Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ I
QPTĐ-Mới đây, Chương trình Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ I- năm 2023 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội tổ chức. Đây là hoạt động rất có ý nghĩa lần đầu tiên được tổ chức, nhằm thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em theo Luật Trẻ em năm 2016 và chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021- 2030; khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ I – năm 2023.
Ảnh: Phạm Đông
Đến dự Phiên họp giả định có Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà... đại diện các Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội. 263 trẻ em đóng vai là đại biểu giả định đến từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tham gia thảo luận hai chủ đề: Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng và phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em.
Tại phiên họp này đã có 8 ý kiến phát biểu thảo luận và 2 ý kiến tranh luận. Đánh giá về năng lực của “đại biểu Quốc hội” nhỏ tuổi, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói: “Dù tuổi còn nhỏ nhưng các cháu đã chịu khó tìm hiểu, nghiên cứu, thể hiện sự chững chạc, phong thái tự tin, có suy nghĩ chín chắn, sâu sắc khi đóng vai là những đại biểu Quốc hội, thậm chí lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo Chính phủ trong điều hành, thảo luận và có nhiều đề xuất, kiến nghị rất xác đáng để giải quyết những vấn đề của trẻ em”.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhận định, các đại biểu “Quốc hội trẻ em” đã có phiên thảo luận, chất vấn và giải trình rất thành công về những vấn đề hết sức thời sự, cấp thiết đối với công tác chăm lo, bảo vệ trẻ em là: Phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em; bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trong công cuộc chuyển đổi số.
Trước phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ I-năm 2023. Bộ LĐ-TB&XH cũng đã phối hợp với một số cơ quan của Quốc hội tổ chức “Diễn đàn trẻ em quốc gia” lần thứ bảy với chủ đề “Trẻ em tham gia xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em”.
Ngoài ra, còn có nhiều diễn đàn về trẻ em được các tỉnh thành phố trong cả nước tổ chức thường xuyên để đại diện trẻ em được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của trẻ em hoặc để các cơ quan, tổ chức lấy ý kiến của trẻ em về những vấn đề có liên quan đến trẻ em, thực hiện Quyền tham gia của trẻ em được quy định tại khoản 1 Điều 37 Hiến pháp năm 2013 và Luật Trẻ em năm 2016. Trong đó, Điều 34 Luật Trẻ em quy định: Trẻ em có quyền được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về các vấn đề liên quan đến trẻ em; được tự do hội họp theo quy định của pháp luật phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành và sự phát triển của trẻ em; được cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân lắng nghe, tiếp thu, phản hồi ý kiến, nguyện vọng chính đáng.
Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về Quyền trẻ em. Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp luật để khẳng định các quyền của trẻ em, trong đó có Luật Trẻ em 2016, Luật Giáo dục 2019, Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em và nhiều chương trình, đề án về phát triển toàn diện trẻ em. Hiện nay, nước ta đang có trên 25 triệu trẻ em, chiếm 25,5% tổng dân số.
Trong đó, 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Gần 100% các cháu đến độ tuổi được đến trường, 95% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine. Đời sống tinh thần, vui chơi, giải trí, môi trường giao tiếp xã hội của trẻ em ngày càng phong phú, đa dạng, được các cấp, các ngành và cả xã hội quan tâm, chăm lo.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, mô hình phiên họp Quốc hội giả định nhằm thúc đẩy sự tham gia sớm của trẻ em vào các hoạt động chính trị, xã hội, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích của trẻ em, hướng cho trẻ em trở thành những công dân có trách nhiệm với đất nước, xã hội và khả năng trở thành những nhà lãnh đạo trong tương lai. Thực tế cho thấy, tiếng nói của trẻ em đã làm thay đổi nhận thức của người lớn và góp phần làm thay đổi thế giới.
Hữu Văn