Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam vừa có chuyến công tác tại Liên hợp quốc, Hoa Kỳ và đang thăm chính thức Brazil, theo lời mời của Tổng thống Brazil Lula da Silva.
Thủ tướng nêu rõ, việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thế giới hiện nay.
Trong đó, Việt Nam khẳng định chủ trương nhất quán là kiên định đường lối đổi mới, mở cửa, chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả với bên ngoài. Đường lối đổi mới dựa trên 3 trụ cột gồm: Xóa quan liêu bao cấp, thực hiện đa sở hữu và hội nhập. Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng và hợp pháp của các doanh nghiệp, đối tác đầu tư, kinh doanh lâu dài, hiệu quả, bền vững trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro và tuân thủ pháp luật.
Việt Nam mong muốn là bạn tốt, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong giải quyết các vấn đề khu vực, quốc tế và những thách thức toàn cầu vì sự thịnh vượng chung.
Nhờ đường lối đổi mới, đặc biệt là xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, từ một nền kinh tế kém phát triển, sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Quy mô nền kinh tế không ngừng được mở rộng, năm 2021 đạt trên 362 tỷ USD (so với 4,2 tỷ USD năm 1986); GDP bình quân đầu người đạt gần 3.700 USD, tăng khoảng 26 lần so với năm 1990 (142 USD) (trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động).
Việt Nam đã trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN; một trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới; là nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản đứng đầu thế giới; có mạng lưới 15 hiệp định thương mại tự do (FTAs) đã có hiệu lực. An sinh xã hội và đời sống nhân dân được cải thiện, tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn 2,2% năm 2021.
Quan điểm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng là chủ trương nhất quán, xuyên suốt được thể hiện trong Cương lĩnh xây dựng đất nước, Nghị quyết của Đảng và Hiến pháp. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định tinh thần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ dựa trên ý chí tự lực, tự cường và phát huy sức mạnh tổng hợp của dân tộc gắn với sức mạnh thời đại.
Để góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược: Đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, thì mục tiêu chính của việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng là xây dựng nền kinh tế có cơ cấu hợp lý, hiệu quả, bền vững. Tận dụng tốt các cơ hội từ hội nhập quốc tế, tạo động lực phát triển bền vững, đồng thời, cần đặc biệt chú trọng đến tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người dân.
Mới đây, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã thăm chính thức Việt Nam, theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tại buổi tiếp Tổng thống Mỹ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Hai bên đã thông qua Tuyên bố chung nâng tầm Đối tác chiến lược vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại Liên hợp quốc, Hoa Kỳ và Brazil tiếp tục khẳng định Việt Nam kiên định triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển của Việt Nam, nhằm không ngừng đưa các mối quan hệ đi vào chiều sâu; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng.
Hữu Văn