A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Năm 2023: Năm quyết tâm vượt khó

QPTĐ-Trong ý kiến phát biểu tại Hội nghị tổng kết ngành tài chính mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá, kinh tế năm nay tăng trưởng khoảng 5,05%, thấp hơn kế hoạch ban đầu nhưng vẫn là mức cao so với khu vực và thế giới. Theo Phó Thủ tướng, mục tiêu kinh tế-xã hội đã đạt được trong năm 2023 bao gồm lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) ước tăng khoảng 3,5%. Thặng dư thương mại ở mức kỷ lục, ước xuất siêu cả năm khoảng 26 tỷ USD. Thu ngân sách Nhà nước vượt 3-4% so với dự toán.

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay đạt khoảng 5,05%.
Ảnh: Internet

Quốc hội Việt Nam đã đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2023 là 6,5%, thấp hơn kết quả của năm 2022 là 8,02%, tuy nhiên đây cũng là mục tiêu đầy thách thức trong bối cảnh khó khăn chung trên toàn thế giới và Việt Nam. 

Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, hồi tháng 10/2023, khi báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra nhận định: Nền kinh tế chịu tác động kép chưa từng có, bất chấp các nỗ lực tháo gỡ. Còn trong ý kiến phát biểu khai mạc tại Diễn đàn Kinh tế-xã hội Việt Nam 2023, được tổ chức vào tháng 9/2013, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nêu rõ:  Đất nước đang đứng trước rất nhiều khó khăn, nhiều diễn biến mới nặng nề hơn dự báo. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 3,72%, gần thấp nhất trong 12 năm trở lại đây, tạo áp lực rất lớn về tăng trưởng GDP cho 2 quý còn lại của năm. Việc đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023, giai đoạn 5 năm 2021-2025 và cả thời kỳ chiến lược 2021-2030 trở nên hết sức khó khăn.

Trước những lực cản lớn lao của nền kinh tế, với tinh thần quyết tâm vượt khó, với nỗ lực chung của toàn xã hội, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế nước ta đã vượt cơn “gió ngược”, tạo thế, lực và niềm tin để vững vàng tiến lên phía trước. 

Ngay từ đầu năm 2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023. 

Tiếp đó là Nghị định số 12/2023/NĐ-CP của Chính phủ với những chủ trương và giải pháp lớn như cho phép giãn, hoãn thuế, tiền thuê đất, giảm một số thuế, phí với tổng quy mô gói hỗ trợ khoảng 198,4 nghìn tỷ đồng.

 Đây là chủ trương thực hiện có trọng tâm chính sách tài khóa nhằm khơi thông các điểm nghẽn với phương châm “sớm nhất, hiệu quả nhất”, huy động và giải phóng các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển.

 Cùng với thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp và chính sách an sinh xã hội, trong 9 tháng năm 2023, thu ngân sách Nhà nước ước tính đạt 1223,8 nghìn tỷ đồng, bằng 75% dự toán năm. 

Kết quả thu ngân sách Nhà nước 9 tháng còn tạo nguồn lực tài chính thực hiện chính sách an sinh xã hội, chi cho các mục tiêu quốc gia. Ba trụ cột của nền kinh tế là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng đang được phát huy, trong đó riêng đầu tư, đặc biệt là đầu tư công đã có những bước tiến đáng kể. 

Trong 9 tháng năm 2023, vốn đầu tư công đã giải ngân được 57,4% kế hoạch năm, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2022. Nhiều dự án khởi công mới đã được triển khai, đây là cơ sở để thực hiện mục tiêu giải ngân 95% kế hoạch đầu tư công của năm nay. 

Kết quả thực hiện vốn FDI trong 9 tháng năm 2023 cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin vào môi trường đầu tư và vị thế kinh tế của nước ta. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đang là điểm sáng của nền kinh tế. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhìn nhận Việt Nam có nhiều cơ hội trở thành trung tâm trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, đã ra Nghị quyết 103/2023/QH15 ngày 9/11/2023 đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 là 6-6,5%, trên tinh thần quán triệt các kết luận của Trung ương và trên cơ sở phân tích cụ thể các thuận lợi, khó khăn và khả năng đạt được mục tiêu năm 2024. 

Nghị quyết  của Quốc hội cũng đã nêu 12 nhóm giải pháp để thực hiện tất cả các mục tiêu, nhiệm vụ của nền kinh tế, trong đó Quốc hội đã quyết nghị ưu tiên tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trước nội dung ổn định kinh tế vĩ mô. Điều đó cho thấy quyết tâm của toàn hệ thống cũng như của Chính phủ về việc thúc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, phục hồi và bù đắp lại những hạn chế, giảm sút trước đây do tác động khách quan của đại dịch Covid-19 cũng như các tác động của kinh tế thế giới trong năm 2023.

Hữu Văn

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ