A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Về nơi bắc nhịp cầu nối giữa thực tại với tín ngưỡng tâm linh

QPTĐ- Hòa vào dòng chảy văn hóa hàng nghìn năm của dân tộc, phong tục “thắp hương” trên bàn thờ gia tiên của các gia đình, hay trong những dịp lễ, tết, hiếu, hỉ là một tín ngưỡng không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân đất Việt. Vì vậy, hương được ví như “chuyến tàu xuyên không” chở những lời thỉnh cầu, gửi gắm ước mong tốt đẹp của con người đến với tổ tiên, trời, phật, là cầu nối giữa thế giới thực tại và tâm linh. Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 35 km, Quảng Phú Cầu không chỉ nổi tiếng với vùng đất giàu truyền thống, anh dũng trong chống giặc ngoại xâm, cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất, mà còn là nơi sản xuất hương tăm nổi tiếng của Thủ đô, góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc.

Quảng Phú Cầu là nơi sản xuất hương tăm nổi tiếng của Thủ đô.

Cần mẫn giữ nghề để rèn người

“Nón làng Chuông/Hương Quảng Phú Cầu” đây là những làng nghề nổi tiếng chạy theo hướng phía Nam của Thành phố. Đến xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa trong những ngày giáp Tết càng trở nên rực rỡ, nhộn nhịp bởi sắc màu của tăm hương và những chuyến xe đang hối hả đưa hàng đi khắp nơi trong và ngoài nước. Dưới nắng Xuân ấm áp, trên khắp các con đường, ngõ xóm dẫn vào Quảng Phú Cầu đều nhuộm đỏ sắc màu của những bó tăm đượm mùi thơm, xen lẫn tiếng lạch cạch chẻ tre, vót tăm hương vang lên, làm không khí của làng nghề những ngày cuối năm thật rộn rã. Đây là giai đoạn cao điểm chuẩn bị hương cho dịp Tết và Rằm tháng Giêng, vì vậy, nhiều hộ sản xuất phải huy động thêm người thân trong gia đình để làm việc, có hộ ít người phải thuê thêm nhân công.

Công đoạn nhuộm tăm hương.

Là người từng có 40 “thâm niên” gắn bó với nghề làm tăm hương, bác Nguyễn Hữu Long, thôn Cầu Bầu, xã Quảng Phú Cầu cho biết: “Để làm ra một cây hương, đó là sự miệt mài, công phu của những người thợ, là sự hòa trộn của nhiều nguyên liệu khác nhau, người thợ phải làm rất nhiều công đoạn, từ chọn tre hoặc vầu không được non, mà phải là tre già thẳng đến độ chuẩn mộc, để khi làm ra chân tăm tuy mỏng nhưng vẫn đảm bảo được độ chắc chắn, không cong nghiêng hay gãy khi cắm, không khét mùi tre gỗ khi đốt. Khi chọn được tre sẽ đem về chẻ ra phơi héo và mang đi sấy để khử mùi, sau đó mới tiến hành làm tăm hương. Trước kia, việc làm hương hoàn toàn thủ công nên khá vất vả nhưng hiện nay, nhờ áp dụng máy móc, công nghệ hiện đại nên thành phẩm hương được tạo ra đều và đẹp hơn, năng suất cũng được cải thiện hơn rất nhiều”.

Được biết, hiện nay rất ít người dân Quảng Phú Cầu làm hương thành phẩm mà chủ yếu là làm tăm hương, chân hương với các công đoạn như vót tăm, nhuộm chân còn công đoạn se hương sẽ chuyển đến các xưởng khác, hoặc xuất sang Hưng Yên để làm. Theo các nghệ nhân của làng Cầu Bầu chia sẻ, thì công đoạn nhuộm chân hương rất cầu kỳ, phức tạp, phải đun nước thật sôi, sau đó chọn những phẩm màu có chất lượng tốt, không độc hại, ngấm tre gỗ không bị bạc màu để đun cùng, đến khi phẩm màu tan đều trong nước sôi khi đó mới nhúng chân tăm hương vào và đem đi phơi khô. Vì thế, nghề làm tăm hương phụ thuộc rất lớn vào thời tiết, nếu chân hương dính nước mưa sẽ bị ẩm mốc và không thể sử dụng được, nên chỉ những ngày nắng to, mới phơi được hương, thời gian khoảng 5 đến 6 tiếng là hương khô, khi đó đóng gói mới chính thức hoàn thành công đoạn làm tăm hương, còn nếu nắng không to, không đủ khô thì tăm hương sẽ thiếu đi màu sắc.

Mỗi nén hương được thắp lên là một nét đẹp thiêng liêng thể hiện văn hóa tâm linh, lòng tôn kính của mỗi người đối với ông bà, tổ tiên với các bậc tiền nhân tiên liệt bằng niềm tin bất diệt trong tín ngưỡng truyền thống. Hương khói tạo nên không gian ấm cúng, thể hiện sự gắn kết của mọi thành viên trong gia đình. Do đó, những người làm hương Quảng Phú Cầu luôn tự nhắn nhủ với chính mình là phải cẩn thận, tỷ mỉ trong làm nghề, tuyệt đối không được cẩu thả, bởi vì hương liên quan đến thờ cúng, tâm linh, là nghề truyền thống mà cha ông để lại, mỗi sản phẩm tạo ra phải trân trọng, nên cái tâm, cái tầm của người thợ đều gửi trọn trong những chiếc tăm hương nhiều màu sắc, nghề làm tăm hương nhờ đó đã ăn sâu vào tiềm thức, trở thành nghề chính và cũng là nghề yêu thích của người dân Quảng Phú Cầu.

Giúp địa phương có nhiều hướng đi mới

Tham quan cơ sở sản xuất tăm hương của gia đình bác Nguyễn Hữu Long, thôn Cầu Bầu, ngoài những gian nhà kho xếp chật cứng tăm hương thành phẩm chuẩn bị bàn giao cho khách, chúng tôi rất bất ngờ bởi trên sân nhà xưởng của bác có hàng trăm bó tăm hương được xếp tỉ mỉ thành các biểu tượng, như bông hoa, cánh sen, ngôi sao 5 cánh, bản đồ hình chữ S Việt Nam tạo nên không gian check in mới lạ, bắt mắt, thu hút du khách tới tham quan, chụp ảnh, trải nghiệm rất đông, có cả du khách nước ngoài. 

Thấy chúng tôi cứ say sưa chiêm ngưỡng những biểu tượng độc lạ được tạo ra từ bó tăm hương, bác Nguyễn Hữu Long tươi cười giới thiệu: “Gia đình tôi là hộ tiên phong đầu tư vào phát triển “kinh tế kép”, nghĩa là vừa sản xuất vừa kết hợp với phát triển du lịch. Đấy các chú xem, tạo ra các bó hương tăm để xếp hình rất mất thời gian, công sức và nguyên vật liệu, công nhân phải dậy từ 5 giờ sáng, luôn tay xoay tròn những bó tăm hương để phơi cho kịp ngày nắng, đồng thời phục vụ nhu cầu tham quan, chụp ảnh của du khách. Nhưng gia đình tôi chỉ thu 40.000 đồng/người/lượt. 

Tuy không nhiều, nhưng cũng có thêm thu nhập, lại vừa quảng bá thương hiệu làng nghề, nên cũng vui”. Theo như bác Nguyễn Hữu Long cho biết, hiện tại cơ sở sản xuất của gia đình mỗi tháng xuất ra thị trường gần chục tấn tăm hương, hiện cơ sở có 15 công nhân làm việc, được trả lương theo sản phẩm trung bình mỗi người nhận từ 250.000 đồng đến 350.000 đồng/ngày. Mặc dù thu nhập chưa phải là cao, nhưng ổn định, lúc nào cũng có việc để làm.

Hiện nay, so với mặt bằng chung các xã của huyện Ứng Hòa, thì Quảng Phú Cầu có kinh tế phát triển mạnh nhờ các ngành tiểu thủ công nghiệp, trong đó nghề làm tăm hương đóng vai trò mũi nhọn, mở ra nhiều hướng phát triển mới cho địa phương. Những năm gần đây, làng hương Quảng Phú Cầu còn tập trung phát triển du lịch làng nghề và nhanh chóng trở thành điểm đến nổi tiếng, thu hút đông đảo sự quan tâm của du khách, nhiếp ảnh gia trong và ngoài nước tới tham quan, chụp ảnh, tìm hiểu quy trình làm tăm hương truyền thống của người dân địa phương. 

Trung bình mỗi ngày Quảng Phú Cầu đón gần 200 lượt khách tới thăm quan du lịch, góp phần tăng mức bình quân thu nhập đầu người hàng năm đạt xấp xỉ 70 triệu đồng. Đồng chí Đặng Văn Toản, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Phú Cầu cho biết: “Nghề làm tăm hương của địa phương có từ hơn 100 năm nay, thương hiệu hương Quảng Phú Cầu nổi tiếng khắp các tỉnh thành trên cả nước cũng như xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia. Trước đây, nghề làm tăm hương vốn được coi là nghề phụ để người dân tranh thủ làm lúc nông nhàn. Thế rồi dần dần duy trì và phát triển, đến nay, nghề này đã trở thành nghề chủ đạo, thu hút lượng lớn lao động địa phương và lao động từ các nơi khác đến, đem lại thu nhập chính cho người dân nơi đây; kinh tế của xã chiếm hơn 75% thu nhập từ nghề làm tăm hương”.

Chia tay làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu khi trời đã ngả bóng, hai bên đường, những bó tăm hương xanh, đỏ, tím vàng xòe ra như những bông hoa rực rỡ khoe sắc tô điểm thêm mùa Xuân mới tươi vui an lành, hy vọng làng nghề sẽ mãi trường tồn, phát triển, để người dân Quảng Phú Cầu luôn ấm no, hạnh phúc và lưu giữ, trao truyền nghề quý của cha ông.

VĂN TUÂN

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ