A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đổi mới toàn diện công tác giáo dục và đào tạo ở Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội

Từng bước xây dựng Nhà trường thông minh, hiện đại

 

 QPTĐ-Thực hiện Nghị quyết số 1657 ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương về đổi mới công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới, thời gian qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiến hành đồng bộ các giải pháp đổi mới công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Bài 1: Đổi mới căn bản, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm

Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, góp phần xây dựng LLVT Thủ đô cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Để làm được điều đó, một trong những khâu đột phá được Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo là đổi mới phương pháp quản lý, điều hành, nội dung, chương trình huấn luyện, giáo dục-đào tạo cho các đối tượng học viên.

Quán triệt sâu rộng, đổi mới đồng bộ

Quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Nghị quyết của Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Bộ Tư lệnh về nâng cao chất lượng huấn luyện, giáo dục và đào tạo, Đảng ủy Nhà trường đã ban hành Nghị quyết số 684 về đổi mới công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Trường Quân sự trong tình hình mới. Trong đó, đề ra những mục tiêu, giải pháp cụ thể tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục và đào tạo của Nhà trường đến năm 2030. Căn cứ vào Nghị quyết trên, Ban Giám hiệu xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quán triệt sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, quần chúng, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.

Đại tá Đỗ Hồng Thái, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Với phương châm “Chất lượng đào tạo của Nhà trường là khả năng SSCĐ của đơn vị”, Đảng ủy xác định tập trung đổi mới phương pháp, phong cách chỉ huy, quản lý, điều hành huấn luyện của Ban Giám hiệu và vai trò tham mưu của các cơ quan, coi đây là một khâu đột phá quan trọng cần tập trung lãnh đạo. Trước hết, tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc, Quy chế giáo dục-đào tạo, Quy chế tổ chức, hoạt động của Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh… để thống nhất cơ chế chỉ đạo, điều hành trong toàn trường. Bước vào tổ chức thực hiện, Nhà trường đổi mới cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành huấn luyện, đào tạo theo hướng “tập trung, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, không chồng chéo”, theo quy trình: “Huấn luyện từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp; huấn luyện kỹ thuật trước, chiến thuật sau; ban ngày trước, ban đêm sau; cơ bản trước, ứng dụng sau”. Các kế hoạch huấn luyện tuần, tháng, năm được xây dựng bảo đảm tính khoa học, sát tình hình thực tế và đặc điểm của từng đối tượng học viên. Đặc biệt, Nhà trường triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng, lắp đặt trung tâm điều hành huấn luyện với nhiều trang thiết bị hiện đại, liên kết tất cả các phòng học, thao trường qua hệ thống camera giám sát. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, điều hành huấn luyện, giáo dục-đào tạo.

Học viên lớp bồi dưỡng kiến thức quân sự (khóa 25) trong giờ huấn luyện.

Xây dựng chương trình thống nhất, đổi mới thi, kiểm tra

 Được biết, cùng với đổi mới cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, từ thực tiễn công tác giảng dạy, qua thực tế khảo sát chất lượng học viên sau khi tốt nghiệp về công tác tại các cơ quan, đơn vị, hàng năm, Nhà trường nghiên cứu rà soát, điều chỉnh nội dung, đổi mới chương trình phù hợp với từng đối tượng. Trên cơ sở chương trình, nội dung huấn luyện được Bộ Quốc phòng quy định, Nhà trường đã biên soạn, cập nhật những nội dung, chương trình mới, hoàn thiện hệ thống giáo trình thống nhất đưa vào giảng dạy. Các giáo trình được biên soạn theo hướng giảm tỉ lệ kiến thức giáo dục đại cương, tăng kiến thức chuyên ngành, rút ngắn thời gian lên lớp, tăng thời gian thực hành, tự học, tự nghiên cứu. Tiêu biểu như các giáo trình: Huấn luyện kỹ thuật súng bộ binh (dùng cho các đối tượng học viên); quản lý bộ đội (dùng cho đào tạo sĩ quan dự bị nguồn từ hạ sĩ quan chuẩn bị xuất ngũ); trinh sát đo đạc pháo binh (sử dụng cho đào tạo khẩu đội trưởng pháo cối, ĐKZ); một số bài tập vận hành cơ chế trong diễn tập khu vực phòng thủ cấp huyện thuộc thành phố Hà Nội (dùng cho bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh đối tượng 2, 3); chuyển hoạt động của địa phương từ thời bình sang thời chiến (sử dụng cho lớp bồi dưỡng công tác tham mưu quân sự địa phương)…

Đổi mới phương pháp giảng dạy, đây là nội dung được Trường Quân sự xác định là một trong những nội dung trọng tâm. Nhà trường đã chỉ đạo các Khoa giáo viên kết hợp chặt chẽ giữa phương pháp dạy học truyền thống với phương pháp dạy học hiện đại, lấy người học làm trung tâm, phát huy khả năng sáng tạo độc lập của người học để biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo của mỗi học viên. Trong giảng bài, giáo viên đã biết kết hợp có hiệu quả các phương pháp diễn giảng, đàm thoại, trực quan... Đồng thời, sử dụng phương pháp trực quan như: Xem phim tư liệu, sử dụng băng, đĩa hình, phim tài liệu bổ trợ...

Học viên lớp quân sự cơ sở giải lao trên thao trường.

Thượng tá, Thạc sĩ Phí Văn Khánh, Tổ trưởng bộ môn Mác-Lênin, khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn chia sẻ: Học viên thường có tư tưởng ngại học các môn lý luận, chính vì vậy, cái khó nhất là giáo viên phải khơi dậy được sự hứng khởi, say mê trong học tập cho người học. Để làm được điều đó, cùng với phương pháp giảng dạy cơ bản, chúng tôi tăng cường xây dựng những chủ đề cụ thể hóa từng nội dung học. Sau đó, hướng dẫn các nhóm thảo luận, trao đổi, phát huy tính chủ động, sáng tạo của học viên. Giáo viên đóng vai trò là trọng tài để kết luận, đánh giá vấn đề. Với phương pháp đó, những buổi học lí luận sôi nổi và đạt hiệu quả rõ rệt.

Cùng với các nội dung trên, Trường Quân sự tập trung đổi mới quy trình, hình thức thi, kiểm tra, đưa hình thức thi trắc nghiệm, tự luận dạng “đề mở” vào tổ chức thi kết thúc một số môn học. Nhà trường đã triển khai nhiều giải pháp phòng chống tiêu cực và “bệnh thành tích” trong giáo dục-đào tạo. Phương pháp đánh giá kết quả học tập được tiến hành khách quan, trung thực, phản ánh toàn diện kết quả học tập, rèn luyện, chấp hành kỷ luật của học viên. Đặc biệt, Nhà trường đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng công tác quản lý giáo dục và quản trị, đề cao tính tự chủ và trách nhiệm của các cơ quan, khoa, đơn vị. Trong đó, thực hiện cơ chế người học tham gia đánh giá hoạt động giáo dục và đào tạo; giáo viên tham gia đánh giá cán bộ quản lý…

Có thể nói, “quả ngọt” có được khi Trường Quân sự tiến hành đổi mới toàn diện, đồng bộ theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa đã giúp Nhà trường luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục và đào tạo cho các đối tượng hằng năm với chất lượng được nâng lên. Đây là cơ sở quan trọng để tiếp tục xây dựng Nhà trường xứng đáng là trung tâm giáo dục-đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong LLVT Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội.

Ngọc Quang

 

 

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ