A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển nông nghiệp Thủ đô toàn diện, hiện đại, bền vững

QPTĐ- Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025" đã xác định: Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn liền với phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, hướng tới phát triển nông nghiệp thông minh, công nghệ cao, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Mô hình nông nghiệp hữu cơ ở Thạch Thất, Hà Nội.

Kết quả bước đầu

Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, tăng trưởng sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản hàng năm từ 2,5-3%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái đạt trên 70%. Thành phố đánh giá, phân hạng được thêm 2.000 sản phẩm OCOP trở lên; quan tâm phát triển mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ theo chuỗi giá trị; thực hiện tốt việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh, cây công trình phục vụ dịch vụ nông nghiệp, đô thị, nuôi trồng thủy sản, phát triển sản xuất giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao, xây dựng vùng nguyên liệu nông sản an toàn gắn với mã vùng trồng, mã vạch sản phẩm, truy xuất nguồn gốc.

Thực tế, thời gian qua, ngay cả trong điều kiện đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp (2020-2022), ngành Nông nghiệp Thủ đô vẫn có những bước chuyển mình mạnh mẽ, một số lĩnh vực tăng trưởng tương đối nhanh. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, tốc độ tăng trưởng nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2022 trên địa bàn Thành phố ước tăng 2,58% so cùng kỳ. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ước năm 2022 (theo giá so sánh) đạt 40.638,4 tỷ đồng, tăng 2,61% so với năm trước. Trong đó, giá trị sản xuất trồng trọt đạt 16.242,3 tỷ đồng, tăng 2,77%; giá trị sản xuất chăn nuôi đạt 19.969,6 tỷ đồng, tăng 2,49%; giá trị sản xuất dịch vụ nông nghiệp đạt 875,8 tỷ đồng, tăng 1,9%. Về cơ cấu, ngành đã có những chuyển dịch tích cực, trong đó giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm 91,26%, lâm nghiệp 0,23%, thủy sản 8,51%.

Ngành đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến. Đến nay, toàn Thành phố có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, có 185 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt; 45 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi; 54 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản và 1 mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi. Các mô hình công nghệ cao tập trung nhiều ở các huyện như: Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng… 

Một số mô hình ứng dụng công nghệ cao, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp tình hình thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vị thế trên thị trường, điển hình như: Mô hình sản xuất giống và hoa lan hồ điệp của Hợp tác xã Đan Hoài (huyện Đan Phượng); Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (huyện Đan Phượng); Nhà máy sản xuất nấm kim châm công nghệ Nhật Bản của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kimoko Thanh Cao (huyện Mỹ Đức); Công ty cổ phần Giống gia súc Hà Nội...

Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu

Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu, song nông nghiệp Thủ đô cần những điểm đột phá, nhất là thực hiện triệt để tái cơ cấu nhằm phát triển nông nghiệp toàn diện, theo hướng hiện đại, bền vững. Trọng tâm là tái cơ cấu theo các lĩnh vực.

Trong lĩnh vực trồng trọt, Thành phố tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Cơ cấu lại sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt theo hướng giảm diện tích sản xuất lúa, mở rộng diện tích trồng rau, tăng diện tích cây ăn quả, diện tích hoa, cây cảnh. Phát triển sản xuất các đối tượng cây trồng chủ lực; khai thác để tạo sinh kế và phát huy hiệu quả của đất bãi sông Hồng, sông Đà, sông Dấy, sông Cà Lồ để phát triển rau, đậu thực phẩm, cây ăn quả, cây công trình theo hướng trang trại gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm.

 Tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh trong sản xuất trồng trọt, mở rộng phát triển cả về quy mô và số lượng trên các đối tượng chủ lực, tiến tới mở rộng trên tất cả các hoạt động sản xuất trồng trọt. Duy trì và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ tại các vùng sản xuất chuyên canh tập trung. Tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu và hướng tới xuất khẩu. Duy trì kiểm soát 40 mô hình và mở rộng, phát triển, kiểm soát thêm 30-40 mô hình chuỗi cung cấp rau an toàn áp dụng hệ thống đảm bảo truy xuất nguồn gốc xuất xứ và an toàn thực phẩm. Sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả, linh hoạt để phát huy lợi thế về tiềm năng đất đai, khí hậu của từng vùng sinh thái. Xây dựng mô hình, khuyến khích phát triển sử dụng phân bón hữu cơ, sử dụng phân bón tiết kiệm trong các vùng sản xuất nguyên liệu, các vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, đặc biệt là trong các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Xây dựng các vùng chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư. Chuyển đổi cơ cấu đàn vật nuôi hợp lý, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, vật nuôi bản địa, đặc sản có giá trị cao theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi tuần hoàn ở cả quy mô trang trại và hộ chăn nuôi chuyên nghiệp, đảm bảo an toàn thực phẩm, bền vững môi trường, an toàn sinh học, dịch bệnh và thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị...

Rà soát, quy hoạch các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung theo hướng đồng bộ nhằm tăng năng suất, chất lượng cao và an toàn vệ sinh thực phẩm. Đánh giá các vùng trũng trồng lúa kém hiệu quả để chuyển sang nuôi trồng thủy sản theo quy định. Phát triển nuôi trồng, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên theo hướng hiệu quả, bền vững, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường sinh thái... Khuyến khích phát triển các chương trình, mô hình nuôi trồng thủy sản có áp dụng công nghệ cao, khoa học-kỹ thuật mới, tiên tiến trong sản xuất. Phát triển ngành Thủy sản theo hướng bền vững, chất lượng, hiệu quả, bảo vệ hệ sinh thái đất ngập nước, bảo tồn đa dạng sinh học.

Trong lĩnh vực lâm nghiệp, quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững diện tích rừng hiện có, phục hồi và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, phát triển rừng sản xuất phù hợp với điều kiện kinh tế và nhu cầu địa phương. Đẩy mạnh phát triển lâm sản ngoài gỗ, trồng cây dược liệu dưới tán rừng, các dịch vụ môi trường rừng, du lịch sinh thái. Chủ động công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, đảm bảo kịp thời xử lý các tình huống, không để xảy ra cháy rừng.

 Cùng với đó là quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất, hạ tầng nông thôn, đặc biệt là hệ thống đường nông thôn, đê điều, thủy lợi theo hướng đồng bộ, kết hợp với đường giao thông, tăng cường ứng dụng khoa học- kỹ thuật trong thực hiện, phù hợp theo hướng phát triển đô thị.

Đức Minh

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ