A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội: Thực hiện tốt “4 tại chỗ” trong khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ-cứu nạn

QPTĐ-“Trong 10 năm qua, các cấp ủy, chi bộ thuộc Đảng ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 689-NQ/QUTW nghiêm túc, chặt chẽ, đạt mục tiêu đề ra. Nhiệm vụ phòng, chống ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã được sự quan tâm của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố. LLVT Thủ đô đã phát huy vai trò “đội quân công tác” trong thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ cứu nạn với rất nhiều hoạt động cụ thể như chữa cháy, khắc phục rò rỉ hóa chất, xử lý bom mìn tồn sót sau chiến tranh, cứu giúp nhân dân vùng lũ lụt… Các đơn vị xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của mọi cán bộ, chiến sĩ, duy trì nghiêm chế độ ứng trực tại các cấp; chú trọng huấn luyện, diễn tập; chủ động chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”. Phát huy tốt mọi nguồn lực, tạo sức mạnh tổng hợp, ứng phó kịp thời các tình huống, góp phần giảm thiểu thiệt hại về tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân; bảo đảm cho phát triển kinh tế, ổn định an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh” - Trung tướng Trần Ngọc Tuấn, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã khẳng định tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 689-NQ/QUTW ngày 10/10/2014 của Quân ủy Trung ương về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ-cứu nạn đến năm 2020 và những năm tiếp theo do Đảng ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tổ chức ngày 18/7/2024.

 
Toàn cảnh hội nghị.

Trong những năm gần đây, kinh tế Thủ đô phát triển, đời sống của người dân được nâng lên; công tác an sinh xã hội được chăm lo chu đáo, song Hà Nội cũng phải đối diện với nhiều thách thức, trong đó có những vấn đề về an ninh phi truyền thống. Tình hình thiên tai trên địa bàn Thành phố có xu thế gia tăng, diễn biến phức tạp, khó lường như mưa lớn, lũ, úng ngập, cháy nổ, sự cố môi trường. Nhận thức rõ thuận lợi, khó khăn, Đảng ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 689 đạt được các kết quả nổi bật.

Trung tướng Trần Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội phát biểu tại hội nghị.

Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã tham mưu với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) Thành phố ban hành kế hoạch, chương trình công tác năm và kế hoạch hiệp đồng sử dụng lực lượng, phương tiện với 51 đơn vị quân đội, công an đóng quân trên địa bàn, lực lượng 10.732 đồng chí, 303 phương tiện; phối hợp tham mưu với Thành phố củng cố, xây dựng các trung tâm, các đài dự báo khí tượng thủy văn, các trạm báo tin; trạm quan trắc-cảnh báo; lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các cấp tăng cường công tác giáo dục, rèn luyện nâng cao năng lực cho cấp ủy, cán bộ chủ trì và đội ngũ cán bộ, đảng viên; chủ động về lực lượng, phương tiện, nắm chắc và xử lý có hiệu quả các tình huống; quán triệt và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của cấp trên, tổ chức tập huấn, huấn luyện cho 197.370 lượt cán bộ, chiến sĩ (lực lượng thường trực: 51.528 lượt người; dân quân tự vệ: 145.842 lượt người). Tổ chức huấn luyện chuyên sâu Tiểu đoàn Công binh 544, Đại đội Phòng cháy, chữa cháy-Phòng hóa. Công tác phối hợp bố trí, huy động lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”; phối hợp, tham gia thực hiện 2 cuộc diễn tập về PCTT-TKCN; 1 cuộc diễn tập phòng chống cháy rừng; 4 cuộc diễn tập phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn; 3 cuộc diễn tập ứng phó sự cố hóa chất. Chỉ đạo Ban CHQS cấp huyện tham mưu với Ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức 6 cuộc diễn tập PCTT-TKCN; 5 cuộc diễn tập phòng chống cháy nổ, cháy rừng, cứu sập.

 

Trung tướng Nguyễn Quốc Duyệt, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội trao tặng Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 689-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương.

tham mưu với UBND Thành phố ban hành các chỉ thị, kế hoạch chỉ đạo các sở, ngành và UBND cấp huyện quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả; rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, phương án sát với địa bàn từng địa phương; chỉ đạo Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đào tạo cơ bản nguồn nhân lực cán bộ cấp phân đội có trình độ chuyên môn sâu về nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn, xử trí các tình huống, báo động bất ngờ; tham mưu với UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ngành phối hợp với lực lượng quân sự, công an tuyên truyền giáo dục cho cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân với tư tưởng chỉ đạo “Lấy phòng ngừa là chính”, tích cực, chủ động ứng cứu nhanh, kịp thời có hiệu quả, vận dụng phương châm “4 tại chỗ”; xây dựng các công trình phòng thủ; chương trình kiên cố hóa các công trình thủy lợi vận dụng làm hào cơ động, phòng tránh sơ tán đánh địch khi chiến tranh xảy ra; xây dựng các công trình căn cứ hậu phương, xây dựng chốt chiến dịch; nâng cấp, xây dựng mới nhà làm việc cơ quan công an, quân sự cấp huyện và xã; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thường xuyên và nhiệm vụ quốc phòng khi chiến tranh xảy ra. 579/579 cấp xã trên địa bàn Thành phố đã thành lập đội xung kích phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Bộ Tư lệnh huy động 409.919 lượt cán bộ, chiến sĩ; 2.300 lượt phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn; đồng thời đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, mua sắm, hiện đại hóa trang thiết bị, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”.

Phát biểu tại hội nghị, Trung tướng Nguyễn Quốc Duyệt, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã biểu dương 13 tập thể và 13 cá nhân được BTLTĐ tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc thực hiện Nghị quyết số 689 trong giai đoạn 2014-2024 và để thực hiện Nghị quyết tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, đồng chí yêu cầu các đơn vị thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) bằng những biện pháp, hành động cụ thể, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị chuyên trách; tập huấn, huấn luyện, luyện tập, diễn tập cho các lực lượng; nâng cao trình độ tổ chức chỉ huy, điều hành và vận hành cơ chế phòng thủ dân sự; chủ động chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra, không để bị động, bất ngờ. Đặc biệt, cơ quan quân sự địa phương phải nắm vững tình hình, phát hiện nhanh các sự kiện, sự cố xẩy ra, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng để xử lý kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại của Nhà nước và nhân dân.

Lam Trang


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ