thông tin điện tử quận Hoàn Kiếm và “Chiến sĩ Sao vuông Hoàn Kiếm” để tuyên truyền cho cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng khi tham gia đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Nhờ đa dạng các hình thức tuyên truyền, cán bộ, chiến sĩ LLVT quận không những hiểu sâu, nắm kỹ được Luật Đất đai (sửa đổi) để phát huy quyền làm chủ, đóng góp những ý kiến tâm huyết, mà còn tích cực tham gia đấu tranh phản bác thông tin sai trái, thù địch trên không gian mạng.
Thiếu tá Nguyễn Huy Nghĩa, Chính trị viên Tiểu đoàn Kiểm soát quân sự 103: Lồng ghép vào giáo dục chính trị, giáo dục pháp luật và hoạt động ngoại khóa
Là đơn vị thường xuyên phải thực hiện các nhiệm vụ huấn luyện, trực SSCĐ, cơ động thực hiện các nhiệm vụ đột xuất được giao; quân số phân tán. Vậy để cán bộ, chiến sĩ nắm chắc, tham gia đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đơn vị đã lồng ghép tổ chức học tập dự thảo Luật vào Ngày Pháp luật hàng tháng, thực hiện hiệu quả mô hình giáo dục chính trị, như: “Mỗi tuần một điều luật” đặt tại cửa hội trường để tiện cho việc theo dõi, học tập, cung cấp cho cán bộ, chiến sĩ những nội dung chính, quan trọng của Luật. Trong quá trình lên lớp, giáo viên sẽ kết hợp đối chiếu, minh họa thực tế để bộ đội dễ hình dung, hiểu sâu cốt lõi vấn đề, đồng thời định hướng, hướng dẫn bộ đội liên hệ trực tiếp tới tình hình sử dụng đất của gia đình, địa phương… từ đó đưa ra những ý kiến đóng góp thiết thực nhất.
Ngoài ra, đơn vị còn tổ chức đan xen vào các giờ ngoại khóa hàng ngày, đơn vị còn tăng cường tổ chức ngoại khóa buổi chiều từ 16.30 - 17.00 các ngày trong tuần, bên cạnh các nội dung về thể lực, nghiệp vụ, SSCĐ, vận dụng tổ chức hoạt động “Mỗi ngày một điều luật” vào chiều thứ 3 và thứ 5. Các đồng chí Chính trị viên đại đội là người phụ trách truyền tải, giải thích và tiếp thu các ý kiến đóng góp của bộ đội về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trong hoạt động phát thanh nội bộ, đọc báo xem thời sự hàng ngày, đơn vị yêu cầu lựa chọn những nội dung, tin bài tuyên truyền về Luật Đất đai (sửa đổi) và việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật để đăng tải, tuyên truyền.
Để định hướng, hướng dẫn đóng góp vào dự thảo Luật, đơn vị phân công chính trị viên, chính trị viên phó đại đội, trung đội trưởng là những người trực tiếp tiếp nhận các nội dung ý kiến đóng góp của bộ đội qua các buổi sinh hoạt, học tập, ngoại khóa. Hình thức tiếp nhận ý kiến, bộ đội cũng có thể viết tay ý kiến đóng góp và gửi vào hòm thư góp ý của đơn vị; đồng chí Chính trị viên phó Tiểu đoàn sẽ tổng hợp, kiểm duyệt các ý kiến vào mỗi cuối tuần và gửi qua email đóng góp đã quy định. Đối với đội ngũ cán bộ sĩ quan, QNCN, các ý kiến đã được Tiểu đoàn kiểm duyệt có thể tự gửi email bằng thiết bị di động cá nhân. Do đó cán bộ, chiến sĩ đơn vị đều phát huy tốt dân chủ, tham gia các ý kiến chất lượng.