A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Họ ngang nhiên đánh cắp tài nguyên quốc gia!

 

QPTĐ-Tuần qua, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lào Cai hoàn tất cáo trạng về vụ án khai thác trái phép hơn 1,5 triệu tấn quặng Apatit, trị giá hơn 610 tỉ đồng tại khu vực khai thác công trường 18, xã Đồng Tuyển, thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai). 

Theo đó (6/2022), Cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt giữ 12 bị can, trong đó có Giám đốc Công ty Lilama (Lào Cai); Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc Công ty Apatit Việt Nam; cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường và Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Lào Cai. Các nghi phạm bị khởi tố tội: “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”, “Rửa tiền”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. 

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lào Cai và kết quả điều tra của Công an tỉnh Lào Cai, CO3 Bộ Công an; Nguyễn Mạnh Thừa, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng, thương mại Lilama (Lào Cai) là chủ mưu, trực tiếp chỉ đạo, tổ chức khai thác và tiêu thụ trái phép quặng Apatit trong thời gian dài; đã cùng 11 đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội, thu lời bất chính hơn 361 tỉ đồng, riêng Thừa chiếm đoạt hơn 177,1 tỉ đồng, Công ty Apatit Việt Nam thu lời bất chính hơn 184,5 tỉ đồng. 

“Số tiền còn lại (hàng trăm tỉ đồng), Thừa dùng vào nhiều việc khác nhau và đưa cho một số cán bộ, lãnh đạo UBND tỉnh Lào Cai, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và lãnh đạo Công ty Apatit Lào Cai cùng một số người khác”-Nội dung cáo trạng nêu rõ. 

Để hợp thức hóa nguồn tiền thu được từ việc bán quặng Apatit trái phép, Thừa đã chỉ đạo chuyển vào tài khoản 12 cá nhân tổng số tiền hơn 182 tỉ đồng. Ngoài ra, Thừa sử dụng vào nhiều việc khác nhau như mua bán bất động sản, gửi ngân hàng (đứng tên vợ, con) hòng che giấu nguồn gốc tiền bất hợp pháp. Hành vi của Thừa và các bị can đã xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế và chế độ quản lý của Nhà nước đối với nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.

Dư luận băn khoăn hỏi: Tại sao Thừa và các đồng phạm thường xuyên khai thác quặng trái phép hàng chục năm qua (từ 2013) mà không bị ngăn chặn? Việc Thừa bất ngờ trở thành đại gia và hàng chục quan chức Nhà nước tỉnh Lào Cai, trong đó có 2 Phó Chủ tịch UBND tỉnh giàu lên nhanh chóng với khối bất động sản kếch xù, là do dân phố tố giác, sao tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị lại không hay biết? Các bị can đã “biếu, tặng”, đưa và nhận của nhau hàng chục tỉ đồng, hàng trăm tỉ đồng, sao không bị điều tra về tội: “Tham ô tài sản”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”? Thiết nghĩ, đây không phải là vụ việc vi phạm duy nhất về khai thác tài nguyên, chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước?

Thời gian qua, từ đâu đó có thông tin về các vụ buôn lậu than, di chuyển trên biển, không có giấy tờ hợp pháp chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa do Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển bắt giữ rồi bị xử phạt hành chính, đã có mấy vụ được điều tra mở rộng, truy xét tận gốc? Phải chăng các vụ khai thác đất đá trái phép diễn ra hằng ngày, khai thác cát không phép gây sụt lở bờ sông, không phải là những phi vụ đánh cắp tài nguyên? 

Những năm gần đây, đất lên ngôi. Tấc đất, tấc vàng, được định giá bằng vàng bạc, đô la. Đất đai là tài sản quốc gia, thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước quản lý, ấy vậy mà mấy ông quan tham lại công khai làm xiếc với dân, móc ngoặc với thương gia đen, bán đất vàng, giá bèo, gây thiệt hại cho Nhà nước hàng ngàn tỉ đồng mỗi vụ, hỏi sao người dân không nổi giận? Hẳn chưa ai quên các phi vụ bán, mua này xảy ra ở Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Khánh Hòa, Bình Dương, Đồng Nai…gây bức xúc dư luận. 

Vẫn còn là chưa muộn, chúng ta cần phải chung tay ngăn chặn việc chảy máu tài nguyên quốc gia? 

NHẬT KIỀU
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ